Khơi dậy khát vọng doanh nghiệp Việt Nam thời kỳ mới

Để có được đội ngũ doanh nhân Việt Nam mạnh, thực sự là nòng cốt của nền kinh tế quốc dân, vấn đề đặc biệt trọng tâm là cần phải xây dựng được tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân chính trị trong các loại hình doanh nghiệp.

Đó là khẳng định của đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội thảo “Xây dựng tổ chức Đảng và phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 20/3 tại Hà Nội. Hội thảo do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW); Tạp chí Cộng sản; Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế phối hợp tổ chức.

Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, là hạt nhân chính trị trong DN

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rất cụ thể vấn đề tập trung xây dựng, phấn đấu để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Việc hoàn thành mục tiêu đặt ra sẽ tạo ra bước đột phá, đưa đất nước chúng ta lên tầm cao mới.

Để phát triển nền kinh tế vững mạnh thì vấn đề hàng đầu là phải có hệ thống doanh nghiệp mạnh, đội ngũ doanh nhân mạnh để trở thành nòng cốt của nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò tiên phong trong quá trình phát triển đất nước lên tầm cao mới. Để có một đội ngũ doanh nhân mạnh, đội ngũ công nhân hiện đại và lớn mạnh, một đội ngũ doanh nhân yêu nước, tài ba, thì vấn đề “cốt tử” là làm sao phải xây dựng được các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, thật sự là hạt nhân chính trị trong các doanh nghiệp. Cùng với việc xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp mạnh thì đội ngũ đảng viên trong tổ chức cần phải có đủ phẩm chất, trình độ ngang tầm nhiệm vụ.

Do đó vấn đề tiếp tục phát triển nâng cao vai trò năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng phải gắn với việc phát triển đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp. Đây là vấn đề tuy không mới, đã bàn nhiều lần, nhưng theo đồng chí Phùng Hữu Phú, trước tình hình quốc tế và trong nước đang có những chuyển biến, đổi mới đòi hỏi cần thay đổi nhận thức, cách làm sao cho phù hợp.

 Đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Trong khi đó, chia sẻ về vấn đề xây dựng tổ chức Đảng và phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, Hội thảo là cơ sở để tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Từ thực tiễn cho thấy, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, chính sách để củng cố, tăng cường, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Có rất nhiều tập đoàn, tổng công ty, DNNN … đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế đất nước để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Trong quá trình vận động, phát triển đi lên trong kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng quốc tế thì rõ ràng, sự lãnh đạo, vai trò của Đảng, của các tổ chức Đảng trong các DNNN còn phải phấn đấu, cố gắng nhiều hơn nữa. Bên cạnh nhiều thành tích đạt được, không ít tổ chức đảng hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ quản lý các cấp trong các DNNN ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần gương mẫu hay tính đảng chưa thực sự cao; không ít trường hợp đã lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách quản lý để vun vén lợi ích cá nhân... Do đó, việc tăng cường công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển Đảng viên trong các DNNN đặc biệt cần thiết trong điều kiện, tình hình hiện nay.

Cũng tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài khu vực nhà nước; đại diện lãnh đạo một số địa phương có doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân đã nêu cụ thể về những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình xây dựng tổ chức Đảng và phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp. Trong đó, có một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như: tình trạng các tổ chức doanh nghiệp luôn biến động, có nhiều thành viên, khó khăn trong thực hiện chế độ sinh hoạt đảng và nghiệp vụ công tác đảng; một số Đảng ủy khối không có chính quyền cùng cấp, các tổ chức đoàn thể trực thuộc các loại hình khác nhau; người đứng đầu không tham gia cấp ủy hoặc không là đảng viên; việc phối hợp thực hiện giữa các cấp lãnh đạo trong công ty đối với công tác xây dựng đảng và phát triển đảng viên chưa hiệu quả, thiếu đôn đốc; công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, động viên, khích lệ người lao động chưa cao...

Đến kiến nghị, giải pháp

Trên cơ sở những ý kiến trình bày về những khó khăn, vướng mắc, Hội nghị đồng thời ghi nhận những kiến nghị, giải pháp rất ý nghĩa, đúng trọng tâm, trọng điểm để góp phần thực hiện hiệu quả quá trình xây dựng tổ chức Đảng và phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Đối với DNNN, một số kiến nghị, giải pháp cho rằng, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng; xây dựng đội ngủ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy đủ năng lực, đủ sức chiến đấu, thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, là trung tâm đoàn kết, hoạt động có hiệu quả, được đảng viên quần chúng tín nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý đảng viên; thực hiện tốt quá trình phân công công tác cho đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng, phù hợp với năng lực, trình độ, điều kiện công tác, sức khỏe.

Một trong số những nội dung quan trọng là từ thực tiễn, cần tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 13/02/2017 của Ban Bí thư về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối”. Qua đó rút ra những bài học, cách làm hay; từ đó xem xét và có những quy định cụ thể về xây dựng mô hình đảng bộ toàn ngành đối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, nhằm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động thống nhất xuyên suốt trong đơn vị, thực hiện đúng chủ trương nhất thể hóa sự lãnh đạo của Đảng.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, một số ý kiến cho rằng, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động thuyết phục tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên và chủ DN về xây dựng, phát triển tổ chức đảng; xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng cũng như làm tốt công tác kết nạp quần chúng ưu tú vào đảng; giới thiệu đảng viên có năng lực giữ các vị trí chủ chốt của DN tham gia cấp ủy và trực tiếp làm bí thư cấp ủy. Với DN chưa có đảng viên nhưng có tổ chức công đoàn, thì cấp ủy nơi DN đóng trụ sở chính phân công cấp ủy viên và đảng viên có kinh nghiệm phối hợp với các đoàn thể trong DN phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng…

Trong khi đó, đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài, một số ý kiến tham luận cho rằng, người đứng đầu cấp ủy cần chủ động gặp gỡ chủ DN nhằm tạo sự đồng thuận, gắn bó, tin cậy, hợp tác về thành lập tổ chức đảng trong DN, làm tốt việc chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên khi thành lập tổ chức đảng, quan tâm kết nạp đảng viên tại các trường nghề trên địa bàn; xây dựng phong trào quần chúng trong đảng viên, đoàn viên, người lao động, qua đó phát hiện, tập hợp, lựa chọn để tạo nguồn phát triển đảng; phối hợp tổ chức những hình thức, nội dung phù hợp để công nhân, người lao động có điều kiện tìm hiểu về văn hóa, xã hội, lịch sử, kinh tế đất nước của chủ DN đầu tư nước ngoài cũng như thường xuyên giới thiệu đất nước, con người Việt Nam nhằm tạo mối quan hệ thân thiện, gần gũi tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa lao động Việt Nam và người quản lý, chủ DN người nước ngoài…/.

Trường Quân

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/khoi-day-khat-vong-doanh-nghiep-viet-nam-thoi-ky-moi-576855.html