Khởi đầu của những đại gia công nghệ toàn cầu

Những cái tên như LG, Nokia hay Panasonic có những câu chuyện thú vị từ bước khởi đầu trong hành trình chinh phục thế giới có lẽ không phải ai cũng biết.

Là những đại gia công nghệ nhưng những doanh nghiệp lớn như LG, Nokia, Panasonic đều có những câu chuyện thú vị khi khởi đầu.

LG khởi đầu từ một loại kem mỹ phẩm

Năm 1947, nhà sáng lập Kwo In-Hwoi đặt viên gạch đầu tiên cho lịch sử của LG khi thành lập công ty công nghiệp hóa chất Lak Hui và cho ra mắt dòng sản phẩm kem mỹ phẩm cho da mặt Lak Hui. Sản phẩm này nhanh chóng trở nên đắt hàng nhờ vào chất lượng tốt dù có giá không hề rẻ vào thời điểm đó.

Tuy nhiên trong lúc doanh số của kem mỹ phẩm Lak Hui đang tăng nhanh, vấn đề xuất hiện với nắp sản phẩm khiến nhiều khách hàng phải trả lại cho công ty.

Kwo In-Hwoi quyết định sẽ sử dụng nắp nhựa mặc dù nhựa không phải là một vật liệu phổ biến tại Hàn Quốc vào những năm 50.

Năm 1952, Lak Hui mở một nhà máy sản xuất nhựa tại Busan và cho ra đời những sản phẩm gia dụng bằng nhựa đầu tiên như bàn chải tóc, bàn chải đánh răng hay chậu rửa, qua đó trở thành công ty đầu tiên tại Hàn Quốc tham gia vào lĩnh vực này.

LG khởi đầu từ bán kem đánh răng. Ảnh: LG.

LG khởi đầu từ bán kem đánh răng. Ảnh: LG.

Hai năm sau, sản phẩm kem đánh răng đầu tiên của Hàn Quốc được Lak Hui phát triển. Tiếp đến, vào năm 1956, Lak Hui trở thành công ty đầu tiên của Hàn Quốc sản xuất được ống nhựa PVC.

Bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của LG đến vào mùa thu năm 1958 khi Kwo In-Hwoi quyết định thành lập công ty Goldstar, tiền thân của LG Electronics ngày nay. Chính quyết định dấn thân vào lĩnh vực sản xuất hàng điện tử tiêu dùng này đã khiến Kwo In-Hwoi được xem như là cha đẻ của ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc. Chỉ 1 năm sau khi thành lập, Goldstar đã đưa ra thị trường chiếc radio đầu tiên của Hàn Quốc.

Thập niên 1960 chứng kiến sự nổi lên của Hàn Quốc như một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ với các kế hoạch kinh tế được triển khai một cách quyết liệt. Theo đó, Lak Hui và Goldstar cũng mở rộng các mảng kinh doanh về hóa chất và điện tử của mình, tạo ra nền tảng cho một tập đoàn công nghệ khổng lồ về sau.

Khi đài KBS lần đầu phát sóng vào tháng 12/1961, Goldstar quyết định tập trung phát triển sản xuất tivi và đến năm 1966, chiếc tivi trắng đen đầu tiên do Hàn Quốc sản xuất mang thương hiệu Goldstar ra đời.

Đồng thời trong những năm 60, Goldstar cũng liên tục ra mắt hàng loạt sản phẩm điện tử nội địa đầu tiên của Hàn Quốc như quạt máy, điện thoại bàn, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt.

Ngày 31/12/1969, nhà sáng lập Koo In-Hwoi qua đời và con trai của ông - Koo Cha-Kyung trở thành người kế nhiệm, đưa LG bước vào thời kỳ phát triển và mở rộng nhanh chóng. Từ năm 1974 cho đến năm 1983, Lak Hui đổi tên thành Lucky rồi Lucky Goldstar.

