Khởi đầu năm 2021, quốc tế 'dậy sóng' với Iran

Bước vào năm 2021, khi người dân toàn cầu đang hy vọng vào một năm mới tốt đẹp hơn thì Iran đã làm quốc tế 'dậy sóng' khi tuyên bố nối lại làm giàu uranium lên tới 20% (gần bằng cấp độ vũ khí hạt nhân).

Một góc bên trong nhà máy hạt nhân Fordow ở thành phố Qom, miền Bắc Iran - nơi được thông báo là cơ sở làm giàu uranium lên mức 20%. Ảnh: AFP

Một góc bên trong nhà máy hạt nhân Fordow ở thành phố Qom, miền Bắc Iran - nơi được thông báo là cơ sở làm giàu uranium lên mức 20%. Ảnh: AFP

Đầu tuần này, Chính phủ Iran thông báo, Tổng thống Hassan Rouhani đã ra lệnh bắt đầu làm giàu uranium lên mức 20% tại một nhà máy dưới lòng đất. Động thái leo thang căng thẳng của Iran trùng với dịp tưởng niệm 1 năm ngày Mỹ ám sát Tướng Qassem Soleimani - vị tướng đáng kính của người dân Iran.

Theo giới quan sát khu vực, đây là mức làm giàu uranium cao nhất kể từ khi Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) được ký kết giữa Iran và các cường quốc thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU). JCOPA giới hạn mức làm giàu uranium ở mức 3,67% cho các mục tiêu sản xuất năng lượng.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, việc làm giàu uranium này được Quốc hội Iran thông qua và hoàn toàn tuân thủ theo điều khoản quy định trong JCPOA. Ông Zarif ám chỉ, một số quốc gia tham gia thỏa thuận đã không tuân thủ JCPOA nên đây là một biện pháp để Iran đảo ngược tình thế, buộc tất cả các bên phải tuân thủ đầy đủ thỏa thuận.

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA và áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Iran - chính sách được biết đến với tên gọi “áp lực tối đa”. Với sự leo thang căng thẳng với Mỹ, Iran đã dần thu hẹp việc tuân thủ JCPOA để đáp trả chính quyền Tổng thống Trump.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ hết sức phức tạp, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã có cách tiếp cận đối với thỏa thuận Iran khác với ông Trump và bày tỏ mong muốn tái gia nhập thỏa thuận. Đáp lại, Chính phủ Iran bác bỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân và khẳng định rằng, thỏa thuận đã được thảo luận chi tiết từ năm 2015 nên sẽ không đàm phán lại.

Trước tuyên bố Iran làm giàu uranium lên 20%, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích Iran đang gia tăng chiến dịch hạt nhân mới. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích quyết định Iran nhằm mục đích thực chất là phát triển hạt nhân quân sự. Nhiều quốc gia cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về hành động được cho là vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Bất chấp quyết định rút khỏi JCPOA của Mỹ, từ năm 2018 đến nay, EU và các nước Pháp, Đức và Anh đã nhiều lần nhấn mạnh cam kết tuân thủ thỏa thuận này và kêu gọi Iran quay trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận.

Sau thông báo của Iran, Phát ngôn viên của EU Peter Stano đánh giá, quyết định tăng cường làm giàu uranium của Iran nếu diễn ra sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, minh chứng cho việc Iran rời bỏ JCPOA. Với những nỗ lực của mình EU vẫn luôn tin rằng, có thể bảo vệ sự tồn tại của JCPOA.

Theo giới chuyên gia chính trị, việc Iran làm giàu uranium vượt xa ngưỡng cho phép của JCPOA nhằm mục đích gia tăng áp lực buộc châu Âu phải cung cấp các biện pháp giảm nhẹ chính sách trừng phạt quốc tế mà Iran đang “gồng mình” gánh chịu.

Các chuyên gia hạt nhân của Nga từ lâu khẳng định, Iran đủ năng lực chế tạo nguyên liệu cho bom hạt nhân, bởi nước này đã từng sở hữu lượng uranium làm giàu gần 20% rất lớn khi bùng nổ căng thẳng với Mỹ năm 2006 và đã kiềm chế hiệu quả sau JCPOA năm 2015.

Ở góc độ tích cực, cộng đồng quốc tế lâu nay luôn bất an trước các hành động “phô diễn” năng lực hạt nhân vượt trội của Iran vì lo ngại Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, quan điểm xuyên suốt của Iran luôn phủ nhận việc nước Cộng hòa Hồi giáo này theo đuổi vũ khí hạt nhân, nhất là theo tín ngưỡng Hồi giáo của Iran, vũ khí hạt nhân là tội ác cấm kỵ.

Iran cũng kiên định trong việc phát triển tên lửa (không mang đầu đạn hạt nhân) và các chính sách khu vực của mình. Một số phân tích khác chỉ ra rằng, Iran đang đối mặt với nhiều áp lực gây hấn, khiêu khích để tạo cớ khơi mào xung đột vũ trang, vì vậy, Iran phải sử dụng các hành động cụ thể để tự vệ.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khoi-dau-nam-2021-quoc-te-day-song-voi-iran-post436423.html