'Khởi nghiệp quốc gia không phải là phong trào'

'Quốc hội và Chính phủ cần xác định khởi nghiệp quốc gia không phải là phong trào, nhà nước cần có chiến lược và chính sách đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp có chiều sâu, thường xuyên, liên tục và bền vững', đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (TP Hà Nội) đề xuất.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, khởi nghiệp tạo ra những động lực mới và nguồn lực mới cho phát triển hưng thịnh đất nước, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay và sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Khởi nghiệp có thể được coi là những ý tưởng khởi tạo và hành động trong các lĩnh vực khác nhau hướng tới phục vụ cho cộng đồng, cho xã hội, giải quyết bài toán trước mắt hay lâu dài của xã hội của phát triển kinh tế cộng đồng, của một đất nước, của một ngành hàng.

Do vậy, giá trị khởi nghiệp đúng như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ không chỉ là thành công tài chính của một dự án kinh doanh mà còn là giá trị xã hội về tính nhân bản đem lại sự khác biệt và được xã hội đón nhận tôn trọng.

Bà Lan cho rằng, chủ trương khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là rất đúng, phù hợp với xu thế thời đại cũng như nhu cầu phát triển của đất nước. Nhưng hiện nay còn khó khăn như chưa chuẩn bị đầy đủ cho nền tảng chung của hệ sinh thái khởi nghiệp. Thực tế cho thấy vấn đề khởi nghiệp không phải là thiếu nguồn vốn tài chính mà là thiếu kiến thức và năng lực, đây là nền móng giúp nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn về khởi nghiệp, từ đó đảm bảo khởi nghiệp đi vào chiều sâu lâu dài và liên tục.

“Việt Nam là nước có tiềm năng và lợi thế nông nghiệp nên trong trào lưu khởi nghiệp quốc gia phải lấy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã một sản phẩm làm nền tảng”, bà Lan nêu quan điểm.

Tuy nhiên, cũng theo bà Lan, khởi nghiệp nông nghiệp còn nhiều hạn chế cần được tháo gỡ và hỗ trợ. Khó khăn lớn nhất của khởi nghiệp nông nghiệp là thiếu nguồn nhân lực trẻ có trình độ, thiếu môi trường và các nguồn lực cho khởi nghiệp, rủi ro lớn cả về tự nhiên và thị trường.

Để thúc đẩy khởi nghiệp, theo vị đại biểu này, cần đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp nông nghiệp, tạo dựng môi trường khởi nghiệp tại nông thôn. Hỗ trợ vốn và pháp lý cho thanh niên nông thôn và những người muốn khởi nghiệp nông nghiệp.

Bà Lan cũng đề nghị, Quốc hội và Chính phủ cần xác định khởi nghiệp quốc gia không phải là phong trào, nhà nước cần có chiến lược và chính sách đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp có chiều sâu, thường xuyên, liên tục và bền vững.

Thứ hai, xây dựng chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường nông, lâm, ngư nghiệp và các cơ sở giáo dục có liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã là một sản phẩm. Nhờ thế, các trường đại học có thể trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, xây dựng môi trường và các nguồn lực tại các vùng nông thôn, miền núi, phục vụ khởi nghiệp nhằm đưa hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia phát triển toàn diện và bền vững.

TÚ ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/khoi-nghiep-quoc-gia-khong-phai-la-phong-trao-3477186.html