Khơi lại dòng sông lụa

'Dòng sông lụa Quảng Nam' sẽ nằm trên trục nối hai di sản Hội An - Mỹ Sơn, trôi qua những làng lụa lừng danh Hội An, Mã Châu, vùng trồng dâu nuôi tằm Gò Nổi bên sông Thu Bồn, nhà máy ươm tơ Giao Thủy, những khu du lịch phát triển trên nền tảng không gian văn hóa dâu tằm…

Đại diện các thương hiệu tơ lụa nổi tiếng trong và ngoài nước khai mạc Festival Ảnh: Minh Hải

Đại diện các thương hiệu tơ lụa nổi tiếng trong và ngoài nước khai mạc Festival Ảnh: Minh Hải

Ngày 8/8, lần thứ 5 làng lụa Hội An phối hợp với chính quyền thành phố Hội An tổ chức Festival Văn hóa Tơ lụa tầm cỡ khu vực và thế giới. Lần này mở rộng thêm với thổ cẩm. Festival với sự tham gia của các tập đoàn sản xuất tơ lụa lớn đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Italia, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia… Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Hiệp hội Tơ lụa châu Á, những công ty sản xuất tơ lụa có thương hiệu từ Bảo Lộc (Lâm Đồng), TPHCM, Hà Nội, các làng nghề thổ cẩm từ miền núi cao Hà Giang phía Bắc, nghệ nhân

Khơ me ở biên giới Tây Nam An Giang, nghệ nhân Cơ tu trên dải Trường Sơn miền Trung…

Khát vọng mới và lớn từ sự kiện lụa là này, là đi tìm sự kết nối và con đường hợp tác phát triển chung giữa các thành phố sản xuất tơ lụa trên thế giới, từ Lyon (Pháp), Como (Italia), Kyoto (Nhật Bản), Bangkok (Thái Lan), Siêm Riệp (Campuchia) với các đô thị tơ lụa Việt Nam như Lâm Đồng, Quảng Nam…

Một tham vọng còn lớn và “khó” hơn nữa mà Làng lụa Hội An và Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam đưa ra, là khai sinh, đúng hơn là làm sống lại, khơi lại “Dòng sông lụa Quảng Nam”. Nói về ý tưởng này, ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty thoáng mơ mộng rằng: “Dòng sông lụa Quảng Nam” sẽ là dòng Thu Bồn, nằm trên trục nối hai di sản Hội An - Mỹ Sơn, trôi qua những làng lụa lừng danh xứ Quảng. Sẽ có một tổ hợp những dự án để kêu gọi các nhà đầu tư, như khôi phục làng nghề Mã Châu (Duy Xuyên), trồng dâu nuôi tằm ven sông Thu Bồn, Gò Nổi; phục hồi và bảo tồn Nhà máy ươm tơ Giao Thủy (Đại Lộc), sản xuất tơ tằm, đầu tư du lịch đưa du khách đến nghỉ dưỡng và tham quan không gian văn hóa dâu tằm trên “dòng sông lụa”…

Tại hội thảo “Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất dâu tằm, tơ lụa và Văn hóa tơ lụa trong đời sống hiện đại” bên lề Festival, nghe được lời khuyên của ông James Chang, Chủ tịch Công ty TNHH Dệt sợi màu Suzhou Taifa (Đài Loan, Trung Quốc): “Thương hiệu xa xỉ không thể định lượng được sản xuất, nhưng phù hợp hơn để sử dụng tinh thần của các nghệ nhân để xây dựng. Việc thành lập một thương hiệu cần tích lũy thời gian và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của di sản văn hóa”.

Di sản văn hóa Quảng Nam từ lâu đã là cái nôi nuôi dưỡng mọi giá trị trên mảnh đất này. Trong đó có nghề tằm tang. Theo tham luận của PGS.TS Lê Tự Hải (Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) tại hội thảo, nghề ươm tơ dệt lụa ở các làng Đông Yên, Thi Lai (Duy Trinh, Duy Xuyên) ra đời từ thế kỷ 16, gắn liền với sự tích Bà chúa Tằm Tang Đoàn Quý Phi và thế tử Nguyễn Phúc Lan. Làng dệt lụa Mã Châu hình thành từ thế kỷ 15, bên cạnh kinh đô Trà Kiệu, sản phẩm lụa Mã Châu đã nổi tiếng từ bao đời nay. Thời hưng thịnh, Mã Châu có đến 2.000 ha đất trồng dâu nuôi tằm lụa và với hơn 4.000 khung cửi đưa thoi đêm ngày. Các công việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đều được thực hiện trong làng, với sự tham gia của hàng trăm hộ gia đình theo phương thức thủ công. Khi xứ Đàng Trong - Việt Nam mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài qua cảng thị Hội An thì tơ lụa Mã Châu là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất.

