Khơi dậy nguồn mạch địa phương

Tinh thần 'Địa phương là nơi tổ chức mọi hoạt động của nền kinh tế' không chỉ gắn kết hoạt động thông suốt của ngành với các địa phương, mà còn khơi dậy sự chủ động, sáng tạo của các địa phương trong phát triển công nghiệp thương mại trên địa bàn

Khó từ cơ cấu kinh tế

Trong chuyến thăm và làm việc 3 ngày của Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu tại Bình Phước, Đăk Nông và Lâm Đồng, mới thấy tiềm năng phát triển kinh tế ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây nguyên còn dư địa rất lớn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Bình Phước

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Bình Phước

Bình Phước, vốn được coi là “người em” nghèo khó hơn cả khi so sánh với người anh Bình Dương - cả 2 được tách ra từ tỉnh Sông Bé cũ. Thế nhưng, nói về tiềm năng, có thể nói là “rất được” khi Bình Phước có nhiều yếu tố thuộc về thiên thời, địa lợi rất đặc thù như có kinh tế cửa khẩu, có cây công nghiệp chủ lực (hạt tiêu, hạt điều, cao su), có công nghiệp chế biến. Đặc biệt, qua thăm dò mới đây phát hiện trữ lượng gần 1 tỷ tấn bô xít ở huyện Bù Đăng, chỉ đứng sau Nhân Cơ (Đăk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng) với hàm lượng quặng đủ để khai thác thương mại. Hơn thế nữa, Bình Phước có tiềm năng cực kỳ to lớn về điện mặt trời. Tỉnh đã xây dựng 30 dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, 6 dự án trong đó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nâng tổng công suất về điện năng lượng mặt trời của tỉnh được quy hoạch lên mức lớn nhất cả nước, hiện đã thu hút trên 12 ngàn tỷ đồng vào các dự án.

Đối với Đăk Nông, ngoài cây cà phê có diện tích lớn thứ 3 cả nước, diện tích cây hồ tiêu bằng 1/3 cả nước, thì sau khi Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động và dự án Điện phân nhôm đến cuối năm 2019 sẽ cho ra sản phẩm đã cho thấy vóc dáng hình hài của của một ngành công nghiệp khai thác, chế biến alumin, luyện nhôm và các ngành phụ trợ đang dần hình thành tại vùng đất bazan cằn cỗi này.

Ở Lâm Đồng, nông nghiệp được đánh giá đứng đầu cả nước. Hầu hết nông sản có chất lượng tốt, canh tác theo hướng hữu cơ, cung ứng cho hầu khắp các tỉnh phía Nam; nhiều tỉnh phía Bắc đã nhập hàng. Năm 2018, xuất khẩu nông sản cả nước đạt 44 tỉ USD; trong đó, Lâm Đồng có thành phần nông sản xuất khẩu đứng đầu, riêng cà phê đạt 530.000 tấn, bằng 30% sản lượng xuất khẩu cả nước.

Tiềm năng là vậy, còn trên thực tế, phát triển kinh tế trong năm vừa qua cả 3 địa phương này đều khởi sắc, có tốc độ tăng GRDP cao hơn bình quân GDP cả nước. Bình Phước tăng 7,63%, cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ; Lâm Đồng tăng 8,59%; Đăk Nông tăng 8,21%.

Mặc dù vậy, trong các buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công Thương, lãnh đạo 3 địa phương đều day dứt vì vẫn chưa đạt được mục tiêu tự cân đối ngân sách. Theo Bảng xếp hạng thu ngân sách của Bộ Tài chính tại các địa phương năm 2018, trong 63 tỉnh, thành phố, Bình Phước xếp thứ 29, Lâm Đồng thứ 31 và Đăk Nông thứ 55, cả 3 tỉnh đều phải nhờ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

Lý do chủ yếu nằm ở cơ cấu kinh tế. Năm 2018, cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp của Bình Phước 26%; Lâm Đồng 45% và Đăk Nông 46,2%, cao hơn 2-3 lần bình quân cả nước (14,57%). Nếu “Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng” như 5 năm gần đây (mỗi năm giảm 2%-3% tỷ trọng nông nghiệp) thì Bình Phước cần từ 4-6 năm; Lâm Đồng, Đăk Nông cần ít nhất 10 năm mới có tỷ trọng nông nghiệp như cả nước hiện nay.

Đẩy nhanh sự chuyển dịch: Từ định hướng đến cụ thể

Vì thế, lãnh đạo các địa phương đều tỏ rõ sự sốt ruột, mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ để có bước đột phá trong chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đánh giá cao quyết tâm của địa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, ở đây có hai câu chuyện. Một mặt phải chuyển dịch nhanh, chuyển dịch mạnh sang công nghiệp, thương mại; nhưng mặt khác, vẫn cần tận dụng khai thác triệt để những tiềm năng, thế mạnh của nông sản địa phương.

