Khởi nghiệp thất bại: Chìm trong 'ma trận' hóa đơn 'ảo'

Khi 'còn sống', starup uBiome đã huy động được hơn 100 triệu USD đầu tư, được định giá khoảng 600 triệu USD trong vòng gọi vốn gần đây nhất diễn ra vào tháng 9/2018.

Một năm trước, startup xét nghiệm sức khỏe uBiome còn trên đỉnh sóng. Chưa đầy một tháng trước đó, công ty tuyên bố tập trung hơn vào các sản phẩm trị liệu, huy động được 83 triệu USD và bổ sung một cựu CEO của hãng dược phẩm danh tiếng Novastis vào hội đồng quản trị. Nhưng cũng rất nhanh sau đó, những người đồng sáng lập công ty từ chức, phải đối mặt với sự giám sát của cơ quan thực thi pháp luật, công ty đang tiến hành các thủ tục phá sản, nghĩa là thanh lý tài sản và đóng cửa.

Đồng sáng lập và (cựu) CEO uBiome Jessica Richman. Ảnh: Reuters/Mike Blake

Đồng sáng lập và (cựu) CEO uBiome Jessica Richman. Ảnh: Reuters/Mike Blake

Rất nhiều điều có thể xảy ra trong 12 tháng.

Năm 2012, nhà khoa học máy tính Jessica Richman và nhà sinh lý học Zac Apte đã thành lập uBiome vào năm 2012. Mục tiêu ban đầu là đưa ra thị trường xét nghiệm kiểu mới nhằm khám phá mối liên hệ giữa sức khỏe con người và microbiome - vi khuẩn đường ruột mà một số nghiên cứu khẳng định chúng có tác động đến sức khỏe con người.

Sản phẩm đầu tiên là bộ dụng cụ xét nghiệm có thể dùng tại nhà để mọi người có thể cung cấp các mẫu phân và gửi chúng đi xét nghiệm. Sau đó, mọi người sẽ nhận lại báo cáo về hệ thống vi khuẩn đường ruột trong cơ thể. Sau đó, công ty bắt đầu cung cấp xét nghiệm hội chứng ruột kích thích và xét nghiệm sức khỏe âm đạo.

Khi “còn sống”, starup này đã huy động được hơn 100 triệu USD đầu tư, được định giá khoảng 600 triệu USD trong vòng gọi vốn gần đây nhất diễn ra vào tháng 9/2018.Nhưng cuộc đời không chỉ có màu hồng, uBiome đã bị cảnh sát “hỏi thăm” do bị nghi ngờ gian lận.

FBI đột kích văn phòng uBiome; Ảnh: Reuters

CNBC dẫn chứng một người tên là Marc Harris gặp về vấn đề về tiêu hóa đã tìm đến uBiome. Ban đầu, ông nghĩ mình sẽ được xét nghiệm tử tế như trong bệnh viện. Song thay vào đó, ông lại nhận được 6 bộ dụng cụ kèm thư rồi công ty gửi đến 3 email mỗi tuần để thúc giục ông gửi lại các mẫu xét nghiệm. Cuối cùng, ông chỉ gửi lại 2 mẫu và nhận được thẻ quà tặng Amazon. Nhưng báo cáo xét nghiệm lại không có giá trị với bác sĩ. Sau đó, khi nhận được báo cáo về bảo hiểm, ông rất ngạc nhiên khi biết công ty đã lập hóa đơn cho 5 lần xét nghiệm với chi phí lên đến 2.970 USD cho mỗi lần.

Theo CNBC, đây là thông lệ phổ biến trong uBiome: lập hóa đơn nhiều lần cho bệnh nhân mà không cần đến sự đồng ý của họ, khiến các công ty bảo hiểm cũng hoài nghi và từ chối thanh toán. Công ty cũng gây áp lực cho các bác sĩ phải xét duyệt các xét nghiệm với sự giám sát tối thiểu. Tất cả nhằm phục vụ cho các con số tăng trưởng - số lượng xét nghiệm được thanh toán.

