Khởi nghiệp bằng nuôi chim bồ câu Pháp

Nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm, bồ câu Pháp giống, anh Trịnh Văn Trường, đoàn viên thanh niên thôn Bồn Thôn, xã Trung An (Vũ Thư) thu lãi hơn 150 triệu đồng mỗi năm.

Từ nuôi chim bồ câu Pháp, anh Trịnh Văn Trường (bên phải) thu lãi mỗi năm hơn 150 triệu đồng.

Từ nuôi chim bồ câu Pháp, anh Trịnh Văn Trường (bên phải) thu lãi mỗi năm hơn 150 triệu đồng.

Nung nấu ý định lập nghiệp tại quê nên sau khi tích góp được ít vốn trong thời gian làm công nhân, anh Trường tìm hiểu các mô hình chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, năm 2016 anh quyết định đầu tư nuôi chim bồ câu Pháp. Anh cho biết, thời điểm đó tại địa phương mô hình này chưa phát triển nhiều. Anh mày mò, học hỏi kiến thức, kỹ thuật nuôi giống bồ câu ngoại này trên sách, báo. Anh chỉ đầu tư mua giống ban đầu, sau đó có thể tự cung ứng lứa giống mới vừa giảm được chi phí đầu tư vừa có nguồn giống bảo đảm. Ngay từ khi bắt đầu nuôi, anh đã xây dựng chuồng trại kiên cố với tổng kinh phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng.

Anh Trường chia sẻ: Bồ câu Pháp rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là ngô (chiếm 70%) và cám, ăn 2 lần/ngày. Với chim mẹ thì mỗi ngày phải cho ăn thêm và phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại; thức ăn, nước uống phải sạch sẽ, không bị nấm mốc. Nếu chim bồ câu Pháp bị bệnh thường là bệnh Newcastle (gà rù), thương hàn, vì vậy nên tiêm vắc-xin phòng bệnh đúng định kỳ. Giống chim bồ câu Pháp có khả năng sinh sản rất đều và cao. Mỗi con bồ câu mái sau 4 - 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng; trung bình mỗi con chim giống sẽ đẻ từ 8 - 10 lứa/năm. Sau khi ấp 16 - 18 ngày trứng nở, chim con được chim bố, mẹ chăm sóc tại chuồng, sau khoảng 25 ngày, khi đạt đủ cân nặng thì có thể xuất chuồng bán thương phẩm. Giá một đôi bồ câu giống khoảng hơn 200.000 đồng; bồ câu thương phẩm 140.000 đồng/đôi. Chim bồ câu tự ấp trứng và nuôi con, mỗi cặp sinh sản được bố trí nuôi trong lồng riêng, thích hợp với môi trường nuôi nhốt, kháng bệnh cao, trọng lượng đạt cao hơn các giống chim bồ câu bình thường.

Để có được thành công như ngày hôm nay, anh cũng đã trải qua những lúc thất bại. Anh Trường tâm sự: Lúc đầu khởi nghiệp, ngoài khó khăn về vốn thì tôi chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm thực tế khi chăm sóc chim. Dù là chim bồ câu Pháp dễ nuôi, ít dịch bệnh nhưng ngay lứa đầu tiên, khi nhập vắc-xin để tiêm phòng cho chim, do tôi bảo quản không đúng cách dẫn đến việc sau khi được tiêm chim chết hơn một nửa. Anh Trường cho rằng dù thiệt hại kinh tế nhưng bù lại mình có thêm kinh nghiệm, có quyết tâm đầu tư thêm. Năm đầu tiên anh nuôi 100 đôi bồ câu Pháp, đến nay anh có 500 đôi bồ câu sinh sản và 100 đôi hậu bị. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi hơn 150 triệu đồng.

Hiện nay, ngoài việc nuôi bồ câu Pháp thương phẩm, bán bồ câu giống cho các cơ sở chăn nuôi khi có yêu cầu, anh Trường còn đi thu mua chim bồ câu thương phẩm cho các cơ sở kinh doanh ăn uống. Anh dự định sẽ mở rộng chuồng nuôi chim, đầu tư để nuôi khoảng 2.000 đôi chim bồ câu Pháp, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Anh Trường sẵn sàng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp với bất kỳ ai có cùng chí hướng.

Anh Vũ Thanh Tùng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trung An cho biết: Anh Trịnh Văn Trường là thanh niên tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng ở địa phương. Việc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi như anh Trường cũng là một trong những hoạt động để thu hút, đoàn kết, tập hợp thanh niên tham gia tổ chức đoàn, hội.

Theo baothaibinh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/khoi-nghiep-bang-nuoi-chim-bo-cau-phap-156718.html