Khơi dậy khát vọng, sức sáng tạo của công nhân, lao động kỹ thuật cao

Tại chương trình gặp gỡ 90 đại biểu công nhân, lao động kỹ thuật cao (CNLĐKTC) diễn ra hôm qua (5-5) tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đội ngũ CNLĐKTC là tài nguyên, tài sản, vốn quý của quốc gia.

Xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao chính là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Với chủ đề “CNLĐKTC-Một trong những động lực phát triển đất nước”, chương trình gặp gỡ đã mang đến nhiều kỳ vọng tạo ra những bước ngoặt có tính đột phá để phát triển đội ngũ CNLĐKTC trong tương lai.

Tham dự chương trình còn có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan trưng bày các dây chuyền sản xuất kỹ thuật cao tại chương trình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan trưng bày các dây chuyền sản xuất kỹ thuật cao tại chương trình.

Nhiều kiến nghị tâm huyết

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đội ngũ CNLĐKTC đang làm chủ công nghệ, làm chủ máy móc, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao thay thế chuyên gia nước ngoài, cũng như tích cực, sáng tạo trong học tập, tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến của thế giới để sản xuất thiết bị máy móc hiện đại. Đội ngũ này đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của đất nước. Trong quý IV-2018, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 22,22%, trong đó tỷ lệ CNLĐ kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên trong tổng số lực lượng lao động là 18,79%.

Tại chương trình, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ 43 kiến nghị theo 7 nhóm vấn đề của đội ngũ CNLĐKTC được Tổng LĐLĐ Việt Nam lấy ý kiến tổng hợp trong cả nước. Các đại biểu CNLĐKTC cũng trao đổi, kiến nghị những nhóm vấn đề chính như: Chính sách của doanh nghiệp đối với CNLĐKTC, chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao, tâm tư, nguyện vọng của CNLĐKTC để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương và đất nước.

Anh Đinh Đăng Đoàn, Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị: “Chính phủ, bộ, ngành tháo gỡ thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, đặc biệt là các chi tiết thiết bị công nghệ cao. Công tác đào tạo nghề hiện chưa theo kịp xu hướng phát triển công nghệ. Có những ngành nghề kỹ thuật cao hiện chưa được đào tạo tại Việt Nam”. Còn anh Phan Quang Liền, Công ty Cổ phần Dệt may 29-3 (TP Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ nên đặt hàng các doanh nghiệp, đặt hàng lực lượng lao động có tay nghề nghiên cứu, sản xuất các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ lực lượng CNLĐKTC để tiếp cận kiến thức mới, nâng cao trình độ. Chị Trần Thị Lan Anh, Công ty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, đề xuất: “Mọi sáng kiến của CNLĐ dù nhỏ hay lớn nên luôn được quan tâm nuôi dưỡng. Chính phủ cần xem xét xây dựng những trung tâm để hỗ trợ, làm bệ đỡ cho ý tưởng của CNLĐ, biến ý tưởng thành hiện thực”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu trao khen thưởng tặng các CNLĐKTC tiêu biểu.

Đào tạo là vấn đề then chốt

Vấn đề đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là tay nghề cao được các đại biểu quan tâm dành thời gian trao đổi, kiến nghị. Trong đó, vấn đề tập trung là cần làm tốt các giai đoạn đào tạo tại nhà trường, đào tạo lại tại doanh nghiệp, đưa mối liên kết nhà trường-doanh nghiệp đi vào thực chất, vấn đề tự học, tự nghiên cứu của người lao động... Anh Nguyễn Xuân Quang, Xí nghiệp Vật lý giếng khoan, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nêu kiến nghị: “Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức đào tạo CNLĐKTC nói riêng và đào tạo nghề để bảo đảm đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động hiện nay. Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí chất lượng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về năng lực nghề nghiệp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNLĐKTC, tạo điều kiện để những người có chuyên môn giỏi có thể phát triển thành những nhà khoa học”.

