Khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh

Trong bối cảnh văn hóa đọc hiện nay đang bị lấn át bởi nhiều loại hình giải trí hiện đại, để khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong học sinh, các trường học trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo, linh hoạt các hình thức mới mẻ, hiệu quả. Qua đó, giúp học sinh tìm ra phương pháp đọc sách hiệu quả, hình thành thói quen đọc sách, niềm say mê sách để không ngừng mở rộng, nâng cao kiến thức trên các lĩnh vực, sẵn sàng những hành trang tốt cho tương lai.

Sinh viên tìm đọc sách tại thư viện Trường Đại học Hạ Long.

Sinh viên tìm đọc sách tại thư viện Trường Đại học Hạ Long.

Với sự đầu tư của tỉnh, các địa phương, hệ thống cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Theo đó, tỷ lệ các trường học có thư viện cũng tăng lên. Các thư viện được các nhà trường đầu tư trang thiết bị đảm bảo điều kiện phòng đọc, cập nhật, bổ sung các loại sách, báo, truyện, sách tham khảo thường xuyên hơn. Song căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị, các trường cũng chủ động hình thành không gian đọc hấp dẫn với đa dạng loại hình thư viện như: Thư viện vườn trường, thư viện lớp, thư viện xanh, tủ sách di động, tủ sách dùng chung... nhằm thu hút học sinh tham gia.

Ở huyện Bình Liêu, đến nay, hầu hết các trường học trên địa bàn huyện đều bố trí không gian thư viện cho học sinh. Đó có thể là những phòng thư viện hiện đại với sự đầu tư của Sở GD&ĐT, hoặc có thể là những thư viện xanh do nhà trường sắp xếp. Với số lượng sách được cập nhật thường xuyên, đa dạng về thể loại, các thư viện đã trở thành địa điểm quen thuộc của học sinh vào mỗi giờ ra chơi, giờ sinh hoạt ngoại khóa. Đặc biệt, đối với các trường bán trú thì thư viện là một phần không thể thiếu giúp học sinh có thêm các hình thức vui chơi, giải trí lành mạnh sau những giờ học chính khóa trên lớp.

Học sinh Trường Tiểu học Húc Động (Bình Liêu) đọc sách tại thư viện xanh của trường.

Em Trần Minh Hiếu, lớp 5A, Trường Tiểu học Húc Động (xã Húc Động, Bình Liêu), chia sẻ: Từ lớp 4 học bán trú ở tại trường em có thời gian đọc sách nhiều hơn. Buổi chiều sau mỗi giờ tan học, em cùng các bạn ở bán trú đều ra thư viện xanh để đọc sách. Em thích nhất đọc sách về địa lý để biết và khám phá thêm nhiều địa danh đẹp của đất nước. Mỗi bạn một sở thích nên khi đọc sách xong chúng em hay chia sẻ, kể cho nhau nghe những điều mới mẻ và thú vị mà mình đã đọc được”.

Cùng với việc trang bị cơ sở vật chất, đảm bảo nguồn sách đáp ứng nhu cầu tìm đọc của học sinh thì nhiều trường học đã chủ động đổi mới phương pháp, hình thức đọc sách mang đến cho học sinh những trải nghiệm thú vị, bổ ích, rút ra những bài học thật sự sâu sắc từ việc đọc sách. Tiêu biểu như: Tổ chức hội thi kể chuyện theo sách; cuộc thi hùng biện về cuốn sách em yêu; liên hoan phim ngắn chuyển thể từ tác phẩm văn học....

Vừa qua, Trường TH, THCS, THPT Văn Lang (TP Hạ Long) đã lần đầu tiên tổ chức liên hoan phim ngắn chuyển thể từ tác phẩm văn học. Chương trình đã thu hút hưởng ứng, sáng tạo của không chỉ cô, trò mà cả phụ huynh học sinh, không ngừng làm lan tỏa phong trào đọc sách trong nhà trường.

Thầy giáo Đinh Văn Nghiêm, Phó Hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT Văn Lang, cho biết: Để tham gia liên hoan học sinh, giáo viên và cả phụ huynh đều cùng nhau tìm đọc sách để hiểu sâu, hiểu kỹ về các tác phẩm văn học trước khi chuyển thể sang hình thức sân khấu hóa. Qua đó, tạo ra sân chơi bổ ích giúp học sinh không chỉ hứng thú với đọc sách mà còn phát triển các kĩ năng sống cần thiết như: Kĩ năng trình bày, kĩ năng tư duy và diễn đạt cảm xúc, kĩ năng phát triển ngôn ngữ và tự tin thể hiện năng lực bản thân. Đồng thời, cũng tạo thêm cho nhà trường nguồn tư liệu giảng dạy và học tập cho các bộ môn ngữ văn, tập đọc...

Một tiết mục tham gia hội thi Kể chuyện theo sách năm học 2020-2021 do Phòng GD&ĐT thành phố Hạ Long tổ chức ngày 4/4 vừa qua. Ảnh: Mỹ Hạnh (CTV)

Bên cạnh những mặt tích cực, thực tế hoạt động thư viện ở hệ thống trường học trong tỉnh vẫn còn những hạn chế cần được đổi mới. Theo đó, tỷ lệ thư viện trường hoạt động hiệu quả chưa cao, thiếu đồng đều. Ở một số trường học, các hoạt động đọc chưa phong phú, chưa tạo được sức hút với học sinh. Một nguyên nhân khác là một số trường bố trí thư viện ở tầng cao, không thuận tiện để học sinh tới vào mỗi giờ ra chơi trong khoảng 5 - 10 phút. Ngoài ra, nguồn sách ở các thư viện trường học ít được bổ sung cập nhật, phần lớn là sách giáo khoa, sách tham khảo nên học sinh chưa thực sự hứng thú tìm đến thư viện....Từ đây, đặt ra yêu cầu đối với các trường học cần thay đổi mạnh mẽ trong việc đưa văn hóa đọc, đưa sách đến gần hơn với học sinh thay vì hình thức thư viện chỉ là nơi chứa sách.

Bằng cách này hay cách khác thì việc làm lan tỏa phong trào đọc sách, gìn giữ, nâng niu những giá trị của sách trong nhà trường luôn là cần thiết dù ở giai đoạn phát triển nào. Bởi đọc sách không chỉ đơn thuần để tiếp nhận thông tin, kiến thức mà còn góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn và lối sống văn hóa lành mạnh cho học sinh.

Duy Khoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202104/khoi-day-niem-dam-me-doc-sach-cua-hoc-sinh-2528480/