Khởi công nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh 100.000 tấn tại Vĩnh Phúc

Sáng nay 19.5, tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc), Tập đoàn Quế Lâm đã khởi công nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với công suất 100.000 tấn/năm.

Tới dự, có các đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT; Phan Xuân Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy Khoa học Công nghệ của Quốc hội; Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Văn Vinh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm có công suất 100.000 tấn/năm.

Với định hướng chiến lược hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nông dân, Tập đoàn Quế Lâm đã tập trung vào sản xuất phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp và sản xuất, chế biến các loại nông sản hữu cơ. Qua hơn 17 năm xây dựng và phát triển, Tập Đoàn Quế Lâm trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phân bón hữu cơ trên cả nước, với hệ thống 12 công ty thành viên, trong đó có 7 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đang hoạt động, trải đều trên khắp các vùng, miền trên cả nước (miền Bắc - miền Trung - miền Nam và Tây Nguyên).

Thực hiện chiến lược mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn và đáp ứng nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng nhiều tại khu vực phía Bắc, Tập đoàn Quế Lâm quyết định khởi công xây dựng dựng Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm Biotech (nhà máy sản xuất số 2 tại Vĩnh Phúc). Nhà máy được xây dựng trên diện tích hơn 40.000 m2, với tổng công suất 100.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư hơn 260 tỷ đồng. Giai đoạn I là hơn 160 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án giai đoạn I trong vòng 12 tháng.

Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm Biotech được đầu tư bằng các công nghệ cao, hiện đại, nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm phân bón, đáp ứng tiêu chuẩn của nền nông nghiệp hữu cơ bền vững. Sau khi hoàn thành xây dựng, nhà máy được lắp đặt dây chuyền sản xuất và thiết bị, công nghệ hiện đại bậc nhất của Tập đoàn Quế Lâm, là một trong những nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ hiện đại và quy mô lớn nhất ở khu vực phía Bắc. Tất cả các dây chuyền sản xuất phân bón tại nhà máy Quế Lâm Biotech đều được tự động hóa từ khâu xử lý nguyên liệu đầu vào cho đến đóng gói thành phẩm bằng việc sử dụng robot công nghệ tiêu chuẩn châu Âu.

Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cho ra các dòng sản phẩm phân bón chất lượng cao, đặc biệt là các dòng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng có hàm lượng dinh dưỡng cao, cân đối phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau và nhiều vùng đất khác nhau, đáp ứng mọi nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong thời kỳ hội nhập kinh tế Quốc Tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi lễ.

Thúc đẩy nhanh sản xuất phân bón hữu cơ, hướng tới nền nông nghiệp sạch

“Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó 92% là phân vô cơ. Một nền sản xuất như vậy không thể cho năng suất lao động tối ưu, không thể cho nông sản sạch, không thể cho nông sản cực tốt được và quan trọng hơn không thể cho một môi trường sinh thái tốt cộng với hệ sinh thái đa dạng” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh như vậy khi dự lễ khởi công nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh do Tập đoàn Quế Lâm đầu tư tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) sáng 19/5.

Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Việt Nam là nước đi lên từ kinh tế nông nghiệp. Với điều kiện tài nguyên đất đai ít, lại nằm ở vùng chịu tổn thương lớn của biến đổi khí hậu, nhưng Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ một nước phải nhập khẩu 2 triệu tấn lương thực sang một trạng thái sản xuất nông sản đáp ứng cơ bản đầy đủ cho hơn 90 triệu dân trong nước và dành một phần để xuất khẩu - năm 2017 kim ngạch xuất khẩu đạt 36,52 tỷ USD, trở thành một quốc gia có sức sản xuất và xuất khẩu lớn trên thế giới. Chúng ta đứng thứ 18 trên thế giới về nông sản và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN. Điều này cho thấy Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp.

Để thực hiện được định hướng cơ cấu lại ngành, Bộ trưởng cho rằng có hai khâu đầu vào rất quan trọng trong nông nghiệp phải tính toán lại, đó là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. “Trong tính toán lại, định hướng tới đây chúng ta phải tăng nhanh việc sản xuất, tiêu dùng, sử dụng phân bón hữu cơ và giảm nhanh phân bón vô cơ trên cơ sở quản trị, canh tác khoa học phù hợp để có năng suất cây trồng tốt, chất lượng cao và góp phần phục hồi nhanh hệ sinh thái môi trường” – Bộ trưởng Khẳng định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, phân tích sâu về bản chất bên cạnh những thành quả thì nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức, nút thắt rất lớn. Đó là trên bình diện tổng thể, sản xuất nhỏ lẻ manh mún vẫn là chủ công của nền nông nghiệp nước ta, dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân thấp so với khu vực khác. Khi sản xuất nhỏ lẻ thì khâu quản trị đảm bảo nông nghiệp sạch, có quản trị hiện đại sẽ rất khó khăn. Việt Nam lại là 1 trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới về biến đổi khí hậu mà khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn lại chịu tổn thương lớn nhất.

Cùng với đó là xu hướng hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký 12 APTA và chúng ta đã xuất khẩu hàng hóa đi 180 nước. Nhưng ở chiều ngược lại nếu mở cửa như vậy thì chúng ta cũng phải chấp nhận cạnh tranh khi nông sản trên thế giới nhập khẩu vào Việt Nam, đó là ở những cường quốc có tài nguyên đất đai rộng lớn, có nền khoa học công nghệ tiên tiến, có rất nhiều tập đoàn quản trị giỏi. “Nền nông nghiệp Việt Nam phải chống chịu, thích ứng với điều đó. Chính vì thế, không có cách nào khác chúng ta phải tái cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp” –Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Chính vì thế, dù chỉ là khởi công một nhà máy sản xuất phân bón có quy mô không lớn, khoảng 100.000 tấn/năm và vốn đầu tư hơn 260 tỷ đồng, nhưng lại thu hút được nhiều người quan tâm từ cấp Trung ương đến địa phương tham dự. “Hoạt động khởi công nhà máy này có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng sự chuyển động về hành động trong tư tưởng tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam sang một trang mới” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lý giải.

Nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 250 lao động địa phương với mức lương trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, đóng góp vào ngân sách những năm đầu tiên khoảng 12 tỷ đồng/ năm, và từ năm thứ 10 trở đi có thể lên tới hơn 20 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nhà máy còn góp phần cải thiện môi trường nhờ thu gom, xử lý phế thải từ các trang trại chăn nuôi, cơ sở chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm để phục vụ làm nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao.

Văn Vũ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/khoi-cong-nha-may-san-xuat-phan-bon-huu-co-vi-sinh-100000-tan-tai-vinh-phuc-877289.html