Bộ trưởng thị sát tại Hồ bùn đỏ, Nhân Cơ, Đăk Nông

Trên hai hướng phát triển này, Bộ trưởng đề ra nhiệm vụ chung cho Bộ Công Thương trong hỗ trợ cho các tỉnh, như đề xuất 8 nội dung hỗ trợ Lâm Đồng; xây dựng Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và Bình Phước về Thúc đẩy các hoạt động đầu tư và thương mại trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của 2 Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai (Lâm Đồng) để có luận cứ vững chắc đối với đề nghị của Đăk Nông về chiến lược phát triển Trung tâm luyên kim màu của Việt Nam.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, thương mại bắt đầu từ đâu? Bên cạnh việc giao nhiệm vụ cho Cục Công nghiệp và các đơn vị liên quan hỗ trợ địa phương rà soát phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, khai thác được thế mạnh địa phương; gắn với hội nhập nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA để đón các dòng đầu tư vào công nghiệp chế biến gỗ, điện tử, dệt may, da giày… và cả những ngành công nghiệp mới như chế tạo thiết bị cho năng lượng tái tạo thì điều Bộ trưởng nhắc đi nhắc lại nhiều lần là phải đồng hành cùng địa phương tạo ra các nền tảng như hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để tạo ra làn sóng đầu tư, thương mại trên địa bàn, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới, có sức đột phá và lan tỏa tới mọi thành phần kinh tế. Vì thế, Bộ trưởng giao cho Vụ Tổ chức- cán bộ phối hợp với Trường đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương xây dựng nội dung, chương trình nâng cao năng lực thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Đối với hướng chuyển dịch, các đơn vị tham mưu của Bộ vừa được giao nhiệm vụ mang tính định hướng phát triển cho các địa phương. Trong đó có quy hoạch phát triển công nghiệp; kế hoạch phát triển cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; hoàn thiện hạ tầng KCN, nhất là với chế biến nông sản, với công nghiệp hỗ trợ cho dệt may, da giày; phát triển công nghiệp, thương mại gắn với logistic trong vùng và quốc tế; xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào các dự án năng lương; định hướng chuỗi giá trị những sản phẩm chủ lực trên địa bàn gắn với phát triển ở một số thị trường nước ngoài trọng điểm; hỗ trợ địa phương trong tiếp cận, chuyển giao công nghệ; phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư vào hệ thống phân phối trên địa bàn…

Song có rất nhiều phần việc được cụ thể hóa, giải quyết những khó khăn cụ thể, trước mắt. Như đưa vào chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Bộ Năng lượng CHLB Đức trong hợp tác chuyển giao công nghệ của Siemens trong chế tạo thiết bị cho năng lượng tái tạo nhằm hỗ trợ địa phương phát triển ngành công nghiệp mới: chế tạo thiết bị cho năng lượng tái tạo; xử lý những vướng mắc liên quan đến các dự án điện mặt trời; ưu tiên đưa nội dung phát triển ngành công nghiệp nhôm vào Phân ban Hợp tác Kinh tế - Thương mại và Khoa học Kỹ thuật Việt Nam - LB Nga…

Gia tăng giá trị địa phương

Nông sản chủ lực của Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng đang có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong và ngoài nước. Bình Phước có cao su, hạt tiêu, hạt điều; Đăk Nông có cà phê, hạt tiêu, xoài, măng cụt; Lâm Đồng có hoa, rau, củ, quả, cà phê, chè đặc sản của vùng khí hậu ôn đới. Thế nhưng, lãnh đạo các địa phương cũng chưa thể yên tâm, vì nói như Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi: “Nông sản xuất khẩu của tỉnh phần lớn sơ chế, giá trị gia tăng không cao”; hay như Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, Phạm S. “Địa phương có thành phần nông sản xuất khẩu đứng đầu cả nước, nhưng tỉ lệ xuất khẩu nông sản so với tổng giá trị sản lượng vẫn thấp, chỉ khoảng 18-20%”.

Buổi làm việc giữa Đoàn công tác Bộ Công Thương với tỉnh Lâm Đồng

Điểm mạnh, điểm yếu nói trên là lý do để Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến tận dụng, khai khai thác thế mạnh, gia tăng giá trị cho nông sản tại các địa phương. Định hướng lâu dài, Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số… làm việc với các địa phương để rà soát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm nông sản tại địa phương; các vấn đề liên quan đến hình thành chuỗi trong chế biến, sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, kinh doanh trực tuyến… nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, tính cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm giá trị thương hiệu để nông sản các địa phương có thể bước ra thị trường khu vực thông qua các kết nối của địa phương với các thị trường khu vực và thế giới.

Đối với những việc cụ thể, Bộ trưởng giao cho các đơn vị hỗ trợ cho các tỉnh hàng loạt nhiệm vụ, từ xây dựng giá trị thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cây cao su, hạt tiêu, nhân điều của Bình Phước; cà phê, trái cây, rau củ của Lâm Đồng; cà phê, nhân điều, hạt tiêu của Đăk Nông; đến đưa vào chương trình làm việc của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc về phát triển công nghiệp hỗ trợ sử dụng cao su; thúc đẩy hợp tác với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) trong công nghệ chế biến nông sản.

3 ngày làm tại 3 tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, tinh thần “Địa phương là nơi tổ chức mọi hoạt động của nền kinh tế” của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, không chỉ gắn kết hoạt động thông suốt của ngành Công Thương với các địa phương, mà còn khơi dậy nguồn mạch sáng tạo, chủ động của các địa phương trong phát triển công nghiệp thương mại trên địa bàn.

Nguyễn Văn

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/khoi-day-nguon-mach-dia-phuong-62017.htm