Khởi động Cuộc thi 'Chuông vàng vọng cổ' lần thứ XV – 2020

Khởi động Cuộc thi 'Chuông vàng vọng cổ' lần thứ XV – 2020; Bạc Liêu thành lập Chi hội Nghệ nhân Đờn ca tài tử; Bảo tàng tỉnh Kiên Giang phát động chương trình thu hút khách tham quan sau đại dịch Covid-19 là tin văn hóa tiêu biểu tại 3 tỉnh Nam Bộ hôm nay

Ngày 30-6, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng tổ chức vòng sơ tuyển cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" lần thứ XV năm 2020 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tại tỉnh Sóc Trăng. Hơn 70 thí sinh từ các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Theo Ban tổ chức, Cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" lần thứ XV gồm sáu cụm thi tổ chức tại miền Bắc, miền Trung, miền Đông, Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Riêng miền Tây Nam Bộ có hai cụm thi tại tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh. Cụm thi tại Trà Vinh gồm các tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Sóc Trăng có 21 thí sinh tham gia, còn tại Kiên Giang, tổ chức sơ tuyển chọn được 10 thí sinh, gồm 3 nam và 7 nữ, các thí sinh này sẽ tham dự vòng sơ tuyển tại tỉnh Sóc Trăng. Tại vòng sơ tuyển, các thí sinh ca hai câu vọng cổ tự chọn. Nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng, ca ngợi tình cảm gia đình… Sau một tuần Ban tổ chức sẽ công bố kết quả thí sinh có số điểm cao nhất tại vòng sơ tuyển sẽ được vào vòng tuyển chọn và vòng chung kết xếp hạng.

Hội đồng nghệ thuật gồm: ông Trần Hiền Phương - Phó trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh; Nghệ sĩ ưu tú Hồ Ngọc Trinh và nghệ sĩ Võ Minh Tâm. Các thí sinh dự thi vòng sơ tuyển ca 2 câu vọng cổ tự chọn, nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng, ca ngợi tình cảm gia đình. Có 6 cụm thi vòng sơ tuyển, sau vòng sơ tuyển, ban tổ chức chọn 36 thí sinh có số điểm cao nhất để thi tiếp vào vòng tuyển chọn tổ chức tại Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh.

Cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" lần thứ XV năm 2020 do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Cuộc thi được tổ chức từ năm 2006 đến nay. Cuộc thi nhằm tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu cải lương; khuyến khích mọi người, nhất là thế hệ trẻ, cùng tìm hiểu, yêu quý, giữ gìn và phát huy tinh hoa của loại hình nghệ thuật dân tộc trong thời hội nhập. Thông qua cuộc thi nhằm tìm kiếm, phát hiện những gương mặt có giọng ca hay, mới lạ, góp phần tôn vinh cho nghệ thuật đờn ca tài tử nói riêng và sân khấu cải lương nói chung, đồng thời bổ sung thêm nhân tố mới vào đội ngũ cải lương cả nước. Cuộc thi được tuyển sinh trên khắp mọi miền đất nước.

Bạc Liêu thành lập Chi hội Nghệ nhân Đờn ca tài tử

Mới đây, Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Chi hội Nghệ nhân Đờn ca tài tử.

Chi hội Nghệ nhân Đờn ca tài tử trực thuộc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, có nhiệm vụ quy tụ lực lượng nghệ nhân đờn ca tài tử trong tỉnh Bạc Liêu, giúp xây dựng và phát triển phong trào đờn ca tài tử. Dịp này, Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ định Ban Chấp hành Chi hội Nghệ nhân Đờn ca tài tử gồm 9 người, Nghệ nhân Ưu tú Từ Duy Toàn được chỉ định làm Chi hội trưởng.

Tỉnh Bạc Liêu là địa phương đầu tiên ở khu vực Nam bộ thành lập Chi hội Nghệ nhân Đờn ca tài tử. Mô hình này cần được nhân rộng nhằm giúp củng cố, quy tụ lực lượng nghệ nhân tài tử, góp phần thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy di sản đờn ca tài tử của mỗi địa phương.

Theo thống kê của Sở VHTTDL, tỉnh Bạc Liêu có gần 70 câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt đờn ca tài tử và trên 500 nghệ nhân, tài tử tham gia đờn ca tài tử. Những con số chứng tỏ sức sống mãnh liệt và con đường lưu truyền, nối nghiệp của phong trào đờn ca tài tử khá bền bỉ của người dân nơi đây. Đờn ca tài tử Bạc Liêu với sự phát triển không ngừng từ nửa đầu thế kỷ XX đến nay đã có nhiều đặc trưng nổi bật, tạo dấu ấn tốt trong nghệ thuật Đờn ca tài tử nói chung. Đó cũng là những tiến bộ thật tích cực của con người Bạc Liêu trong việc phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tỉnh nhà. Đồng thời những đặc điểm đó cũng là những điểm đặc sắc đã điểm tô sắc màu cho cổ nhạc và cải lương Nam bộ.

Bảo tàng tỉnh Kiên Giang phát động chương trình thu hút khách tham quan sau đại dịch Covid-19

Nhằm tăng cường thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng sau đại dịch Covid -19 và giới thiệu các thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Kiên Giang trước thềm Đại hội Thi đua yêu nước và Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bảo tàng tỉnh Kiên Giang triển khai chương trình "Bảo tàng với học đường" sau khi học sinh học tập trở lại, phát động trong khối lớp từ Tiểu học đến THCS và THPT trên địa bàn thành phố Rạch Giá. Chương trình nhằm giúp các em tìm hiểu về quê hương, đất nước và con người Kiên Giang thông qua thuyết minh nội dung lịch sử, văn hóa và tổ chức các hoạt động vui chơi ngoại khóa tại khuôn viên Bảo tàng, bắt đầu từ 28/6/2020 - 28/8/2020.

Được biết, Bảo tàng tỉnh Kiên Giang được xây dựng từ năm 1911 với kiến trúc nghệ thuật dân dụng đẹp, cổ kính. Đây không chỉ là một địa điểm tham quan, du lịch mà còn là nơi trưng bày các di sản lịch sử tự nhiên và xã hội của tỉnh Kiên Giang.

Thủy Bích (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/khoi-dong-cuoc-thi-chuong-vang-vong-co-lan-thu-xv-2020-20200701161132664.htm