Năm 1995, Lucky Goldstar chính thức được đổi tên thành LG và vai trò lãnh đạo của tập đoàn được chuyển giao cho Koo Bon-Moo - cháu trai cả của người sáng lập tập đoàn Koo In-Hwoi.

Chủ tịch LG Koo Bon-Moo mới đây đã qua đời vào tháng 05/2018 ở tuổi 73 sau 23 năm chèo lái LG trở thành nhà sản xuất thiết bị công nghệ và hóa chất trên toàn cầu.

Nokia khởi đầu từ một xưởng làm giấy

Dù đang phải nỗ lực tìm lại ánh hào quang đã mất, Nokia vẫn luôn là một tượng đài đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới. Hành trình hơn 150 năm của Nokia lại bắt đầu từ một xưởng làm giấy.

Năm 1865, kĩ sư khai khoáng Fredik Idestam thành lập một xưởng sản xuất giấy ở tây nam Phần Lan. Lúc này, cái tên Nokia vẫn chưa xuất hiện. Khi Idestam mở khu nhà xưởng thứ hai của mình vào năm 1871 trên bờ sông Nokianvirta, ông đã quyết định đặt tên cho công ty là Nokia Ab.

Sau khoảng 3 thập kỉ, công ty bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực sản xuất điện năng.

Trong khi đó, công ty Finnish Rubber Works ra đời năm 1898 và công ty Finnish Cable Works được thành lập vào năm 1912. Năm 1918, Finnish Rubber Works mua lại Nokia Ab để tiếp tục khai thác mảng sản xuất điện năng. 4 năm, Finnish Cable Works bị thâu tóm bởi chính liên doanh non trẻ này.

Nokia khởi đầu từ làm giấy. Ảnh minh họa.

Mặc dù cả 3 công ty trên đều thuộc về một chủ sở hữu nhưng thực tế vẫn hoạt động độc lập cho đến năm 1967, thời điểm chúng chính thức được sáp nhập lại và tập đoàn Nokia ra đời. Lúc này, hoạt động sản xuất của Nokia tập trung ở 4 mảng chính là giấy, đồ điện tử, cao su và dây cáp. Danh mục sản phẩm của công ty thời kì này rất đa dạng như giấy vệ sinh, lốp xe đạp và xe hơi, giày cao su, tivi, cáp viễn thông, máy tính cá nhân, thiết bị quân sự…

Năm 1979, Nokia mở rộng hoạt động kinh doanh của mình bằng việc gia nhập liên doanh với nhà sản xuất tivi hàng đầu tại Phần Lan lúc đó là Salora để thành lập công ty điện thoại vô tuyến Mobira Oy.

Chỉ sau 2 năm, Nokia cho ra mắt mạng di động quốc tế đầu tiên trên thế giới, kết nối các quốc gia Bắc Âu Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy.

Không lâu sau, Nokia bắt đầu cho ra đời những chiếc điện thoại đầu tiên của mình như Mobira Senator, điện thoại sử dụng trong xe hơi nặng tới 10 kg hay Mobira Talkman nặng tới 5 kg.

Năm 1987, Nokia giới thiệu chiếc điện thoại nhỏ gọn đầu tiên với tên gọi Mobira Cityman có trọng lượng 800 g.

Những năm tiếp theo chứng kiến một khoảng thời gian khó khăn đối với Nokia khi lợi nhuận công ty sụt giảm nghiêm trọng do sự cạnh tranh gay gắt về giá trên thị trường điện tử tiêu dùng khiến chủ tịch công ty Kari Kairamo phải tự tử vào tháng 12/1988.

Đầu thập niên 1990, ban lãnh đạo của Nokia quyết định chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh điện thoại di động và viễn thông, đồng thời rao bán các mảng sản xuất cao su, dây cáp và hàng điện tử. Năm 1992, chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới hỗ trợ mạng GSM, Nokia 1011 ra mắt. Năm 1994, dòng điện thoại đầu tiên mang bản nhạc chuông huyền thoại Nokia ringtone, Nokia 2100 series ra đời và đánh dấu thời kì hoàng kim của Nokia trước khi thời đại smartphone đến và thay đổi mọi thứ.

