Hội nghị thượng đỉnh khí hậu, chỉ cam kết thôi là chưa đủ

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến trong hai ngày 22 và 23/4 đã kết thúc với hàng loạt các cam kết của lãnh đạo thế giới cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải nhà kính nhằm khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng không qua 1,5 độ C.

Tuy nhiên, giới chức các nước cũng cảnh báo, chỉ cam kết thôi là không đủ và toàn thế giới phải hành động ngay lập tức.

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Mỹ chủ trì được xem là cơ hội để các quốc gia phát thải hàng đầu khẳng định trách nhiệm với cộng đồng nhân loại trong bối cảnh giới khoa học đang cảnh báo các chính phủ phải có hành động dứt khoát để khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Hậu quả của việc vượt quá ngưỡng này là sự biến mất của nhiều loài động thực vật, tình trạng thiếu nước trầm trọng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây thiệt hại nghiêm trọng nhất cho các quốc gia nghèo nhất.

Tham gia hội nghị lần này có hơn 40 lãnh đạo trên khắp thế giới, tiêu biểu như Nga, Trung Quốc, Đức, Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil… và nhiều quốc gia khác. Trong hội nghị, lãnh đạo nhiều nước đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

(Ảnh minh họa - KT)

(Ảnh minh họa - KT)

Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị, Giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, theo ước tính mới nhất của tổ chức này thì lượng khí thải toàn cầu năm 2021 đang có xu hướng trở thành mức tăng lớn thứ hai trong lịch sử và các quốc gia cần phải thực hiện hành động ngay lập tức.

“Rõ ràng là mức độ cam kết chống lại biến đổi khí hậu chưa bao giờ cao hơn như hiện nay. Đây là một tin tuyệt vời nhưng tôi sẽ nói thẳng, chỉ cam kết thôi là chưa đủ. Chúng ta cần sự thay đổi thực sự trong thế giới thực. Hiện nay, các dữ liệu thực tế thu thập được không còn phù hợp với lí thuyết và khoảng cách này ngày càng rộng hơn” - ông Fatih Birol nói.

Đánh giá về tuyên bố của lãnh đạo các nước, một số chuyên gia môi trường cũng cảnh báo, việc đưa ra quá nhiều mục tiêu sẽ chẳng giúp ích gì cho nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nỗ lực này đòi hỏi cần phải triển khai chính sách trên thực tế và vốn đầu tư và đây chính là lí do khiến quá trình thực hiện cắt giảm khí thải chưa thu được nhiều kết quả tích cực.

Với hội nghị thượng đỉnh lần này, Chính quyền Tổng thống Biden muốn khẳng định Mỹ đang lấy lại vị trí dẫn đầu toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự tham gia của lãnh đạo Trung Quốc, Nga trong hội nghị cũng được đánh giá là dấu hiệu tích cực khi các nước này, vốn đang được coi là đối thủ cạnh tranh chiến lược lẫn nhau, có thể cùng chung tay giải quyết các thách thức chung toàn cầu.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo nhiều nước cho rằng, các nước ít phát triển nhất, đa số nằm tại châu Phi, phía Nam sa mạc Sahara và vùng Nam Á, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong lượng phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, nếu các quốc gia này phát triển kinh tế công nghiệp dựa vào năng lượng hóa thạch, thì chính họ sẽ trở thành các quốc gia phát thải lớn nhất thế giới trong tương lai. Để tránh viễn cảnh tồi tệ này xảy ra, cần bắt đầu tiến trình chuyển sang nền kinh tế phát thải thấp với việc đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng.

Việc Mỹ và các nước phát triển đề nghị giảm nợ và cam kết đầu tư mạnh cho mô hình kinh tế xanh cho các quốc gia này, chính là một nỗ lực cần thiết và quan trọng trong cuộc chiến khí hậu toàn cầu./.

Vũ Hợp/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/hoi-nghi-thuong-dinh-khi-hau-chi-cam-ket-thoi-la-chua-du-852525.vov