Khởi đầu một chặng đường gập ghềnh

Đúng 23 giờ ngày 31-1, giờ London (tức 6 giờ ngày 1-2, giờ Hà Nội), Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ gắn bó nhưng cũng nhiều sóng gió kể từ năm 1973. Một cảm xúc đan xen lẫn lộn không chỉ đối với người dân Anh mà còn cả với các nước châu Âu khác khi phải nói lời tạm biệt với một thành viên trong gia đình sau gần 5 thập kỷ gắn bó.

Ở thời điểm này, Brexit không còn mang lại những căng thẳng, mệt mỏi, thay vào đó là cảm xúc buồn vui đan xen nuối tiếc. Với Thủ tướng Anh Boris Johnson và những người ủng hộ Anh ra khỏi EU, Brexit không phải là dấu chấm hết mà là một khởi đầu mới, đánh dấu thời điểm cho sự đổi mới và những hành động thay đổi đất nước. Thế nhưng, các đại sứ quán của Anh trên toàn cầu lại không tổ chức tiệc ăn mừng đánh dấu sự kiện Brexit, trong khi đồng hồ Big Ben ở London cũng không gióng lên hồi chuông ghi dấu thời khắc lịch sử như các sự kiện trọng đại khác. Trên Quảng trường Quốc hội ở London, cờ EU được treo khắp nơi, còn các tòa nhà chính phủ ở khu Whitehall được chiếu sáng để đánh dấu thời điểm Brexit… Trong một cảm xúc đầy nuối tiếc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen nghẹn ngào nói: “EU luôn yêu quý nước Anh và chúng ta sẽ không bao giờ xa cách. Chỉ trong nỗi đau của sự chia ly, chúng ta mới thấy được tình yêu sâu đậm thế nào”.

EU vốn đã quen sự có mặt của Anh kể từ khi đảo quốc sương mù chính thức là thành viên của ngôi nhà chung châu Âu ngày 1-1-1973. Tuy nhiên, cuộc sống của người Anh trong vai trò thành viên châu Âu chưa bao giờ phẳng lặng. Việc London dần dần rút ra khỏi các cơ chế hợp tác với EU như: Cơ chế tỷ giá hối đoái (ERM) năm 1992 hay Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 1997 đã chỉ ra mối quan hệ phức tạp giữa Anh và EU trong nhiều thập kỷ qua.

Cho đến năm 2016, câu hỏi về tư cách thành viên của Anh trong EU mới được chính thức đưa ra trong một cuộc trưng cầu dân ý. Gần 52% cử tri Anh đã lựa chọn “ra đi”, đưa nước Anh bước vào giai đoạn đầy khó khăn và bất ổn. Hơn 3 năm qua, các cuộc đàm phán căng thẳng giữa Anh và EU, những tranh cãi trong nội bộ Anh về Brexit khiến London lạc lối trong sương mù. Qua được màn sương ấy, nước Anh phải nhọc nhằn mới có hai cuộc tổng tuyển cử sớm để Hạ viện Anh thông qua luật cho phép nước này ra khỏi EU vào ngày 31-1-2020. Nước Anh và cả EU đã đi một chặng đường dài chông gai để tới được “hồi kết” của câu chuyện Brexit vào đêm 31-1.

Tiếc nuối hay vui mừng thì cuối cùng nước Anh vẫn phải tạm biệt EU. Kể từ 0 giờ ngày 1-2, EU và Anh bắt đầu một chương mới với tư cách là đối tác. Không có Anh, EU vẫn là một thị trường chung với 450 triệu dân-một thị trường toàn cầu thực sự. Sức mạnh kinh tế của EU cho phép khối này có vị trí đáng tự hào trên trường quốc tế và thảo luận một cách bình đẳng với các siêu cường về các vấn đề kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh và thương mại.

Với nước Anh, đây mới là đoạn đầu của một chặng đường gập ghềnh phía trước. Thủ tướng Boris Johnson có thể hoan hỉ với việc đã thực hiện lời hứa bầu cử của mình là “hoàn thành Brexit”. Nhưng chắc chắn ông Johnson cũng sẽ không được tận hưởng những giây phút thảnh thơi chiến thắng, bởi vì ngày 1-2 đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng đàm phán mới giữa Anh và EU để thống nhất về mối quan hệ tương lai.

Thủ tướng Boris Johnson từng hứa với cử tri là sẽ không kéo dài giai đoạn chuyển tiếp, nhưng trên thực tế, hai bên còn tồn tại nhiều bất đồng, bao gồm vấn đề đánh bắt hải sản, xuất khẩu xe hơi, giao dịch tài chính… Quan điểm muốn dứt bỏ hoàn toàn với châu Âu để theo đuổi mô hình phát triển mới mà Chính phủ Anh đưa ra gần đây tạo sự bất an lớn cho EU. Brussels lo ngại London phá bỏ các tiêu chuẩn về môi trường, về lao động, về chất lượng sản phẩm… để tạo ưu thế cạnh tranh. Do vậy, các đàm phán sắp tới liên quan tới vấn đề thương mại được xem là vấn đề gai góc nhất khi EU đưa ra khái niệm “sân chơi bình đẳng”, buộc London không đưa ra các tiêu chuẩn thấp hơn châu Âu để lôi kéo các đối tác thương mại trên thế giới. Chắc chắn rằng câu chuyện Brexit chưa dừng lại mà sẽ còn tiếp diễn trong cả năm 2020, thậm chí còn dài hơn nữa.

Bất luận khó khăn, thách thức thế nào, Anh và EU vẫn nỗ lực tìm cách xây dựng mối quan hệ đối tác thân thiết. Cho dù đã rời EU, Anh vẫn là một phần của châu Âu. Nước Anh vẫn cần EU và ngược lại, Brussels vẫn cần có London để đối phó và giải quyết những vấn đề “nóng” trên thế giới.

LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/khoi-dau-mot-chang-duong-gap-ghenh-608929