Khởi nghiệp sáng tạo bắt đầu từ đổi mới tư duy

Tôi từng dự một cuộc tọa đàm về khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ mà có những lúc, diễn giả phải khuyến khích đến ba, bốn lần mới có thêm cánh tay giơ lên để đặt câu hỏi. Vị diễn giả phải động viên như cách người ta dỗ dành trẻ nhỏ: 'Các bạn cứ tự tin đặt câu hỏi đi, đừng ngần ngại, đừng sợ sai'! Phần lớn chúng ta không ngạc nhiên về điều này. Thiếu tự tin, ngại thể hiện ý kiến là một trong những đặc điểm của nhiều bạn trẻ nước ta - hệ quả sau thời gian dài bị ảnh hưởng của lối giáo dục thụ động 'đọc - chép'.

Khởi nghiệp sáng tạo (start-up) là triển khai những ý tưởng, những mô hình kinh doanh đột phá, có hàm lượng trí tuệ cao, phá vỡ những khuôn khổ kinh doanh truyền thống. Tiếc rằng, đây lại là điểm yếu cố hữu của người Việt Nam, nhất là giới trẻ - những chủ nhân của thời đại 4.0. Ngay khi bắt đầu ngồi trên ghế nhà trường, cho đến khi vào giảng đường đại học, học sinh, sinh viên được gò vào lối giáo dục “đúc khuôn” học theo lối truyền thụ một chiều. Đơn cử như các môn Văn, Tiếng Việt, cùng một sự vật, hiện tượng, mỗi em cần phải có những cảm nhận riêng, giáo viên chỉ là người định hướng. Thế nhưng trên thực tế, thầy, cô giáo luôn gợi ý một số ý cần phải có. Một phụ huynh mới đây than phiền về bài tả chiếc cặp của cậu con trai. Cô giáo yêu cầu viết lại bài và đưa ra một số gợi ý: Cặp mầu gì, kích thước dài, rộng bao nhiêu, có mấy ngăn, có in hình gì trên cặp... Trong bài, cậu bé cũng tả những nội dung như vậy, nhưng hơi sơ sài. Cậu lỡ tay “kể thêm” câu chuyện khác: Năm nay em không được mẹ mua cho cặp mới. Đầu năm mẹ em đi làm từ thiện giúp trẻ em nghèo ở vùng xa. Mẹ em bảo em nên dùng cặp cũ để tiết kiệm một khoản tiền giúp đỡ các bạn học sinh nghèo không đủ ăn, không có cặp đi học… Tiếc rằng phần này bị cô giáo phê là lan man. Tương tự với nhiều môn học khác. Nếu học sinh giải toán khác cách thầy cô dạy, dù kết quả đúng, thì khó được điểm tối đa. Tất nhiên, việc học sinh nêu ý kiến, trình bày quan điểm về nội dung kiến thức với thầy cô cũng có nhưng là điều xa xỉ. Gần đây, ngành giáo dục có ít nhiều đổi mới, nổi bật là ứng dụng thêm công nghệ vào giảng dạy, bằng các màn chiếu bài giảng trên lớp. Dẫu vậy, thay vì nạn “đọc - chép”, giờ lại có thêm tình trạng... “nhìn - chép”.

Thế giới đã bước vào thời đại 4.0. Ở thời đại này, nếu không có những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thất bại là điều khó tránh khỏi với mọi nền kinh tế. Điều mừng là giới trẻ Việt Nam rất nhiệt huyết với khởi nghiệp. Việt Nam đã có không ít chính sách “đỡ đầu” cho khởi nghiệp sáng tạo, tạo dựng hệ sinh thái, có những quỹ đầu tư cho khởi nghiệp... Đã có những mô hình start-up ra đời và đã có những thành công nhất định.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Khởi nghiệp 2018 mới đây, nhiều ý kiến cho rằng: Khởi nghiệp tại Việt Nam chưa có ý tưởng đột phá, ít có start-up đúng nghĩa, một số mô hình mang tính sao chép của nước ngoài nhiều hơn sáng tạo. Tỷ lệ thất bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam cũng ở mức rất cao. Điều này không khó giải thích, nếu nhìn từ bề sâu hệ thống giáo dục, đào tạo. Giáo dục mà một chiều chỉ thấy truyền thụ kiến thức, ít có tương tác của người học, triệt tiêu cá tính sáng tạo ngay từ bé thì rất khó yêu cầu giới trẻ phải có những ý tưởng đột phá, phải khởi nghiệp sáng tạo khi trưởng thành, đến tuổi lập thân, lập nghiệp. Cùng với tạo thêm các chính sách, điều kiện hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo, điều cần phải làm là “cởi trói” tư duy cho học sinh, sinh viên, từ trên ghế nhà trường. Bản thân các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo cũng cần thay đổi, thích ứng với cái mới, để không chỉ ươm trồng, khuyến khích mà còn bảo vệ, nâng đỡ tư duy độc lập, sáng tạo, cá tính sáng tạo ngay từ rất sớm.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36252802-khoi-nghiep-sang-tao-bat-dau-tu-doi-moi-tu-duy.html