Khởi nghiệp cùng những người bảo vệ rừng

Cô gái 8X Trịnh Thị Ngọc Hiện đã chọn con đường khởi nghiệp từ rừng sau 5 năm 'lăn lộn' cùng người dân vùng Thạnh Phú, Bến Tre vừa tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường vừa khai thác thủy sản sạch. Cô nhận ra rằng, dưới tán rừng ngập mặn, ngoài cảnh đẹp trời cho, những loài thủy sản sạch ở đây có thể giúp cô làm kinh tế và giúp người dân tăng thêm thu nhập đáng kể…

Chủ tịch HĐQT Công ty AnFoods Trịnh Thị Ngọc Hiện bên các sản vật từ rừng

Đưa đặc sản rừng lên phố

“Hàng chục năm qua, ở Bến Tre, những người nông dân được nhà nước giao khoán đất rừng ngập mặn đã không ngại vất vả để bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường trong lành.

Tuy nhiên, những gì họ nhận lại quá ít, cuộc sống bấp bênh. Vì thế, tôi muốn làm điều gì đó có thể giúp họ vươn lên, đồng thời giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, tự nhiên”.

Đó là xuất xứ câu chuyện khởi nghiệp của cô gái xứ dừa 29 tuổi Trịnh Thị Ngọc Hiện - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty AnFoods ở phường Phú Tân, TP Bến Tre.

Năm 2010, Ngọc Hiện tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, về làm việc tại Hội Thủy sản tỉnh Bến Tre. Lúc này, đơn vị được tài trợ dự án FSPS2 (Chương trình hỗ trợ nghề cá quy mô nhỏ do Chính phủ Đan Mạch tài trợ) và được phân công tham gia, gắn bó với người dân xứ biển Thạnh Phú.

Ngọc Hiện cho biết, ý tưởng kinh doanh của cô xuất hiện trong quá trình thực hiện các dự án về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại vùng ven biển Thạnh Phú. Trung bình mỗi hộ dân ở địa phương được khoán khoảng 10ha, nhà nước chi trả 100.000 đồng/ha/năm. Số tiền này rất nhỏ, nên người dân chủ yếu sống bằng khai thác thủy sản dưới tán rừng.

“Nguồn thủy sản này hoàn toàn tự nhiên nhưng giá bán chưa cao, thậm chí bị đánh đồng với các loại thủy sản nuôi công nghiệp. Vì vậy, tôi muốn kết nối với những người giữ rừng, mục đích đưa sản phẩm từ tự nhiên đến người tiêu dùng và giúp người dân có thu nhập ổn định, an tâm giữ rừng”, Ngọc Hiện cho biết.

Ngọc Hiện nói rằng, để “sống được” với niềm đam mê và quyết tâm của mình thì ban đầu cô phải đối mặt với nhiều khó khăn từ thị trường, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm.

“Có sản phẩm sạch trong tay, tôi kiên trì gõ cửa từng cửa hàng, siêu thị ở TPHCM và các tỉnh lân cận một thời gian khá dài. Sau đó, có hai cửa hàng bán sản phẩm sạch, tự nhiên, đồng ý mua sản phẩm của tôi. Tôi rất mừng và quyết tâm nắm lấy cơ hội này”, Hiện bộc bạch.

Đồng thời, Hiện tiếp tục tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, qua bạn bè… và sản phẩm của công ty dần được khách hàng biết đến.

Với số vốn vỏn vẹn 5 triệu đồng, cô gái trẻ bắt đầu thực hiện ý tưởng khởi nghiệp theo cách riêng của mình. Ngọc Hiện đã đặt mua những người giữ rừng các loại thủy sản đặc trưng dưới tán rừng như: cá đối, cá chẽm, cá nâu, bống cát, tôm sú, cua…

Ban đầu chỉ có hai hộ dân ở rừng chịu bán thủy sản cho Hiện với giá cao hơn 15% so với bán ngoài chợ. Dần dần người dân xung quanh thấy hiệu quả nên hợp tác với cô gái trẻ này nhằm tăng thêm thu nhập.

Hiện tại, trung bình mỗi tuần, công ty của Ngọc Hiện bán khoảng 800kg hải sản các loại, lợi nhuận (sau khi trừ chi phí) khoảng 15%. Thủy sản sau khi thu mua từ người dân sẽ được làm sạch, cấp đông, hút chân không và đưa đi phân phối ở các chợ đầu mối.

Ngoài vùng biển Thạnh Phú, Ngọc Hiện còn mở rộng việc thu mua sang vùng biển huyện Bình Đại (Bến Tre). Tháng 6/2017, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ở TPHCM xét nghiệm và kết luận sản phẩm của công ty Anfoods không có chất kháng sinh và nằm trong chỉ tiêu cho phép.

Giúp người dân sống được với rừng

Người dân giữ rừng thu hoạch thủy sản từ thiên nhiên

Ông Lê Văn Nhánh, 64 tuổi, đã có thâm niên gần 30 năm giữ rừng phòng hộ thuộc xã An Điền, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Đội của ông gồm 4 người (ông là đội trưởng) thay nhau canh giữ gần 100 ha rừng bần, rừng phi lao, rừng mắm… được giao khoán.

