Khơi mở du lịch đường sông, hồ tại Bình Dương

Chiều 8/7, tại buổi giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch Bình Dương ở Hà Nội, vấn để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương này, nhất là sản phẩm du lịch đường sông, đã được đề cập tới.

Tọa đàm chia sẻ thông tin về du lịch Bình Dương.

Tọa đàm chia sẻ thông tin về du lịch Bình Dương.

Theo lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương, Bình Dương chỉ cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km. Trên địa bàn tỉnh có 3 con sông lớn chảy qua (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé), tạo nên những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những vườn cây trái xanh mướt, thích hợp với loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Dương như: Hồ Dầu Tiếng, hồ Than Thở, Hồ Đá Bàn, hồ Phước Hòa… đều có thể được đầu tư để phát triển các khu nghỉ dưỡng khu vui chơi giải trí trên mặt nước. Hệ thống các sông kênh rạch góp phần tạo nên tiềm năng phát triển du lịch ở địa phương với miệt vườn cây trái xanh tốt, nổi tiếng như vườn cây ăn trái Lái Thiêu (thị xã Thuận An), vườn cây ăn trái Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng), vườn bưởi Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên). Các vườn cây ăn trái này đều có khả năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần hoặc các tour du lịch sông nước. Trong đó, Lái Thiêu là địa danh được biết đến với vùng trồng cây ăn trái lâu đời, được đánh giá là ngon nhất vùng miền Đông Nam Bộ với nhiều loại trái cây như: sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ và nổi bật nhất là đặc sản măng cụt Lái Thiêu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Với lợi thế gần Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương rất có lợi thế thu hút du khách, nhất là khách cuối tuần. Theo thống kê năm 2017, tỉnh thu hút 4,55 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.280 tỷ đồng; năm 2018, thu hút 4,75 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.360 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã thu hút hơn 1,7 triệu lượt khách, đặc biệt là lượng khách chi trả cao trong thời gian qua tiếp tục gia tăng nên hình thành những cơ sở dịch vụ, khách sạn cao cấp. Do đó, ngành du lịch tỉnh Bình Dương cần nâng cao chất lượng dịch vụ, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, nhất là sản phẩm du lịch đường sông trong thời gian tới.

Chia sẻ tại hội nghị xúc tiến, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội cho biết: Đây là lần đầu tiên, du lịch Bình Dương được quảng bá tới Hà Nội. Điều này cho thấy chuyển hướng của lãnh đạo Sở VHTTDL và doanh nghiệp du lịch Bình Dương muốn mở rộng thị trường khách hàng không chỉ đơn thuần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Để phát triển tour, du lịch Bình Dương nên tính tới liên kết vùng Thành phố Hồ Chí Minh- Bình Dương – Đồng Nai – Tây Ninh; trong đó có những sản phẩm nổi bật về hồ và sông.

Còn ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB lữ hành Unesco Hà Nội cũng thừa nhận: Từ trước đến nay, doanh nghiệp lữ hành Hà Nội vẫn đưa khách tới Bình Dương như khu du lịch Đại Nam nhưng chỉ tham quam, chưa tính tới lưu trú. Do đó, ngành du lịch tỉnh Bình Dương có những sản phẩm liên kết vùng để khách lưu trú, tăng chi tiêu.

Tỉnh Bình Dương phấn đấu đưa ngành du lịch phát triển bền vững, từng bước trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo của thành phố Bình Dương trong tương lai; Phấn đấu đến năm 2030, ngành Du lịch Bình Dương được xếp vào nhóm địa phương có du lịch phát triển mạnh trong cả nước và khu vực.

XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/du-lich/khoi-mo-du-lich-duong-song-ho-tai-binh-duong-20190708193146750.htm