Khơi dậy đam mê lịch sử với các em nhỏ

Khi những tiếng ve râm ran trong vòm lá, hoa phượng vĩ rực đỏ trên cây, là lúc các bạn nhỏ Thủ đô từ 9 đến 15 tuổi lại háo hức đón chờ chương trình 'Em học làm thuyết minh' do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm) tổ chức. Trải qua ba năm liên tiếp, chương trình 'Em học làm thuyết minh' đã trở thành hoạt động bổ ích trong dịp hè của các bạn nhỏ yêu lịch sử.

Trải nghiệm tâm lý, rèn kỹ năng mềm

Năm 2019, chương trình có thêm nhiều đổi mới, giúp các bạn nhỏ Hà Nội không chỉ học thuyết minh đơn thuần mà còn được tham gia vào các trải nghiệm tâm lý, rèn kỹ năng mềm thú vị. Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy - Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Khác với hai năm trước, năm nay, chương trình thực hiện tuyển sinh online để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh và thí sinh. 35 học viên đã được lựa chọn trên tổng số 100 hồ sơ gửi về cho chương trình để đào tạo chính thức. Trong 1 tháng đào tạo với 8 buổi học (bao gồm 1 buổi đi thực tế trải nghiệm và Gala Tổng kết), các bạn nhỏ Thủ đô đã được học kiến thức lịch sử được lồng ghép với việc rèn luyện khả năng ngôn ngữ, thuyết trình trước đám đông”.

Buổi học đầu tiên của hành trình “Em học làm thuyết minh” năm 2019 diễn ra sôi nổi, thú vị. Các bạn học viên được làm quen với những người bạn mới. Những nhút nhát, lúng túng ban đầu nhanh chóng thay thế bằng sự hào hứng, sôi nổi khi tham gia các hoạt động học tập. Các bạn cũng được học cách đặt mục tiêu và neo động lực để theo đuổi mục tiêu đến cùng, được tìm hiểu tổng quan về lịch sử của Nhà tù Hỏa Lò và tham gia rất nhiều hoạt động nhóm khác.

 Các bạn nhỏ chụp ảnh lưu niệm tại buổi Gala Tổng kết “Em học làm thuyết minh” năm 2019.

Các bạn nhỏ chụp ảnh lưu niệm tại buổi Gala Tổng kết “Em học làm thuyết minh” năm 2019.

Trong các buổi học tiếp theo (4 buổi), các bạn được tìm hiểu về nội dung thuyết minh trong Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ứng với 5 chủ đề gần gũi: Giá trị của cuộc sống đầy đủ ngày nay, bài học về tình mẫu tử, tình đồng chí, lòng dũng cảm và giá trị của hòa bình hôm nay. Các em được nghe các cô thuyết minh trực tiếp tại điểm để trực quan, thực tế hơn. Sau đó, mỗi học viên sẽ luyện tập thuyết trình trước cả lớp. Mỗi buổi học lại được lồng ghép thêm những trải nghiệm tâm lý khác nhau ứng với từng chủ đề.

Đó có thể là hoạt động viết thư để gửi đến những người muốn nói lời cảm ơn hay xin lỗi; nghe kể câu chuyện cảm động về tình mẫu tử qua bức thư con gái viết cho mẹ đã đi xa; rèn luyện sự kiên trì, nghị lực qua trải nghiệm về định mục tiêu - neo động lực; và đặc biệt, phần hô khẩu hiệu đồng thanh trong mỗi buổi học đã giúp các bạn nhỏ hào hứng hơn, tràn đầy năng lượng khi tham gia các hoạt động học tập.

Tại buổi Gala Tổng kết chương trình diễn ra vừa qua, nhiều phụ huynh đã rất xúc động khi lắng nghe bức thư của hai bạn nhỏ tự viết trong các buổi học. Bức thư đầu tiên do bạn Nguyễn Quỳnh Anh viết gửi lời cảm ơn tới người mẹ kính yêu của mình. Những câu từ giản đơn nhưng chứa đựng trong đó biết bao tình cảm, đã có những giọt nước mắt xúc động của nhiều phụ huynh. Ngay sau đó, bức thư đã được chính bạn gửi lại cho mẹ trên sân khấu của chương trình. Những cái ôm thật chặt, những tiếng nấc nghẹn ngào cũng là khi cảm xúc được đánh thức.

