Khởi động xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triển Công tác xã hội

Từ ngày 28-29/10, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo Khởi động xây dựng 'Tuyên bố ASEAN về Phát triển Công tác xã hội'.

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: A.B)

Hội thảo là hoạt động cấp khu vực để tiếp tục khởi động cho chuỗi các hoạt động xây dựng văn kiện "Phát triển công tác xã hội trong ASEAN”, nhằm mục đích triển khai các hoạt động chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Hội thảo có sự tham dự của các quan chức phụ trách phúc lợi và phát triển, các đầu mối phụ trách nghề công tác xã hội (SOMSWD) đến từ các nước thành viên ASEAN; Chủ tịch/Phó Chủ tịch các kênh chuyên ngành của ASEAN như y tế (SOMHD), giáo dục (SOMED), Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC); các chuyên gia quốc tế và khu vực; đại diện các Bộ, ngành, tổ chức, viện nghiên cứu và các trường đào tạo nghề công tác xã hội tại Việt Nam.

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, trong các thập niên gần đây, nghề xã hội đã xuất hiện và nổi lên như một nghề chính cung cấp các dịch vụ xã hội trực tiếp và phát triển ở hơn 100 quốc gia trên toàn cầu. Tại Việt Nam, người cần tiếp cận những dịch vụ công tác xã hội của Việt Nam rất lớn, tới khoảng 20 triệu người, chiếm tỷ lệ trên 20% tổng dân số.

Theo ông Lê Tấn Dũng, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tăng cường và kiện toàn khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội thông qua việc xây dựng luật riêng về công tác xã hội để làm cơ sở điều chỉnh các nội dung liên quan trong các ngành, lĩnh vực hiện đang được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành.

“Việt Nam mong muốn được phối hợp với các nước thành viên ASEAN và UNICEF cùng các đối tác khác để xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triển công tác xã hội, dự kiến sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 11/2020, hướng tới mục tiêu Không để ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều công nhận hiện nay việc phát triển công tác xã hội đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nguồn lực tài chính, nhận thức của người dân, sự phát triển của khoa học công nghệ, xã hội già hóa, các tác động của biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai...

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: A.B)

Bà Sita Sumrit đến từ Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng xã hội và dịch vụ xã hội trong việc tăng cường phúc lợi cho trẻ em và các nhóm yếu thế. Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, công tác xã hội vẫn chưa được pháp luật công nhận là một nghề chuyên nghiệp và tại một số nước, lĩnh vực này cũng chưa nhận thức đúng tầm.

Giám đốc Khu vực Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Karin Hulshof cho biết, tăng cường lực lượng cung cấp dịch vụ xã hội là ưu tiên trong Kế hoạch Chiến lược của UNICEF giai đoạn 2018 - 2021 nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều được bảo vệ khỏi bạo lực và bóc lột, đồng thời góp phần đạt được các Mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững.

Diễn ra trong hai ngày, Hội thảo tập trung vào các nội dung bao gồm: tăng cường sự hiểu biết, cam kết và lập kế hoạch cho một lực lượng xã hội và dịch vụ xã hội được đào tạo, có nguồn lực, phân cấp và hỗ trợ tốt; chia sẻ luật pháp và chính sách hiện hành tại các nước ASEAN về công tác xã hội và lực lượng lao động dịch vụ xã hội.

Đặc biệt, Hội thảo sẽ lập bản đồ khu vực về lực lượng lao động dịch vụ xã hội và thảo luận về nhu cầu, nội dung, phạm vi cho dự thảo Tuyên bố ASEAN về Phát triển công tác xã hội.

A.B

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khoi-dong-xay-dung-tuyen-bo-asean-ve-phat-trien-cong-tac-xa-hoi-103456.html