Khởi nghiệp cùng thanh niên nông thôn

Thời gian qua, chuyện những bạn trẻ quyết tâm khởi nghiệp được nhiều người biết đến. Đó là những thanh niên nông thôn biết làm giàu cho bản thân, cho gia đình, đóng góp cho xã hội.

Thanh niên nông thôn khởi nghiệp thành công.

Thanh niên nông thôn khởi nghiệp thành công.

Thành công từ khởi nghiệp

Anh Phạm Ngọc Anh Tuấn từng có thời gian làm kỹ sư cho một công ty thủy sản ở Nha Trang. Cây chùm ngây mọc ở vùng đất này khá nhiều. Tuấn từng được ăn lá chùm ngây nấu canh, uống trà chùm ngây nên năm 2016 anh trở về quê ở xã Mỹ Bình (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) quyết tâm trồng chùm ngây. Ban đầu Tuấn trồng 1.000m2 tại vườn, mục đích chỉ là lấy lá bán cho mọi người nấu canh, giá trị cây chùm ngây mang lại không cao nên Tuấn nghĩ đến việc tăng thêm giá trị. Chàng trai sinh năm 1981 này đã biến những chùm ngây tươi thành các sản phẩm trà lá khô, trà túi lọc, bánh và bột chùm ngây. Mới nhất là làm dầu ăn và tinh dầu dưỡng da, làm đẹp. Bộ sưu tập chùm ngây của Tuấn tăng dần theo thời gian. “Để có nguồn nguyên liệu chùm ngây tự nhiên, Tuấn đã tận dụng các con rạch gần nhà cũng như rơm rạ của bà con nông dân ở khu vực lân cận rồi tự ủ thành phân hữu cơ bón cho cây. Rơm rạ kết hợp với phân bón để sản xuất ra chế phẩm sinh học Trichoderma, cung cấp cho cây phát triển tốt. Có được sản phẩm chùm ngây đáp ứng tiêu chuẩn an toàn do Bộ Y tế cấp chưa đủ, các sản phẩm chùm ngây của Tuấn còn đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao”- anh Tuấn chia sẻ.

Nếu ai có dịp đi Hà Giang, đến cổng trời Quảng Bạ, hãy vào cửa hàng của HTX Năm Đăm để được uống ly cà phê ngon, uống ly trà gừng mật ong, ngắn toàn cảnh núi đồi và nhất là để gặp và nói chuyện với Lý Tà Giàng. Chàng trai tuy mới 24 tuổi nhưng đã thể hiện vai trò thủ lĩnh. Với tính cách bộc trực, thẳng thắn, Giàng đảm nhiệm vị trí Giám đốc kinh doanh HTX Dược liệu Năm Đăm với doanh số ổn định, phát triển. Đặc biệt hơn là Nguyễn Văn Chung, một chàng trai rất thông minh và đầy nghị lực, có nụ cười sảng khoái. Chung là vận động viên bộ môn bơi lội người khuyết tật TP Hà Nội. Ngoài những lúc tham gia thi đấu thì nghề nuôi sống bản thân Chung là nấu xà bông thảo dược. Chung mày mò làm ra những miếng xà bông chanh, cam, sả, than, chùm ngây, cám gạo… với những bông hình hoa xinh xắn, chất lượng tự nhiên được nấu, sản xuất ngay tại chỗ, đã trở thành sản phẩm “hót” tại các kỳ hội chợ, triển lãm.

Qua khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên nông thôn mới thấy ý chí và suy nghĩ làm giàu của giới trẻ bây giờ đã thay đổi, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có nhiều cơ hội tiếp cận với cái mới hơn nhiều so với thế hệ trước đây.

Thay đổi tư duy

Theo sát và trực tiếp giúp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công trong suốt 5 năm qua, bà Vũ Kim Anh- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cho biết, chúng tôi chọn các bạn thanh niên gắn bó với nông nghiệp để hỗ trợ, giúp đỡ. Nhiều dự án khởi nghiệp có ý tưởng hay, sâu sát và có tính thực tiễn cao. Trong đó, tận dụng tài nguyên bản địa để tạo ra những sản phẩm mới. Ý tưởng khởi nghiệp có nhiều nhưng để có sản phẩm bán được ra thị trường không dễ, nhất là với nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thu Vân - Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn cho biết, dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức từ nhiều năm nay nhằm cổ vũ, khuyến khích, định hướng và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế khu vực nông thôn của thanh niên, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên nông thôn trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; đồng thời phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

“Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 sẽ tạo điều kiện cho thanh niên học hỏi các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, kiến thức về xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; là cơ hội để trải nghiệm và đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Thông qua cuộc thi sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận, nắm bắt kịp thời những ý tưởng hay, sáng tạo và các mô hình kinh doanh tiềm năng, từ đó có thể đầu tư, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề cho doanh nghiệp; là cơ hội để doanh nghiệp tìm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị”- chị Vân chia sẻ.

Còn quá nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công và cũng còn nhiều mô hình khởi nghiệp còn khó khăn, trắc trở, kể cả thất bại nhưng không vì thế mà tinh thần khởi nghiệp của bạn trẻ vơi đi. Rất nhiều mô hình khởi nghiệp, ở đâu cũng có dự án xuất phát từ tấm lòng, từ suy nghĩ của nhiều bạn trẻ, ý thức tạo và giữ cuộc sống xanh, phát huy được giá trị cuộc sống, khai thác và gìn giữ phát triển tài nguyên bản địa.

Ngày 6/9, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức gặp mặt báo chí công bố kết quả cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn. Sau 3 tháng triển khai, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 225 dự án tham gia cuộc thi từ 48 tỉnh, thành trên cả nước. Qua chấm điểm, Ban Giám khảo đã thống nhất lựa chọn 105 dự án, thuộc 40 tỉnh, thành phố vào vòng bán kết. Theo đó, vòng bán kết sẽ được tổ chức tại 3 khu vực: Bắc, Trung, Nam. Kết thúc vòng bán kết sẽ chọn ra 30 dự án tiêu biểu nhất để thi vòng chung kết toàn quốc. Giải thưởng gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích. Ngoài giải thưởng, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn 1 dự án tiềm năng được trưng bày sản phẩm tại Hội chợ Nông sản quốc tế tại Thái Lan.

Tuệ Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-noi-co-so/khoi-nghiep-cung-thanh-nien-nong-thon-tintuc446654