Khơi gợi tiềm năng cho năng lượng tái tạo

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Việc khai thác các nguồn NLTT có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và phát triển bền vững, nhưng việc phát triển các nguồn điện này ở Việt Nam hiện nay vẫn còn chậm.

Việt Nam có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp, có nguồn NLTT dồi dào và đa dạng, cho nên có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học...

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa và bờ biển dài hơn 3.200 km, hơn nữa còn có cả gió mùa Tây Nam thổi vào mùa hè, tốc độ gió trung bình ở biển Đông Việt Nam khá mạnh.

Vì vậy, nhờ vào vị trí địa lý mà tiềm năng về năng lượng gió ở Việt Nam là rất triển vọng. Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió tốt nhất trong 4 nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) với 39% lãnh thổ có tốc độ gió lớn hơn 6m/s tại độ cao 65m, tương đương với 513 GW.

Đặc biệt, hơn 8% lãnh thổ, tương đương 112 GW được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió tốt. Ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30 GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, chúng ta có thể phát triển khoảng 100 GW công suất điện gió.

 Năng lượng tái tạo được xác định chính là nguồn năng lượng của tương lai.

Năng lượng tái tạo được xác định chính là nguồn năng lượng của tương lai.

Cùng với điện gió, tiềm năng năng lượng mặt trời cũng được đánh giá cao khi Việt Nam là quốc gia có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn ở các khu vực miền Trung, miền Nam.

Các tỉnh Tây Bắc (Lai Châu và Sơn La) số giờ nắng trong năm khoảng 1.897 - 2.102 giờ/năm. Các tỉnh phía Bắc còn lại và một số tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 1.400 - 1.700 giờ/năm. Các tỉnh từ Huế vào miền Nam khoảng 1.900 - 2.700 giờ/năm.

Theo đánh giá, những vùng có số giờ nắng từ 1.800 giờ/năm trở lên thì được coi là có tiềm năng để khai thác sử dụng. Đối với Việt Nam, thì tiêu chí này phù hợp với nhiều vùng, nhất là các tỉnh phía Nam.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối (NLSK). Các loại sinh khối chính là gỗ năng lượng, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác.

Nguồn NLSK có thể sử dụng bằng cách đốt trực tiếp, hoặc tạo thành viên nhiên liệu sinh khối. Tiềm năng nguồn sinh khối từ phế thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi và rác thải hữu cơ có tổng công suất khoảng 400 MW.

Hệ thống sông ngòi của Việt Nam dày đặc, được phân bố trên nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Tiềm năng thủy điện nhỏ phân bố tập trung chủ yếu ở các vùng núi phía Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Thủy điện vẫn là nguồn NLTT có công suất cao nhất, đóng góp khoảng 40% vào tổng công suất điện quốc gia. Tiềm năng thủy điện nhỏ là rất lớn với hơn 2.200 sông suối với chiều dài hơn 10km.

Trong đó 90% là các sông suối nhỏ, đây là cơ sở thuận lợi cho phát triển thủy điện nhỏ. Tiềm năng kỹ thuật các thủy điện nhỏ quy mô dưới 30 MW khoảng 25 tỷ kWh/năm (gần 7.000 MW) và đến cuối năm 2018 đã có trên 3.300 MW thủy điện nhỏ được đưa vào vận hành.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón một làn sóng đầu tư lớn từ nước ngoài sau đại dịch Covid-19, trong đó có lĩnh vực NLTT. Muốn đón được làn sóng này, phải có chính sách tốt, ưu việt để khuyến khích DN, nhất là nhà đầu tư tư nhân.

Theo đó, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển NLTT, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhấn mạnh, để phát triển NLTT hiệu quả và thu hút mạnh nhà đầu tư, nên tập trung vào các nội dung như chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.

Cụ thể, về chính sách, với các dự án NLTT quy mô công suất lớn sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi thấp nhất.

Thúc đẩy phát triển các hệ thống NLTT phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các hộ tiêu thụ là các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện.

Tập trung tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện NLTT, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khoi-goi-tiem-nang-cho-nang-luong-tai-tao-200428.html