Trước gợi mở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những trăn trở giữa đào tạo tại nhà trường và doanh nghiệp, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, hiện có nhiều trường chỉ dạy cái đang có chứ chưa chú trọng đến yếu tố kỹ thuật, yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, cho phép tạo môi trường sinh thái gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tham gia trực tiếp vào việc đào tạo, các kỹ sư có kinh nghiệm có thể tham gia đào tạo. Bộ cũng cho phép các trường chủ động đào tạo các mã ngành mà những nước tiên tiến đã có để cập nhật trình độ quốc tế. Bộ cũng chú ý đến việc tăng cường nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động, nhất là đào tạo ngoại ngữ chuyên sâu kỹ thuật; đa dạng hình thức đào tạo từ xa, kỹ năng nhóm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động tạo điều kiện cho công nhân, lao động về chi phí, thời gian để nâng cao trình độ, tay nghề.

Với kinh nghiệm một đơn vị sử dụng tốt CNLĐKTC, Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, doanh nghiệp cần tạo ra nhiều giá trị để tăng năng suất lao động chứ không tăng cường độ lao động. Để tăng suất lao động thì phải đầu tư cho lực lượng lao động và công cụ lao động. Về đầu tư cho lực lượng lao động, tổng công ty có nhiều giải pháp linh hoạt, trong đó chú trọng đào tạo, đào tạo lại liên tục, coi trọng đào tạo tại chỗ kết hợp với chính sách luân chuyển cán bộ, công nhân viên làm việc ở các vị trí khác nhau. Cùng với đó là không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người lao động, kết hợp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ tuyển dụng.

Khơi dậy khát vọng, sức sáng tạo

Nhiều giải pháp phát triển đội ngũ CNLĐKTC được đưa ra tại chương trình, tập trung nhấn mạnh đến chuỗi mắt xích: Cơ chế, chính sách từ Chính phủ, từ địa phương; sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng chất lượng đội ngũ lao động, nâng cao năng suất và bản thân những cố gắng từ chính những người lao động trong việc thích ứng, chủ động để trở thành người có trình độ cao. Các đại biểu nhấn mạnh rằng, phát triển đội ngũ CNLĐKTC với mục tiêu cuối cùng phải là tăng năng suất lao động. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cần có chính sách kinh tế thiết thực để doanh nghiệp chú trọng đầu tư nâng cao khoa học công nghệ, khuyến khích toàn xã hội sáng tạo, khơi dậy khát vọng của doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ cạnh tranh trên sân nhà mà cạnh tranh với quốc tế. CNLĐ là người trực tiếp sáng tạo giá trị cho xã hội, cũng phải là tấm gương tiên phong trong đột phá vào khoa học công nghệ, cần nỗ lực sáng tạo hết mức, nâng cao kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp.

Ghi nhận các ý kiến của đội ngũ CNLĐKTC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của đội ngũ CNLĐ trên cả nước, đặc biệt là CNLĐKTC đã không ngừng lao động, học tập, nâng cao tay nghề để làm chủ dây chuyền sản xuất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những kiến nghị của CNLĐKTC có ý nghĩa thiết thực trong việc hình thành chính sách đối với giai cấp công nhân nói chung và tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển nền kinh tế, không chỉ dựa vào vốn, giá nhân công rẻ mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật và đối tượng CNLĐKTC có vai trò quan trọng trong quy trình sản xuất, quyết định hiệu quả và tăng năng suất lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng lực lượng đội ngũ CNLĐKTC, thu hút nhân tài để Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp”, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư. Các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến các nhóm vấn đề thiết yếu với đời sống CNLĐ. Tổ chức công đoàn cần đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo đời sống văn hóa, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh cho CNLĐ, trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Nhấn mạnh, CNLĐKTC là cơ hội cho sự phát triển cạnh tranh khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, Thủ tướng Chính phủ mong muốn đội ngũ CNLĐKTC phải luôn có khát vọng, hoài bão vươn lên, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Mỗi CNLĐKTC phải đặt kế hoạch phấn đấu, thường xuyên tự học, đồng thời, rèn luyện bản lĩnh, lập trường giai cấp vững vàng, tham gia xây dựng quan hệ lao động tốt đẹp, hài hòa trong doanh nghiệp.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khoi-day-khat-vong-suc-sang-tao-cua-cong-nhan-lao-dong-ky-thuat-cao-573373