Khơi dậy tinh thần sáng tạo của học trò

Nhờ được “tiếp lửa” từ thầy cô và các cựu học sinh mà những năm gần đây phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) phát triển mạnh mẽ. Phong trào không chỉ giúp cho việc dạy và học thêm hứng thú mà còn giúp cho nhiều học sinh định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai gần.

Học sinh Trường THPT Thống Nhất A tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh với mô hình giường thông minh. Ảnh: C. Nghĩa

Học sinh Trường THPT Thống Nhất A tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh với mô hình giường thông minh. Ảnh: C. Nghĩa

Trường THPT Thống Nhất A là một trong số ít các trường THPT thành lập và duy trì được mô hình Câu lạc bộ ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông. Từ câu lạc bộ này đã tạo “bệ đỡ” cho nhiều đề tài khoa học kỹ thuật của học sinh đoạt giải cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh cấp tỉnh và cấp quốc gia.

* Ươm mầm ý tưởng

Trong 3 năm trở lại đây, Trường THPT Thống Nhất A luôn dẫn đầu các trường THPT trong tỉnh về số lượng đề tài, số giải thưởng tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho lứa tuổi học sinh do tỉnh tổ chức. Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2019-2020 được tổ chức mới đây, học sinh của trường có 5 đề tài ở các lĩnh vực thì cả 5 đều đoạt giải. Nhiều đề tài của các em đã thể hiện sự chủ động tìm tòi, sáng tạo, biết vận dụng lý thuyết vào thực tế để giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

Năm 2018, đề tài robot chăm sóc khách hàng của nhóm học sinh Câu lạc bộ ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông của Trường THPT Thống Nhất A từng lọt vào tốp 15 đề tài xuất sắc tại vòng chung kết Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh - sinh viên do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội.

Hai em Âu Quốc Cường và Phan Duy Kiên là đồng tác giả của đề tài Thiết kế giường thông minh tiện ích hỗ trợ chăm sóc và quản lý giấc ngủ cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Đề tài của Cường và Kiên đã đoạt giải nhì tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2019-2020. Cường cho biết, chiếc giường thông minh các em thiết kế mới chỉ là mô hình thu nhỏ, nhưng hoàn toàn có thể sản xuất và sử dụng trong thực tế nếu được đầu tư về vốn để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.

Chiếc giường ngoài khả năng tự động đu đưa nhẹ nhàng như một chiếc võng, giúp bé ngủ ngon hơn nhờ một motor điện, nó còn được gắn một camera, thiết bị cảm biến thân nhiệt và hệ thống lọc không khí. Cha mẹ nếu bận làm việc nhà vẫn có thể an tâm vì mọi diễn biến về giấc ngủ của bé trên giường đều được thu thập và chuyển đến điện thoại di động bằng một phần mềm. Chẳng hạn khi bé thức giấc và khóc, hoặc sốt cao bất thường, camera và hệ thống cảm biến sẽ thu thập dữ liệu và truyền tín hiệu đến điện thoại di động của cha mẹ. Hằng tuần, phần mềm sẽ có những tổng hợp cho phụ huynh biết được trung bình mỗi ngày bé ngủ bao nhiêu giờ, có đủ giấc so với độ tuổi, tình hình sức khỏe của bé thể hiện qua nhiệt độ cơ thể có ổn định hay không…

Âu Quốc Cường cho biết: “Chúng em là người đưa ra ý tưởng, còn thầy giáo bộ môn công nghệ ở trường là người tư vấn giúp đỡ, định hướng giải pháp cho chúng em trong quá trình triển khai đề tài. Nhờ thầy mà đề tài của chúng em đã hoàn thành”. Phan Duy Kiên thì cho hay: “Qua đề tài chiếc giường thông minh chúng em đã kiểm chứng được khá nhiều kiến thức lý thuyết thông qua thực hành, giải quyết vấn đề. Mỗi chúng em đều cảm thấy yêu thích môn Kỹ thuật và Tin học hơn nhờ chính đề tài của mình và sự hỗ trợ của giáo viên”.

* Tạo sân chơi cho học trò

Theo Ban giám hiệu Trường THPT Thống Nhất A, phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật phát triển sâu rộng những năm qua, đồng thời liên tiếp đoạt được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi là nhờ hoạt động hiệu quả của Câu lạc bộ ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông của trường. Câu lạc bộ được thành lập vào năm 2014 bởi nhiệt huyết và tình yêu nghề của thầy Nguyễn Thành Phương, giáo viên bộ môn công nghệ. Đến nay, câu lạc bộ đã tập hợp được gần 20 học sinh từ các khối lớp, hằng tuần tổ chức các buổi sinh hoạt chia sẻ kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu các đề tài.

Từ câu lạc bộ này đã giúp cho hàng chục đề tài khoa học kỹ thuật ra đời và đoạt nhiều giải thưởng. Nhiều em chỉ trong 1-2 năm học tại trường đã cho ra đời 2-3 đề tài kỹ thuật, trong đó có những đề tài hoàn toàn có thể ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Điển hình trong số này có em Sầm Đức Anh là đồng tác giả của 2 đề tài: Xe đa dụng cho người mất khả năng đi lại đoạt giải ba cấp tỉnh và Máy rũ phân cút đoạt giải nhất cấp tỉnh cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho thiếu niên nhi đồng.

Thầy Nguyễn Thành Phương, người “khai sinh” và duy trì hoạt động của Câu lạc bộ ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông vui mừng chia sẻ: “Nếu giáo viên công nghệ chỉ dừng lại ở việc dạy lý thuyết cho học sinh thì các em sẽ dễ nhàm chán. Khi các em được thực hành và hướng dẫn làm ra những sản phẩm thực tế, có khả năng áp dụng giải quyết những vấn đề của cuộc sống thì em nào cũng cảm thấy bị cuốn hút và cùng nhau sáng tạo nhiều hơn, kỹ năng làm việc nhóm được nâng cao rõ rệt”.

Đồng hành với thầy Phương và nhà trường duy trì và phát triển câu lạc bộ còn là nhiều lớp cựu học sinh của Trường THPT Thống Nhất A hiện đang theo học ở các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh như: Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật, Trường đại học Lạc Hồng…

Thầy Bạch Thanh Lụa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thống Nhất A cho biết: “Các cựu học sinh của trường thường xuyên về trường hỗ trợ cho sân chơi khoa học kỹ thuật. Chính nhờ sự kết nối tinh thần khoa học này mà các đề tài có cơ hội thành công cao hơn. Không dừng lại ở đó, giáo viên và các cựu sinh viên của trường còn là những người đóng vai trò định hướng cho học sinh các khóa hiện tại về ngành nghề cho tương lai”.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/khoi-day-tinh-than-sang-tao-cua-hoc-tro-2988696/