Một bộ xét nghiệm uBiome; Ảnh: Erin Brodwin

Các công ty y tế chăm sóc sức khỏe trực tiếp như uBiome thường xuyên thất bại vì không cung cấp đủ hỗ trợ cho bệnh nhân trước khi kê đơn xét nghiệm. Nhiều chuyên gia quan ngại về cái gọi là “tài liệu trong hộp”. Trong đó, các công ty phê duyệt các xét nghiệm y tế mà không liên lạc với bệnh nhân. Những người chỉ trích còn nói rằng bệnh nhân ít được chẩn đoán chính xác và các công ty còn cắt giảm tối đađiều luật bảo vệ bệnh nhân. Việc xét nghiệm kê đơn mà không có sự giám sát y tế đầy đủ có thể dẫn đến các xét nghiệm không cần thiết gây ra gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Những người ủng hộ cho rằng: Phần lớn bệnh nhân chỉ có được vài phút với bác sĩ. Thậm chí, nhiều người không thể tiếp cận phòng khám y tế. Vì vậy, những dịch vụ này có thể giúp các bệnh nhân không được hệ thống y tế “chính thống” chăm sóc thỏa đáng. uBiome nói rằng: Các xét nghiệm của họ mang lại thông tin sức khỏe chưa từng có cho người sử dụng dịch vụ, giúp họ kiểm soát sức khỏe tốt hơn.

Tuy nhiên, uBiome đã bị FBI đột kích văn phòng. Hai đồng sáng lập đã ra đi. Hội đồng quản trị mở cuộc điều tra độc lập về hoạt động thanh toán của công ty.

Nhiều người trong cuộc tiết lộ với CNBC rằng: Những người sáng lập đã lạm dụng hóa đơn, thay vì số lượng mẫu thực tế được gửi lại, để làm thước đo tăng trưởng quan trọng của công ty và thường xuyên chia sẻ những số liệu này với các nhà đầu tư.

Một số tiết lộ uBiome sẽ liên tục thúc giục những bệnh nhân như Harris gửi lại các mẫu và hóa đơn bảo hiểm mỗi lần. Công ty cũng sẽ “nâng cấp” các mẫu xét nghiệm, mà bệnh nhân không hề biết và sau đó lập hóa đơn. Việc lập hóa đơn bảo hiểm hai ba lần cho cùng một mẫu xét nghiệm là không bình thường, bao gồm cả các bệnh nhân theo chế độ bảo hiểm nhà nước.

Ngoài ra, uBiome gây áp lực buộc các bác sĩ phê duyệt các xét nghiệm. Một tài liệu nội bộ năm 2017 cho thấy công ty có một phần mềm tự động “phê duyệt” 100% mẫu xét nghiệm được gửi đến. Tất cả bệnh nhân đều được bác sĩ phê cần xét nghiệm, ngay cả khi họ không có triệu chứng. Có ít nhất một bác sĩ đã bị thu bằng.

Jessica Richman; Ảnh: Getty

Theo tài liệu mà CNBC thu thập, Staff Care thuộc AMN Health đã cung cấp bác sĩ cho uBiome từ năm 2017. Các bác sĩ được trả 180 USD/giờ để phê duyệt các xét nghiệm. (Staff Care khẳng định mối quan hệ giữa hai bên đã kết thúc trong năm 2018.)

Bác sĩ, nhà đầu tư y tế Bob Kocher nhận định: Bất kỳ phê duyệt tự động các xét nghiệm đắt tiền đều có vấn đề.

Tháng 5/2019, John Rakow, CEO lên nắm quyền sau khi hai hai đồng sáng lập ra đi, vẫn còn tỏ ra lạc quan khi cho biết sẽ thực hiện mọi giải pháp khắc phục cần thiết để “chúng tôi có thể trở thành công ty mạnh hơn có khả năng phục vụ bệnh nhân và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.

Có vẻ họ đã thực sự “phục vụ” tốt hơn, bằng cách xin đóng cửa để không còn hóa đơn “ma” nào xuất phát từ uBiome nữa.

Theo songmoi

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/khoi-nghiep-that-bai-chim-trong-ma-tran-hoa-don-ao-165117.html