Khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Vẫn vướng đủ đường

Câu chuyện khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH dù đã được luật hóa đến thời điểm này vẫn 'giậm chân tại chỗ' vì vướng mắc đủ đường.

Số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) phải tính lãi đến thời điểm này là hơn 6,6 nghìn tỷ tồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng gần 3% so với số phải thu). Theo đại diện BHXH Việt Nam, tình hình số nợ gia tăng ở tất cả các tỉnh, thành phố, cũng như ở tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt thành phần kinh tế ngoài quốc doanh số nợ tăng rất mạnh.

Thế nhưng, câu chuyện khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH dù đã được luật hóa đến thời điểm này vẫn “giậm chân tại chỗ” vì vướng mắc đủ đường.

Nợ “khủng” ngày càng nhiều

Hà Nội là địa phương đang “đau đầu” về tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Cực chẳng đã, BHXH TP Hà Nội vừa phải công bố danh sách 500 đơn vị nợ đọng BHXH từ 6 tháng đến 24 tháng. Số liệu nợ được tính đến ngày 30-4-2019. Theo danh sách này thì đến hết tháng 4-2019, các doanh nghiệp đang nợ hơn 264,365 tỷ đồng, với 13.264 người lao động bị nợ đóng BHXH.

Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi doanh nghiệp chây ì BHXH.

Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi doanh nghiệp chây ì BHXH.

Điểm mặt những doanh nghiệp nợ với số tiền “khủng” thì có 10 đơn vị nợ cao nhất từ hơn 21,8 tỷ đồng đến trên 3,7 tỷ đồng. Đơn cử như, Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment (Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh), nợ BHXH 18 tháng với số tiền hơn hơn 21,813 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (Nhà hàng O2, khu đô thị Văn Khê, La Khê, Hà Đông), nợ trên 11,914 tỷ đồng BHXH trong 14 tháng của 680 công nhân; Công ty Thi công cơ giới I, Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (tầng 7 số 623 đường La Thành, Ba Đình), nợ 24 tháng với số tiền hơn 9,5 tỷ đồng…

Không kém cạnh là tình trạng nợ đọng BHXH tại TP Hồ Chí Minh với 763 doanh nghiệp nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) hơn 6 tháng với số tiền nợ trên 300 triệu đồng/doanh nghiệp. Theo con số thống kê, tổng số nợ BHXH, BHYT của 763 doanh nghiệp nói trên lên tới gần 1.000 tỉ đồng.

Trong đó cũng có những doanh nghiệp nợ “khủng” như: Công ty CPDV Bưu chính viễn thông Sài Gòn với gần 30 tỉ đồng, Công ty TNHH Nam Phương nợ gần 29 tỉ đồng, Công ty CPVT dầu khí Việt Nam có số nợ trên 15 tỉ đồng…

Theo đại diện BHXH Việt Nam, trong các nguyên dẫn đến nợ BHXH, BHYT của doanh nghiệp có tình trạng nhiều đơn vị chấp hành chưa tốt quy định về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Chính vì thế, các cơ quan BHXH đang phải thực hiện thu hồi nợ bằng các giải pháp mạnh như chuyển hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng, chây ì BHXH sang cho cơ quan Cảnh sát điều tra.

Theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban thu (BHXH Việt Nam), trong quý I-2019, cơ quan BHXH tại 23 tỉnh, thành đã chuyển hồ sơ của 162 doanh nghiệp nợ BHXH sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của Luật Hình sự. “Các cơ quan BHXH đang triển khai một giải pháp khá hiệu quả đó là công khai các đơn vị nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, nếu đơn vị nào cố tình trốn đóng, BHXH Việt Nam tiếp tục kiến nghị cơ quan Công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự, hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm trong việc đóng với cơ quan Công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật”, ông Mai Đức Thắng cho biết.

Khởi kiện vẫn giậm chân tại chỗ

Luật BHXH đã có hiệu lực từ năm 2016, theo đó tổ chức Công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quy định này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo con số của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), từ thời điểm luật có hiệu lực đến nay, tổ chức Công đoàn đã gửi khoảng 3.000 hồ sơ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sang tòa án các cấp đề nghị khởi kiện. Tuy nhiên, đến nay số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện là “không đáng kể”. Vướng mắc lớn nhất là sự bất cập, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật.

Dẫn chứng về việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH đang rất khó khăn, đại diện Tổng LĐLĐVN nêu ví dụ về trường hợp của Công ty TNHH KL Texwell Vina ở Đồng Nai đang nợ lương của người lao động là khoảng hơn 5 tỷ đồng, nợ BHXH hơn 17 tỷ đồng của hơn 1.900 người lao động.

Hiện tại, người lao động ở công ty đó thông qua công đoàn cơ sở đã ủy quyền cho Trung tâm Tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đứng ra khởi kiện đòi quyền lợi. Tuy nhiên, khi trung tâm này làm thủ tục khởi kiện thì tòa án lại cho rằng, phải làm theo thủ tục tố tụng của tranh chấp lao động từng cá nhân.

Tức là đối với người lao động mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn nợ lương, nợ BHXH ủy quyền thì chỉ được ủy quyền giữa người lao động và công đoàn khởi kiện, như vậy trường hợp này sẽ phải tiến hành trên 1.900 phiên tòa để xét xử. Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN thì chỉ với lý giải của tòa án về việc từng người lao động phải ủy quyền sẽ không thể tiến hành khởi kiện nổi, bởi với những doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động thì việc phải lấy chữ ký của từng người là điều bất khả thi.

“Về vấn đề tổ chức công đoàn phải có chữ ký ủy quyền của từng người lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp nợ đọng BHXH mới được khởi kiện là không cần thiết. Bởi ở góc độ là tổ chức đại diện cho người lao động, Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của người lao động, có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Trong trường hợp quyền lợi của họ đang bị xâm phạm thì việc yêu cầu phải có ủy quyền để bảo vệ là không cần thiết”, ông Hiểu nói.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH hiện nay chịu chi phối của bốn bộ luật: Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động. Cả bốn luật này đều thiếu thống nhất, mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện.

Chẳng hạn, có luật quy định Công đoàn cấp trên cơ sở được phép khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Ngược lại, có luật lại quy định chung là Công đoàn được khởi kiện; Luật lại quy định tổ chức công đoàn phải có chữ ký ủy quyền của từng người lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp nợ đọng BHXH mới khởi kiện. Do đó, ông Hiểu cho rằng, khi các quy định pháp luật còn chưa thống nhất, thì các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, thảo luận để sửa đổi cho đồng bộ.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ khởi kiện cần được giao cho tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp vi phạm như vậy có thể tránh được “thế khó” của cán bộ Công đoàn cơ sở.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/khoi-kien-doanh-nghiep-no-bao-hiem-xa-hoi-van-vuong-du-duong-546827/