Khởi động đô thị thông minh

Xây dựng đô thị thông minh để phát triển bền vững đang được các tỉnh, thành trong cả nước hướng đến. Đồng Nai đã chính thức bắt tay vào thực hiện dự án đô thị thông minh. Các sở, ngành, địa phương sẽ dựa trên nền tảng công nghệ có sẵn, đầu tư thêm để đồng bộ và kết nối về các trung tâm điều hành.

Sở Tài nguyên - môi trường là nơi có dữ liệu về đất đai tốt được cập nhật và công khai trên mạng. Trong ảnh: Khu vực điều hành, cập nhật thông tin đất đai, Ảnh: H.GIANG

Sở Tài nguyên - môi trường là nơi có dữ liệu về đất đai tốt được cập nhật và công khai trên mạng. Trong ảnh: Khu vực điều hành, cập nhật thông tin đất đai, Ảnh: H.GIANG

Tại Đồng Nai sẽ có 5 đơn vị được ưu tiên triển khai nhanh các tiện ích, hệ sinh thái đô thị thông minh là Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở Giao thông - vận tải, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai và TP.Biên Hòa. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương khác trong tỉnh cũng từng bước đầu tư hạ tầng công nghệ đồng bộ để kết nối vào trung tâm điều hành của tỉnh.

* Đô thị thông minh là xu thế chung

Xây dựng đô thị thông minh cần có các hợp phần là: hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu, hệ thống số hóa, làm sạch và khai phá nội dung số, trang thiết bị và các hệ sinh thái chuyên ngành, trung tâm điều hành, hệ thống thông tin trên bản đồ địa lý, hệ thống ứng dụng điều hành thông minh, nguồn nhân lực điều hành, lắp đặt tích hợp toàn bộ hệ thống, vận hành, bảo hành, bảo trì, nâng cấp, cập nhật công nghệ.

Xây dựng đô thị thông minh là xu hướng chung trên toàn thế giới được các quốc gia, vùng lãnh thổ hướng đến. Mục tiêu là sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ trong công tác quản lý tất cả các lĩnh vực của đô thị một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, có thể kịp thời phát hiện những rủi ro, sự cố nhanh để lên phương án giải quyết và khắc phục phù hợp, giảm tổn thất xuống mức thấp nhất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC (Hà Nội) - đơn vị tư vấn dự án đô thị thông minh tại Đồng Nai - cho biết: “Không chỉ riêng Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đang đầu tư xây dựng đô thị thông minh. Vừa qua, Quốc hội đã ứng dụng mô hình quản lý điều hành thông minh của AIC vào trong các kỳ họp đã giảm được gần 100 tỷ đồng/kỳ họp. Đồng thời, trước đây mỗi kỳ họp cần 47 người tổng hợp, in ấn các câu hỏi và trả lời của đại biểu thì nay chỉ cần 2 người có thể hoàn tất công việc trên”.

Ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó nêu rõ những yêu cầu cụ thể, chính quyền các đô thị phải sử dụng công nghệ thông tin để nâng sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu quả trong công tác quản lý về sử dụng đất đai, năng lượng, môi trường... Trong đó, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi người đều được thụ hưởng lợi ích.

Chính phủ cũng yêu cầu trong giai đoạn 2018-2025, các bộ, ngành, tỉnh, thành phải ưu tiên quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh; cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin.

* Ưu tiên các lĩnh vực quan trọng

Trong xây dựng đô thị thông minh, Đồng Nai sẽ tiến hành làm trước ở các lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông, các khu công nghiệp và TP.Biên Hòa. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn để các sở, ngành trên đầu tư thêm trang thiết bị và các hệ sinh thái chuyên ngành thông minh. Đồng Nai chọn những lĩnh vực và địa điểm trên triển khai trước vì đem lại hiệu quả thiết thực cho nhiều người dân.

Sở Tài nguyên - môi trường là nơi có dữ liệu về đất đai tốt được cập nhật và công khai trên mạng. Trong ảnh: Khu vực điều hành, cập nhật thông tin đất đai, Ảnh: H.GIANG

Đơn cử với ngành y tế, sẽ hình thành hệ sinh thái y tế thông minh, trong đó sẽ kết nối bệnh viện thông minh, quản lý y tế dự phòng, quản lý khám chữa bệnh, quản lý an toàn thực phẩm, dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, hồ sơ sức khỏe người dân, hệ thống quản lý y tế xã, phường... Sở Y tế có thể theo dõi trực tiếp và điều hành những lĩnh vực trên một cách nhanh, hiệu quả để giúp cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh được tốt hơn.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết: “Ngành y tế của Đồng Nai đã được đầu tư sẵn nền tảng công nghệ hiện đại nên tiến hành xây dựng y thế thông minh rất thuận lợi”.

