Khởi động nền tảng chấm dứt nội chiến tại Lybia

Cuộc nội chiến Libya đã leo thang căng thẳng hơn 1 năm qua giữa Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Trong nỗ lực của quốc tế để giải quyết cuộc xung đột này, Tổng thống Ai Cập đã đại diện cho các bên trung gian hòa giải công bố Tuyên bố Cairo với sự góp mặt của lãnh đạo 2 bên GNA và LNA. Đây được xem là 'bước chuyển' quan trọng và đúng hướng giúp mang tới hòa bình cho Libya.

Chủ tịch Quốc hội của GNA Aguila Saleh (trái), Tổng thống Ai Cập Al-Sisi (giữa) và Tướng Khalifa Haftar - Chỉ huy LNA tại buổi công bố Tuyên bố Cairo. Ảnh: Skynewsarabia

Chủ tịch Quốc hội của GNA Aguila Saleh (trái), Tổng thống Ai Cập Al-Sisi (giữa) và Tướng Khalifa Haftar - Chỉ huy LNA tại buổi công bố Tuyên bố Cairo. Ảnh: Skynewsarabia

Một lệnh ngừng bắn bắt đầu được thực thi từ ngày 8-6, tại Libya đánh dấu cho bước chuyển mới trong nỗ lực tìm hồi kết cho cuộc nội chiến tại quốc gia này. Lệnh ngừng bắn là điểm nhấn quan trọng trong Tuyên bố Cairo - một sáng kiến chính trị chung và toàn diện để giải quyết xung đột ở Libya do Tổng thống Ai Cập Al-Sisi công bố vào cuối tuần vừa qua trong cuộc họp 3 bên. Tham dự cuộc họp và buổi công bố Tuyên bố Cairo có Tướng Khalifa Haftar - Chỉ huy LNA và Chủ tịch Quốc hội của GNA Aguila Saleh.

Cùng với lệnh ngừng bắn, Tuyên bố Cairo cũng đề nghị mang tính bắt buộc đối với các nước liên quan phải loại bỏ lực lượng lính đánh thuê tại Libya, bãi nhiệm lực lượng dân quân, bàn giao vũ khí, thúc đẩy cuộc gặp Ủy ban Quân sự 5+5 tại Geneva, Thụy Sĩ... Đặc biệt là việc tuân thủ nghiêm các sáng kiến hòa bình quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm đảm bảo tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Libya.

Mặt khác, Tuyên bố Cairo cũng đề nghị các bên cần phải đạt được sự thống nhất về việc thành lập hội đồng điều hành đất nước được giám sát bởi Liên hợp quốc nhằm tạo ra sự thuận lợi cho người dân; trong đó có trật tự và công bằng tại 3 tỉnh, thành gồm Thủ đô Tripoli, Cyrenaic và Fezzan.

Theo phân tích của giới chuyên gia quốc tế, Tuyên bố Cairo đã đặt ra nền tảng cho tiến trình hòa bình tại Libya trên cơ sở là các nghị quyết của Liên hợp quốc và quá trình hòa giải được thực hiện trước đây tại Pháp, Italia, Đức, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đồng thời trở thành xuất phát điểm cho sự thống nhất quyền lực điều hành đất nước tại Libya sau nhiều năm chia rẽ. Với một nền quản trị quốc gia thống nhất, việc phân bổ nguồn lực, tài nguyên sẽ trở nên công bằng và minh bạch hơn, tạo ra nền tảng xã hội bền vững cho người dân.

Kể từ năm 2011, khi nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi bị lật đổ, Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang giữa 2 chính quyền gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động ở Thủ đô Tripoli được Liên hợp quốc công nhận và phe nổi dậy LNA trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông. Đầu tháng 4-2019, Tướng Khalifa Haftar đã phát động chiến dịch "giải phóng" thủ đô và toàn bộ phía Tây Libya khỏi GNA, đẩy cuộc nội chiến Libya lên đến cao trào đỉnh điểm.

Tuyên bố Cairo được xem là giải pháp động lực thúc đẩy hòa bình tại Libya và là một thành tựu quan trọng của Ai Cập nhằm chấm dứt bất ổn chính trị, an ninh tại quốc gia Tây Phi. Ngay sau khi được công bố, Tuyên bố Cairo đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế. Nổi bật trong đó, các quốc gia Arab bày tỏ sự ủng hộ hết mình đối với Ai Cập để duy trì hiệu lực của lệnh ngừng bắn. Mỹ cho rằng, đây sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho việc phục hồi các cuộc đàm phán chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ, còn Nga nhận định đây là cơ sở để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Libya và tiến tới nền chính trị nghiêm túc.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khoi-dong-nen-tang-cham-dut-noi-chien-tai-lybia-post429686.html