Khởi nghiệp, có sửa được lỗi nhận thức?

Khởi nghiệp dường như đang trở thành mốt thời thượng ở Việt Nam. Rất nhiều người đang hăng say khởi nghiệp. Tuy nhiên cũng có những ngộ nhận cả từ phía doanh nghiệp lẫn những người cổ súy cho phong...

Khởi nghiệp dường như đang trở thành mốt thời thượng ở Việt Nam. Rất nhiều người đang hăng say khởi nghiệp. Tuy nhiên cũng có những ngộ nhận cả từ phía doanh nghiệp lẫn những người cổ súy cho phong trào khởi nghiệp.

“Khởi nghiệp” là từ được nhắc tới thường xuyên ngay khi người ta mở một tiệm tạp hóa, mở một đại lý bán hàng… Sự ngộ nhận, không đơn giản trong câu chữ mà chính là từ nhận thức.

Hiểu đúng về start-up

Khởi nghiệp không chỉ là tạo ra sản phẩm mới, tạo ra doanh nghiệp mới (không phải là người mua hàng nước ngoài về bán lại hay thừa hưởng quyền lực nhờ một dự án nào đó) mà khởi nghiệp chính là sự tích hợp của sản phẩm, công nghệ, hệ thống thông qua chuỗi, kết hợp các kỹ năng quản trị nhân sự – tài chính, xây dựng thương hiệu, giá trị, marketing cho sản phẩm… theo bà Nguyễn Phi Vân, thành viên sáng lập và phát triển công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á.

Nhận thức đúng ngay từ đầu về khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp có ý nghĩa quyết định đến tương lai thành – bại của những ý tưởng khởi nghiệp, theo bà Phi Vân.

Là thành viên sáng lập và điều hành công ty Retail & Franchise Asia, thành viên hội đồng cố vấn tổ chức thương mại Úc tại Việt Nam, thành viên hội đồng cố vấn tổ chức các Giám đốc Marketing quốc tế CMO tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bà Vân khuyên các bạn trẻ khởi nghiệp ở ĐBSCL: “Khởi nghiệp trên quê hương mình, các bạn phải bắt đầu từ chính những vấn để đặt ra, từ nguồn nông sản, vốn là thế mạnh tại địa phương. Các bạn có thể làm các mô hình và hãy nghĩ xem nếu một số nước đã nhìn ra Việt Nam là một thị trường mà họ nhắm tới thì tại sao thị trường trong nước không phải là của mình”?

Bà Vân chia sẻ, sau 20 năm đi làm thuê, từng đảm trách những vai trò quan trọng trong các tập đoàn quốc tế và giờ đây kêu gọi lớp trẻ khởi nghiệp ý thức nhiều hơn về “công dân toàn cầu”. Bà nhấn mạnh: phải xây dựng tinh thần khởi nghiệp vì dân tộc mình, vì đất nước mình, phải bắt đầu tạo dựng thương hiệu và mô hình để thông qua mô hình đưa thương hiệu Việt ra thế giới.

Xây dựng thương hiệu, xuất khẩu mô hình

“Chính phủ Malaysia không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu sản phẩm nữa mà còn là xuất khẩu mô hình và thương hiệu. Doanh nghiệp chúng ta phải học từ những người đi trước và cần biết đâu là điểm đến, từ đó mới quay lại điểm đầu tiên xem chúng ta đang có gì và phải làm gì, chuẩn bị gì để đáp ứng yêu cầu của thị trường”?

Dự án của Malaysia mà bà Phi Vân là thành viên hội đồng cố vấn cho Chính phủ Malaysia về phát triển thương hiệu quốc gia qua mô hình nhượng quyền, làm trong vòng 3 năm đã xuất khẩu được 80 -100 mô hình, thương hiệu ra thế giới với phí sử dụng mô hình và thương hiệu có giá từ 500.000 – 1 triệu USD. Ngoài ra, thông qua mô hình kinh doanh này, đơn vị nhượng quyền có thể xuất khẩu được sản phẩm của mình.

Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/2016 của VCCI dựa trên phương pháp tiếp cận Chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor (GEM) – cho thấy, hoạt động khởi nghiệp trong các doanh nghiệp Việt Nam chỉ được xếp thứ 51/60 nền kinh tế. Chỉ số đổi mới trong hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam thuộc loại thấp (16,5%), chỉ có 4,8% sản phẩm được xem là mới, 4,4% là công nghệ mới, 2,2% là thị trường mới.