Về giáo dục, trong gần 4 năm qua, Đồng Nai đã chi gần 500 tỷ đồng để triển khai 25 trường học thông minh trong tỉnh. Điều này giúp ngành giáo dục khi xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh sẽ giảm được thời gian và chi phí đầu tư. “Sở đang đợi Trung tâm điều hành Sở GD-ĐT được thành lập để kết nối với 25 trường học thông minh, sau đó, sẽ mở rộng ra các trường học khác trong tỉnh. Trung tâm điều hành trên sẽ quản lý, điều hành trực tuyến các phòng ban chuyên môn, các cơ sở giáo dục, các phòng GD-ĐT” - Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang chia sẻ.

Trên lĩnh vực giao thông, Sở Giao thông - vận tải đang triển khai hệ sinh thái chiếu sáng thông minh để quản lý, giám sát, điều khiển hạ tầng chiếu sáng đô thị, thiết lập cường độ ánh sáng của đèn theo ngày, khu vực, phát hiện, xác định và phân loại sự cố để gửi yêu cầu xử lý đến đơn vị bảo trì.

TP.Biên Hòa và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai sẽ triển khai lắp đặt camera giám sát tại các khu vực, tuyến đường để theo dõi tình hình an ninh trật tự, cháy nổ để có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, 2 đơn vị trên sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại để công khai và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trực tuyến, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho hay: “Hai lĩnh vực TP.Biên Hòa đang ứng dụng công nghệ để theo dõi, trực tiếp quản lý, điều hành khá tốt là lắp camera tại các phường để theo dõi an ninh trật tự và điều hành Trung tâm hành chính công. Thời gian tới, Biên Hòa sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại trên nhiều lĩnh vực khác để xây dựng thành phố thông minh nâng cao đời sống cho người dân trong thành phố”.

* Cần các trung tâm điều hành

Hiện nay, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai các phần mềm dữ liệu cho từng ngành. Trong đó, có ứng dụng công nghệ hiện đại, công khai các quy trình giải quyết thủ tục, hồ sơ và từng bước giải quyết trực tuyến nhằm tạo ra môi trường minh bạch, rõ ràng. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trên sẽ là nền tảng để kết nối về những trung tâm điều hành.

Theo đề xuất của Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC, đơn vị tư vấn cho Đồng Nai thực hiện đô thị thông minh, thì tỉnh xây dựng tốt hạ tầng công nghệ, tiếp đến là các trung tâm điều hành của từng sở, ngành và kết nối về trung tâm điều hành của tỉnh.

Đồ họa thể hiện mô hình trung tâm điều hành thông minh cấp tỉnh được đề xuất (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp nhấn mạnh: “Đồng Nai đang tính toán lộ trình, kinh phí để đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin của từng ngành. Theo đó, khi các trung tâm điều hành thông minh của sở, ngành được xây dựng có thể hoạt động thông suốt và kết nối về trung tâm điều hành của tỉnh và Chính phủ”.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, hiện Sở đã tích hợp được thông tin của các lĩnh vực quản lý đất đai, địa chất khoáng sản, đo đạc bản đồ, môi trường, tài nguyên nước, quản lý dịch vụ công và trong mỗi lĩnh vực trên đã có phần mềm quản lý chuyên ngành. Vì thế, nếu xây dựng Trung tâm điều hành của Sở sẽ kết nối để hoạt động được ngay.

Một số sở, ngành khác cũng cho biết, nhiều lĩnh vực quản lý đã và đang ứng dụng công nghệ hiện đại, chỉ cần có trung tâm điều hành là có thể hình thành hệ thống điều hành thông minh. Bên cạnh đó, vấn đề cần chú ý khi khởi động thành phố thông minh là đào tạo được nguồn nhân lực đủ năng lực vận hành các trung tâm.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201910/khoi-dong-do-thi-thong-minh-2970872/