Ông Nhánh cho biết, chưa bao giờ lo lắng như hiện nay trước các thông tin biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

“Tình hình khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, mực nước năm nay cao hơn nhiều so mấy năm trước, làm nhiều điểm bị xói lở nhưng anh em vẫn kiên trì với việc trồng rừng, giữ rừng”.

Ông Nguyễn Văn Tính, ngụ ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) được nhận khoán giữ rừng gần 20 năm nay. Ông cho biết, kinh tế chính của gia đình vẫn là vừa giữ rừng vừa thu nguồn lợi thủy sản tự nhiên dưới tán rừng.

“Trước đây, các loại thủy sản cá, tôm, cua sau khi thu hoạch thì đem ra chợ bán, giá cả phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, từ khi có dự án của cô Hiện, tôi bán với giá cao hơn nên rất phấn khởi và an tâm giữ rừng”, ông Tính nói.

Theo ông Tính, tất cả thủy sản dưới tán rừng đều là sản phẩm sạch nhưng từ trước đến giờ chỉ tiêu thụ ở địa phương và phụ thuộc vào thương lái nên giá không được cao. Trong khi đó, nhu cầu thị trường nhất là các thành phố lớn rất cần các loại sản phẩm từ thiên nhiên này mà ít người cung ứng.

“Tôm thiên nhiên chỉ ăn rong, tảo và các sinh vật phù du có trong rừng để phát triển nên người tiêu dùng không phải lo sợ những chất có hại tồn dư do nuôi bằng thức ăn công nghiệp hay thuốc kháng sinh”, ông Tính nói.

Anh Kim Trần Phúc ở ấp Thừa Mỹ, xã Thừa Đức (Bình Đại), cho biết thêm: Từ khi tham gia canh tác theo mô hình khai thác chọn lọc, kết hợp với bảo vệ rừng, bán các sản phẩm cá tự nhiên cho Ngọc Hiện, thu nhập của gia đình trở nên ổn định.

Bên cạnh đó, việc sơ chế sản phẩm đã tạo thêm công ăn việc làm cho phụ nữ nhàn rỗi địa phương. Còn bà Nguyễn Thị Phượng, ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) - Trưởng nhóm chế biến tôm khô truyền thống - nói rằng, từ khi tham gia dự án với Ngọc Hiện, các sản phẩm được điều chỉnh khẩu vị, cách chế biến và tuyệt đối không thêm bất kỳ phụ gia, hóa chất nào.

Hơn nữa, với giá mua ổn định, bản thân là người trực tiếp sản xuất cũng không bị ảnh hưởng bởi các chất tạo màu công nghiệp độc hại mà trước đây dùng cho tôm khô. “Trước đây chỉ mình tôi làm, nay có thêm một người nữa tham gia, công việc ổn định, lúc cao điểm có khi lên đến 5 - 6 lao động tham gia”, bà Phượng nói.

Ông Lê Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong, cho biết: Toàn xã có khoảng hơn 1.000ha rừng ngập mặn, người dân được giao khoán rừng để khai thác nguồn lợi thủy sản. Trước đây, các loại thủy sản chủ yếu bán tại địa phương, từ khi có dự án này sản phẩm được đưa đi xa hơn, giá cao hơn nên bắt đầu thu hút các hộ dân tham gia. Hy vọng rằng trong thời gian tới khi thị trường được mở rộng, sản phẩm sẽ có giá hơn nữa giúp cho người dân ở đây phát triển kinh tế bền vững từ rừng.

Thạc sĩ Phạm Văn Luân - Phó Phòng Nghiên cứu và Quan hệ quốc tế, Trường Cao đẳng Bến Tre, kiêm Trưởng Nhóm Sáng tạo trẻ Bến Tre cho rằng: Dự án của Ngọc Hiện hướng tới xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm thủy sản tự nhiên của người giữ rừng ngập mặn tại huyện Thạnh Phú với 5 hoạt động chính:

Xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp bộ tiêu chí về môi trường, sinh thái, an toàn thực phẩm; Xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhật ký ghi chép cho vùng nguyên liệu; Xây dựng cơ sở sơ chế thủy sản đạt chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP); Makerting và bán hàng; Xây dựng thương hiệu sản phẩm tự nhiên từ người giữ rừng.

Từ những hoạt động này, Ngọc Hiện mong muốn huy động được sự tham gia của cộng đồng giúp người giữ rừng có hướng giải quyết những khó khăn về đời sống. Quả vậy, từ ý tưởng kinh doanh của Ngọc Hiện, ông Nhánh đã phần nào yên tâm:

“Cuộc sống của người giữ rừng đã dần sáng lên vì đã được tiếp sức. Hơn nữa, công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu có thêm nguồn lực từ chính cộng đồng những người giữ rừng”.

Nuôi tôm ở tán rừng ngập mặn

THÚY AN

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/khoi-nghiep-cung-nhung-nguoi-bao-ve-rung-3908124-b.html