Sản phẩm, thị trường và công nghệ là 3 yếu tố mà doanh nghiệp Việt có dấu hiệu tụt hậu. Đặc biệt, theo TS. Lương Minh Huân, chỉ số về tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thuộc loại rất thấp; triển vọng tăng trưởng việc làm chỉ đạt 3,9% (xếp hạng 49/60), trong khi tỷ lệ trung bình ở các nước cùng nhóm là 12,9%.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI – Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng có ít nhất 10 điểm được xem là rào cản hoạt động khởi nghiệp tại khu vực ĐBSCL. Đó là: Tư duy, ý tưởng; Đổi mới sáng tạo; Đam mê; Hệ thống thông tin; Vốn; Chuyên gia, người đỡ đầu; Khả năng thương mại hóa; Giáo dục; Hạ tầng và cuối cùng là chính sách.

Những người tí hon khởi nghiệp!

Anh Đỗ Văn Mừng, chủ một cơ sở làm snack khoai lang ở Sóc Trăng được dự án SIMVA hỗ trợ ý tưởng sản xuất kinh doanh thay thế những món ăn liền không rõ nguồn gốc bày bán trước cửa trường học. Nguyên liệu khoai lang từ Cù lao Dung rất phù hợp để làm snack. Chủ cơ sở tìm tới vùng nguyên liệu khoai lang Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Anh muốn biết loại khoai này có hàm lượng bột, độ đường, quy cách… Nhưng muốn có kết quả anh phải đi TP.HCM vài ngày vì những dịch vụ hỗ trợ tại chỗ không đáp ứng được yêu cầu.

Anh Nguyễn Văn Út Bé – một người có dự án tham gia chương trình tuyển chọn ý tưởng khởi nghiệp của Dự án SIMVA – làm ra sản phẩm cá đồng tự nhiên U Minh (Cà Mau), đóng gói hút chân không đưa về Cần Thơ. Anh Út Bé còn có ý tưởng đưa sản phẩm kết hợp du lịch để giúp đỡ bà con, nhưng chính quyền địa phương cho biết, họ không biết Út Bé là ai; ngân hàng thì yêu cầu muốn vay vốn mở rộng sản xuất phải có tài sản thế chấp; các siêu thị nói hàng muốn vào siêu thị phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh là hàng sạch.

Chưa sáng tạo khởi nghiệp

Việt Nam được xếp hạng thứ 51/60 về hoạt động khởi nghiệp. Chỉ số đổi mới trong hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam thuộc loại thấp (16,5%), chỉ có 4,8% sản phẩm được xem là mới, 4,4% là công nghệ mới, 2,2% là thị trường mới

Rõ ràng, rất nhiều doanh nghiệp tí hon kiểu như của anh Đỗ Văn Mừng, Út Bé… khi bắt đầu kinh doanh đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và họ đang phải mày mò từng bước trên con đường của mình. Những nơi hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thủ tục đăng ký, kết nối giao thương, hay thậm chí thông tin về công nghệ, kỹ thuật… vẫn còn rất thiếu, khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp phải dò dẫm, tốn nhiều công sức.

Gần đây, dự án SIMVA (SMEs Incubation Mekong – Vietnam – Asian) nằm trong chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (giai đoạn 2), phát động một cuộc chơi để thu hút 200 ý tưởng khởi nghiệp từ nhiều đối tượng khác nhau tại các tỉnh ĐBSCL (3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ và thủ công mỹ nghệ) và tặng gói hỗ trợ 200 triệu đồng cho nhóm xuất sắc nhất. Số vốn ấy lớn hay nhỏ, có đủ để thực hiện ý tưởng kinh doanh hay không thì chưa thể đo lường được. Thực tế sau khi công bố kết quả, gói hỗ trợ 200 triệu đồng vẫn chưa đến được tay người đoạt giải.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khởi nghiệp đang rất cần nói được làm được, rất cần hệ sinh thái khởi nghiệp (hỗ trợ thông tin, thủ tục, tư vấn, huấn luyện, giao thương, kết nối…) để những doanh nghiệp mới có môi trường tương tác và phát triển mạnh hơn. Ngược lại, nếu các cơ quan, đoàn thể… chỉ làm theo phong trào thì sớm muộn gì cũng thoái trào.

Khánh An

Doanh Nhân

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/khoi-nghiep-co-sua-duoc-loi-nhan-thuc/