Khởi động hút vốn vào Trung tâm Ðổi mới sáng tạo

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 14 về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore vừa diễn ra tại đảo quốc châu Á, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH-ÐT) đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu và kêu gọi đầu tư vào Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (ÐMSTQG).

Góc nhìn

Ðây là một sự kiện đáng chú ý mở đầu trong hoạt động đầu tư của năm nay, bởi mô hình Trung tâm ÐMSTQG còn rất mới ở Việt Nam và đây là lần đầu tiên được trải thảm đỏ gọi vốn đầu tư ở tầm quốc tế.

Trung tâm ÐMSTQG được kỳ vọng trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển đất nước về dài hạn và là chìa khóa giúp Việt Nam tận dụng được các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới quốc gia thịnh vượng. Trung tâm ưu tiên năm lĩnh vực hoạt động, bao gồm nhà máy thông minh; nội dung số; an ninh mạng; đô thị thông minh; công nghệ môi trường. Ðã có một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới quan tâm đến Trung tâm ÐMSTQG và một trong những dòng vốn mà Bộ KH-ÐT hướng đến để thúc đẩy phát triển là từ các nhà đầu tư Singapore. Hiện nay, Singapore đứng thứ ba trong tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các nhà đầu tư từ đảo quốc này đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 47,9 tỷ USD tại 2.169 dự án. Trong đó 40% tổng vốn đầu tư được rót vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ðáng lưu ý, các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo cao chủ yếu do các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam thông qua chi nhánh tại Singapore như Samsung, Coca-Cola, Fuji Xerox…

Việc hướng thu hút đầu tư vốn FDI từ Singapore vào Trung tâm ÐMSTQG là bước đi quan trọng đối với mục tiêu thực hiện chiến lược công nghiệp 4.0, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ và sáng tạo của Việt Nam. Bởi Singapore hiện có khoảng 8.000 tập đoàn đa quốc gia có trụ sở cấp vùng. Các nhà đầu tư Singapore có thế mạnh về vốn, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ, kinh nghiệm, thị trường… trong khi Việt Nam có thế mạnh về đất đai, lao động, tài nguyên. Trên cơ sở đó, Singapore có thể hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, Trung tâm ÐMSTQG và cách mạng công nghiệp 4.0 thành công là nhờ sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ. Ðiểm thuận lợi cho bước đi ở Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định sẽ làm hết sức mình để tạo điều kiện phát triển Trung tâm ÐMSTQG và giao Bộ KH-ÐT là đầu mối xây dựng. Trước các nhà đầu tư, Bộ trưởng KH-ÐT Nguyễn Chí Dũng cam kết sẽ xây dựng thể chế, chính sách vượt trội nhằm bảo đảm sự thành công của Trung tâm ÐMST.

Theo các chuyên gia, mối quan tâm của giới đầu tư vào Trung tâm ÐMSTQG là họ sẽ được hưởng ưu đãi vượt trội gì, tính cạnh tranh của Trung tâm ÐMSTQG của Việt Nam so với thế giới ra sao… Do đó, mỗi Trung tâm ÐMSTQG của Việt Nam phải hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi, có tính cạnh tranh cao và hạ tầng hiện đại. Ðây là những điều kiện căn bản để quy tụ nhân tài và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/39697202-khoi-dong-hut-von-vao-trung-tam-%C3%B0oi-moi-sang-tao.html