Nhưng “thủ phủ dâu tằm” Mã Châu nay ra sao? Hồi đầu năm 2015, về Mã Châu, tôi tìm ra người cuối cùng còn trồng dâu nuôi tằm của làng là ông Trịnh Anh. Làng khi ấy vẫn thoảng nghe tiếng thoi dệt, đều là dệt sợi gia công cho giới làm vải ở Sài Gòn. Giờ quay lại, khác nhiều quá. Hai mẫu đất trồng dâu (khoảng 1ha) của ông Trịnh Anh nay “teo” lại chỉ còn một nửa. Vì bị thu hồi để xây bờ kè sông Thu Bồn. Và sau 4 năm, số hộ làm nghề dệt sợi trong làng cũng mất đi khoảng một nửa. Còn đâu vài ba chục hộ theo nghề, tất nhiên không còn dâu tằm, tơ lụa, mà chỉ sợi vải công nghiệp thông thường.

Tên làng Mã Châu từ lâu đã được thay thế bằng hai chữ Châu Hiệp. Nhưng giờ lại mất luôn chữ “thôn”, mà gọi là “khu phố”, thuộc thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên). Tiếc nhất là Bến đò Tơ thuở sầm uất lụa là theo thuyền xuất đi khắp nơi. Dù sau mấy trăm năm “bãi bể nương dâu”, bến đã bị bồi lấp. Nhưng nay dấu tích cuối cùng ấy đã nằm gọn trong một dự án xây dựng khu chung cư đang triển khai. Bến đò lịch sử xưa sẽ nằm dưới nền nhà cao tầng! Nhánh sông còn sót lại gần đó, cũng bị lấp làm bất động sản. Nếu đào lại cũng được, nhưng giờ đã muộn.

“Tui rất biết tâm huyết của anh Vũ. Nhưng làm “dòng sông lụa” sẽ khó đấy”, ông Trịnh Anh tỏ ra băn khoăn. Bởi theo ông, biến đổi khí hậu, nắng nóng cực đoan thế này, dâu tằm xứ Quảng e khó hơn thời xưa nhiều lắm. Cây dâu khan nước tưới. Con tằm chỉ quen nhiệt độ 27-28 độ C, nay nhiệt độ thường xuyên 35-37 độ, sống làm sao nổi?

Nhớ tới triết lý kinh doanh rất khôn ngoan của Công ty Taifa được ông Chủ tịch James Chang nói ra với giới làm lụa thế giới tại Festival “Làm nhỏ thì tốt hơn lớn, và làm tốt thì tốt hơn nhỏ”.

Ý tưởng “Dòng sông lụa” hẳn được gợi lại từ hình bóng “Con đường tơ lụa trên biển” gắn với thương cảng cổ Hội An sầm uất những đoàn thuyền buôn thế giới từ hơn 300 năm trước. Khơi lại dòng chảy độc đáo này cũng không hẳn chỉ là điều “mơ mộng”. Nhưng thách thức cũng không dễ vượt qua.

Du khách với sản phẩm lụa tại làng lụa Hội An Ảnh: Trần Tuấn

“Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế giới lần này mục đích góp phần khôi phục, phát triển nghề truyền thống dâu, tằm, tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam; Phục hồi và bảo tồn lịch sử phát triển thương cảng Hội An nằm trên “Con đường Tơ lụa trên biển”; Kết nối giao thương các trung tâm sản xuất tơ lụa, thổ cẩm cả nước; Kết nối các trung tâm sản xuất tơ lụa Việt Nam với các đại đô thị có nghề sản xuất tơ lụa lớn tại Pháp, Italia, Brasil, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan”.
Ông Lê Thái Vũ

Ươm tơ dệt lụa ở làng lụa Hội An Ảnh: Trần Tuấn

Trí Quân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/khoi-lai-dong-song-lua-1450443.tpo