Panasonic bắt đầu từ chiếc đuôi bóng đèn

Năm 1918, chàng trai trẻ 23 tuổi Konosuke Matsushita thành lập xưởng sản xuất đồ điện gia dụng Matsushita, khởi nguồn cho một thương hiệu hàng đầu thế giới vừa bước sang tuổi 100, Panasonic.

Sau một thời gian làm việc cho công ty Đèn điện Osaka, Matsushita đã nghĩ ra ý tưởng về việc thiết kế một loại đuôi bóng đèn mới. Với mong muốn tự mình hiện thực hóa ý tưởng này, xưởng sản xuất đồ điện gia dụng Matsushita ra đời trong một căn nhà thuê. Matsushita nhanh chóng mở rộng các sản phẩm của công ty, bao gồm phích cắm và đuôi bóng đèn đôi. Đến cuối năm 1918, công ty non trẻ của Matsushita đã có 20 nhân viên.

Nhờ những thành công ban đầu, đến năm 1922 công ty đã phát triển với 50 nhân viên và xây dựng được một nhà máy mới. Tuy nhiên, cuối thập niên này, ảnh hưởng của cuộc Đại suy thoái bắt đầu lan tới Nhật Bản.

Số lượng hàng tồn kho của công ty ngày một nhiều lên, nhưng Matsushita nhất quyết không sa thải một nhân viên nào mà thay vào đó cắt giảm một nửa sản xuất của công ty. Kế hoạch này giúp công ty đứng vững và tiếp tục phát triển.

Panasonic khởi đầu từ việc sản xuất đuôi bóng đèn. Ảnh minh họa.

Công ty của Matsushita tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới như radio và động cơ điện với triết lí tạo ra những sản phẩm đáng tin cậy với mức giá hợp lí. Khi công ty bắt đầu có nhiều mảng kinh doanh xoay quanh các sản phẩm riêng biệt, Matsushita quyết định hợp nhất tất cả lại và thành lập công ty Điện Công nghiệp Matsushita vào năm 1935 với 3500 nhân sự và khoảng 600 sản phẩm khác nhau.

Năm 1937, chiến tranh nổ ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc và chiến tranh thế giới thứ hai chỉ sau đó vài năm đã thay đổi mọi thứ. Lúc này, Matsushita bắt đầu sản xuất các thiết bị quân sự cho chính phủ Nhật Bản. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 08/1945 và nước Nhật phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Matsushita không nằm ngoài vòng xoáy đó. Công ty mất 32 nhà máy và cơ sở văn phòng tại Nhật Bản, trong khi các nhà máy và điểm bán ở nước ngoài bị tịch thu.

Không nản chí, Matsushita quyết tâm gây dựng lại công ty từ đống tro tàn. Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh, công ty đã dần lấy lại được vị thế của mình. Trong suốt thập niên 1950, công ty liên tục cho ra đời các sản phẩm máy giặt, tivi trắng đen, tủ lạnh, radio, nồi cơm điện, máy điều hòa và mở rộng hoạt động kinh doanh ra toàn cầu.

Năm 1961, Konosuke Matsushita quyết định từ nhiệm và con rể của ông trở thành người điều hành mới của công ty. Những năm sau đó, Matsushita đã vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế như cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu những năm 70 và dần mở rộng danh mục các sản phẩm điện tử của mình trong thập niên sau.

Đến năm 2008, công ty chính thức đổi tên từ Matsushita sang Panasonic, một trong những thương hiệu trước đó của mình. Thương hiệu Panasonic được sử dụng cho tất cả các sản phẩm của công ty kể từ đây.

Việt Đức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khoi-dau-cua-nhung-dai-gia-cong-nghe-toan-cau-post871574.html