Khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy Điện Biên phát triển

Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức mạnh Việt Nam.

Đã 66 năm trôi qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng ấy vẫn trường tồn, là động lực, tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, phấn đấu xây dựng Điện Biên ngày càng vững mạnh.

Chứng tích hào hùng

Ngay những ngày đầu tháng 5 lịch sử, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các điểm di tích bắt đầu mở cửa trở lại, thì cũng là lúc, từng đoàn khách như những đoàn quân ra trận năm nào hướng về chiến trường xưa tìm lại dấu tích hào hùng một thời oanh liệt. Dẫu không rộn ràng, tấp nập người, xe như mọi năm, song những con phố vẫn lặng lẽ khoác lên mình sắc màu cờ hoa rực rỡ. Sắc tím của bằng lăng, sắc đỏ của phượng vĩ gợi nhớ về những ngày hè rực lửa cách đây 66 năm khi lá cờ quyết chiến, quyết thắng tung bay trên nóc hầm De Castries.

Du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TUẤN ANH

Mấy hôm nay căn nhà nhỏ của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Chấp, 89 tuổi, ở phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ thường có đồng đội, người thân ghé thăm. Bởi đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7-5), nhóm các cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa lại tụ họp, ôn lại chuyện cũ. Dù sức khỏe yếu nhưng các cụ vẫn tập tễnh thăm lại trận địa, nơi từng cống hiến tuổi xuân và thấm máu xương đồng đội đã ngã xuống.

Tháng 5, đứng từ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ phóng tầm mắt ra xa, cánh đồng Mường Thanh trải một màu xanh ngút ngát. Những chứng tích lịch sử, như: Ðồi A1, cầu Mường Thanh, hầm De Castries.… vẫn còn đó, hiển hiện giữa lòng thành phố cùng chứng kiến sự đổi thay của Điện Biên. Với CCB Nguyễn Hữu Chấp, mảnh đất Him Lam gắn bó máu thịt với ông bởi hai lẽ: Đó là nơi gắn với trận thắng mở màn trên cứ điểm Him Lam mà ông tham gia trên cương vị Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82mm thuộc Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 1); hơn nữa, Him Lam cũng là mảnh đất ông Chấp đã tự nguyện ở lại xây dựng theo chủ trương của Đảng lúc bấy giờ.

Còn CCB Phạm Đức Cư, 90 tuổi, ở phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, thì không quên được những ngày “máu trộn bùn non” cùng Tiểu đoàn 394 thuộc Trung đoàn 367 pháo cao xạ, dùng sức người kéo pháo vào trận địa. Đêm 1-2-1954, ông Cư nghe tin anh Tô Vĩnh Diện hy sinh khi đang cùng đồng đội cố gắng cứu khẩu pháo bị đứt dây tời. Giây phút cuối cùng, anh Tô Vĩnh Diện vẫn hỏi: “Pháo có sao không?”. Nhớ về đồng đội đã ngã xuống, ông Cư lại bùi ngùi xúc động.

Dẫn chúng tôi thăm ngọn đồi A1, chị Nguyễn Linh Hồng, hướng dẫn viên du lịch thuộc Ban quản lý Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ cho biết: “Chúng tôi lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, nhưng qua sử sách và những di tích chiến trường xưa càng thêm thấu hiểu sự hy sinh, kiên cường của các thế hệ đi trước. Có cuộc sống hòa bình hôm nay, chúng tôi càng ý thức hơn tinh thần Điện Biên Phủ và nguyện sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó”.

Trên đường đổi mới

66 năm qua đi, Điện Biên đã và đang vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội. Với những nhân chứng lịch sử trải qua cuộc chiến, đó là một giấc mơ có thật. Bởi từ một mảnh đất bị tàn phá nặng nề, đồng ruộng bị cày xới với ngổn ngang bom đạn, vậy mà hôm nay, nhà tầng mọc lên san sát, đường sá to đẹp, sân bay quân sự năm nào nay đã được nâng cấp thành sân bay thương mại hiện đại...

Trong lần trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên khẳng định: Trong điều kiện thuận lợi và khó khăn đan xen, Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và đạt những kết quả quan trọng. Nổi bật là, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,2%; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán; vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng cao; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,11%...

 Thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đang đổi mới từng ngày. Ảnh: VŨ LỢI

Thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đang đổi mới từng ngày. Ảnh: VŨ LỢI

Mới đây, tôi có chuyến công tác về huyện Mường Nhé, đúng thời điểm tỉnh Điện Biên phối hợp cùng Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ để bàn giao hơn 1.000 ngôi nhà cho các hộ dân. Với dân bản Mường Nhé thì đây là bước tiến lớn, có nhà ở kiên cố, người dân yên tâm ổn định cuộc sống, thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Không chỉ ở huyện Mường Nhé mà đến nhiều địa bàn khác như: Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Chà..., chúng tôi cũng thấy rõ bộ mặt nông thôn mới đang đổi thay, với hệ thống điện, đường, trường, trạm được phủ kín tới các xã, nhiều mô hình kinh tế giúp dân đang được triển khai. Có được thành công này là nhờ tỉnh Điện Biên đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững.

Theo Đại tá Ngô Quang Tuấn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên: Năm 2019, lĩnh vực quốc phòng, an ninh (QPAN), trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn Điện Biên được giữ vững và ổn định. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững chắc. Tỉnh coi trọng xây dựng, củng cố thế trận QPAN ở các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; nâng cao tiềm lực, sức mạnh của KVPT. Lực lượng quân sự, biên phòng, công an đã thực hiện tốt công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Năm 2019, các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã đều được tổ chức theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng tốt.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn, năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Ðại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Điện Biên 5 năm 2016-2020 và là năm tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng. Bởi vậy, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị xác định quyết tâm, huy động mọi nguồn lực, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tạo chuyển biến tích cực về văn hóa, xã hội, nâng cao hiệu quả thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng phấn đấu tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm QPAN, trật tự, an toàn xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại.

Kế thừa, phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, với sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin tưởng rằng Điện Biên sẽ vượt mọi khó khăn, vững bước đi lên, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ.

Năm 2019, GRDP bình quân đầu người của tỉnh Điện Biên (theo giá hiện hành) ước đạt 29,7 triệu đồng/người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,14% so với năm 2018; đón 845.000 lượt khách du lịch với tổng thu hơn 1.366 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2018. Tỉnh bước đầu hình thành mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, tăng thêm 6 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, mô hình cánh đồng mẫu lớn được mở rộng trên diện tích 189ha; giải quyết việc làm mới cho gần 10.000 lao động (đạt 110,23% kế hoạch), tuyển mới và đào tạo nghề cho 8.000 người...

PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/khoi-day-tiem-nang-thuc-day-dien-bien-phat-trien-617177