Khơi dòng cải cách, củng cố niềm tin đầu tư kinh tế Việt Nam

Theo số liệu ước tính được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại hội thảo 'Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư', tăng trưởng kinh tế năm 2018 được dự báo có thể đạt mức 6,88%.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo của CIEM, tăng trưởng kinh tế cao trong hai quý đầu năm giúp giảm đáng kể áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm. Xuất khẩu và giải ngân đầu tư nước ngoài tăng khá ổn định, giúp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể, tốc độ tăng GDP đạt 6,88% trong quý III và 6,98% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước đó. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 65,3 tỷ USD trong quý III, tăng 15,1%, giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại gần 3 tỷ USD trong quý III và hơn 6,3 tỷ USD trong chín tháng đầu năm.

Xu hướng gia tăng đầu tư tiếp diễn trong quý III, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017 và 21,6% so với quý II. Vốn FDI thực hiện vẫn duy trì xu hướng tăng, đạt 4,9 tỷ USD trong quý III, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2017 và 9,1% so với quý trước.

CPI bình quân tăng 4,14% trong quý III và 3,57% trong 9 tháng đầu năm. Dù có lo ngại về rủi ro lạm phát tại một số thời điểm, mục tiêu lạm phát năm 2018 (bình quân 4%) có khả năng đạt được. Tất cả những tín hiệu tích cực trên đang góp phần giúp giảm đáng kể áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý IV.

TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường đầu tư có tính chất quyết định đến “sức khỏe” của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, tăng trưởng trong quý III được đánh giá là cao nhất trong 8 năm qua là kết quả không ngạc nhiên, vì chúng ta đã ổn định được kinh tế vĩ mô theo hướng ngày càng vững chắc hơn. Hơn nữa, môi trường kinh doanh cũng được cải thiện rất rõ nét, thông qua những đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức tài chính quốc tế uy tín. Đây là hai yếu tố có tính chất nền tảng đối với nền kinh tế, đồng thời là động lực thúc đẩy nhằm đạt được mức tăng trưởng tích cực.

TS.Nguyễn Đình Cung khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường đầu tư có tính chất quyết định đến “sức khỏe” của nền kinh tế. Ảnh: Phương Mai

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (thuộc CIEM) cho rằng, trong quý III vừa qua, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã đi vào thực chất, không chỉ là khẩu hiệu, thể hiện ở một số động thái tích cực từ chính sách tài chính, tiền tệ, như tinh thần sửa đổi Luật quản lý thuế đã tiếp thu một số góp ý theo hướng phục vụ người nộp thuế nhiều hơn; phát hành trái phiếu Chính phủ cũng không có biến động lớn, qua đó hạn chế tác động chèn lấn đối với đầu tư tư nhân và mặt bằng lãi suất; điều hành chính sách tài khóa không vội vàng theo hướng nới lỏng, mà hướng hơn đến phối hợp với chính sách tiền tệ để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì dư địa để ứng phó nếu có thêm diễn biến bất lợi sau này. Quan trọng hơn, Việt Nam bước đầu đã thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi về tỷ giá, lãi suất từ thị trường thế giới truyền tải qua các kênh hội nhập kinh tế quốc tế.

Với những diễn biến tích cực trên, CIEM cho rằng, dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2018 ở lần đánh giá này có thể đạt cao hơn, ở mức 6,88%, so với mức 6,71% như số liệu CIEM đưa ra cách đây ba tháng. Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%; thặng dư thương mại ở mức 5,1 tỷ USD; lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%.

Tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững

Giai đoạn 9 tháng đầu năm đã giúp định hình một cái nhìn tổng quan về kết quả phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2018. Theo đó, tăng trưởng kinh tế không suy giảm liên tục qua các quý như lo ngại, trong khi cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản diễn biến tích cực. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Anh Dương, việc duy trì đà tăng trưởng trong bốn đến tám quý tới không quá khó, vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để bảo đảm tính bền vững sau đó.

Ông Nguyễn Anh Dương khẳng định cần duy trì tính bền vững của nền kinh tế. Ảnh: Trung Hưng

Trước mắt, không ít thách thức đang đặt ra đối với Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thương mại và thị trường thế giới có nhiều biến động lớn, đặc biệt là diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách lãi suất của Mỹ. Bên cạnh đó, thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư.

Trước bối cảnh ấy, Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nhằm tạo thêm dư địa chính sách và cải thiện khả năng chống chịu trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Song song với đó, tiến triển trong quá trình đàm phán, phê chuẩn một số hiệp định thương mại tự do mới (RCEP, CPTPP, EVFTA) có thể củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bởi vậy cần thêm những nỗ lực vận động, thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do quan trọng và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (thuộc CIEM) cho rằng, cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế là cần thiết, song chưa đủ. Việt Nam cần nhiều hơn khả năng giám sát lưu chuyển vốn và hàng hóa từ các thị trường vào Việt Nam và cách tiếp cận linh hoạt trong quan hệ kinh tế với các đối tác chủ chốt.

Để duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng này trong thời gian tới, TS Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Phương Mai

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/khoi-dong-cai-cach-va-cung-co-niem-tin-dau-tu-kinh-te-viet-nam-d150302.html