Bức thư thứ hai do bạn Đặng Nhật Linh viết gửi tới bà Nguyễn Thị Quang Thái - nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung, một người mẹ với tình yêu thương con vô bờ bến. Tình mẫu tử thiêng liêng của một người mẹ có con gái nhỏ là mong nhớ ngày đêm, vậy mà đến cuối đời bà vẫn không có cơ hội gặp lại con gái nhỏ lần cuối. Có lẽ, câu chuyện cảm động ấy đã chạm tới trái tim Nhật Linh, khiến bạn quyết định viết bức thư gửi bà Quang Thái để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những hy sinh, cống hiến của thế hệ đi trước.

Chia sẻ nỗi đau da cam

Tiếp nối những thông điệp được phát động tại khai mạc trưng bày “Nhật ký hòa bình” tổ chức tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò vừa qua, các bạn học viên chương trình “Em học làm thuyết minh” năm 2019 và phụ huynh còn được tham gia chuyến đi thiện nguyện tới Làng Hữu nghị Việt Nam, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. Với mong muốn khơi dậy lòng nhân ái, phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”, Ban Tổ chức chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của các quý phụ huynh và học viên. Quãng đường gần 45 phút di chuyển bằng ô tô dường như nhanh hơn khi trên xe đầy ắp tiếng cười và sự háo hức. Những món quà nhỏ đơn giản như những cuốn truyện tranh, những quyển tập tô, bút mầu hay bánh kẹo…đã được các em và bố mẹ tự tay chuẩn bị.

Trước khi đến Làng Hữu nghị Việt Nam, các bạn học viên đã được xem phóng sự về cuộc sống của các bác cựu chiến binh và những bạn nhỏ nhiễm chất độc màu da cam đang sống tại đây. Chứng kiến những di chứng mà các bạn nhỏ làng Hữu nghị đang phải gánh chịu, các em mới hiểu chiến tranh và hậu quả của chất độc da cam như thế nào. Trong buổi gặp mặt, các bạn còn được các bác cựu chiến binh kể chuyện và hát bài “Để gió cuốn đi’’. Tất cả đều nghẹn ngào xúc động.

Các bạn nhỏ đã tự tay trao tặng số tiền ủng hộ hơn 10 triệu đồng đến các nạn nhân chất độc da cam và các cựu chiến binh đang sinh hoạt tại đây. Đối với các học viên của chương trình, sau chuyến đi ấy, các bạn đã nhận ra rằng xung quanh mình còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh cần được che chở, yêu thương. Từ đó, các em sẽ biết quý trọng hơn những gì mình đang có và quan trọng nhất là thấu hiểu được thông điệp: “Hạnh phúc là sẻ chia” – “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.

Mỗi buổi học đi qua, hành trình cảm xúc lại nối dài thêm những kỷ niệm. Các bạn nhỏ tham gia chương trình “Em học làm thuyết minh” năm 2019, đã được tham gia học tập và trải nghiệm những hoạt động sôi nổi. Tất cả những kỷ niệm đó đã được gói gọn trong 8 buổi học. Một hành trình không quá dài nhưng các cán bộ hướng dẫn cùng các bạn học viên đã cùng nhau tạo dựng những kỷ niệm thật khó quên, những khoảnh khắc đáng nhớ. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, chưa quen với các hình thức học tập, chỉ sau 8 buổi học, nhiều bạn đã tự tin, đã trau dồi thêm cho bản thân nhiều kỹ năng thuyết trình.

Hy vọng rằng, “Em học làm thuyết minh” năm 2019 của Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ là những kỷ niệm đẹp, là niềm vui và cả sự gắn bó trong quá trình học tập của các em. Từ đây, những tình bạn đẹp sẽ được duy trì, tiếp bước những mùa hoa phượng nở. Sau chương trình “Em học làm thuyết minh” năm 2019 các học viên xuất sắc sẽ tiếp tục được bồi dưỡng để trở thành tình nguyện viên tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Điều đó, giúp các bạn nhỏ Hà Nội có một môi trường chuyên nghiệp xây đắp ước mơ trở thành thuyết minh viên trong tương lai và đặc biệt vun đắp cho các bạn nhỏ tình yêu với lịch sử, lòng biết ơn với sự hi sinh của thế hệ cha ông, hun đúc trong tâm hồn các em tình yêu đất nước, con người Việt Nam.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khoi-day-dam-me-lich-su-voi-cac-em-nho-93851.html