Khoe clip bẫy ngàn con chim bằng lưới trong 2 năm, bắt cả đại bàng, sao chưa bị xử lý?

Để rao bán lưới, chủ kênh YouTube đăng tải nhiều clip bẫy bắt cả ngàn con chim từ năm 2018 đến nay, có cả đại bàng, nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý.

Tình trạng săn bắt chim trời ồ ạt khiến nhiều loài chim hoang dã bị sụt giảm số lượng lớn, thậm chí nhiều loài có nguy cơ bị tận diệt.

Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều tỉnh thành đã cử lực lượng chức năng dẹp bỏ, tịch thu các loại dụng cụ dùng để bẫy bắt chim di cư và xử lý người cố tình vi phạm.

Thế nhưng, hiệnchưa có chế tài xử lý rõ ràng với hành vi giăng lưới bẫy chim trời. Lực lượng kiểm lâm và công an thường chỉ tiến hành xử lý với hành vi bẫy bắt các loài chim hoang dã thuộc danh mục được quy định là động vật rừng…

Ở một số tỉnh thành này, người bẫy bắt các loài chim trời thường chỉ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính không quá nặng tay nên tình trạng này vẫn tái diễn.

Bên cạnh đó, hành động đó được tiếp tay bởi những người bán lưới và dụng cụ bẫy chim trên mạng. Điển hình là chủ fanpage và website Lưới Bẫy Chim Lâm Đồng. Chủ trang này rao bán đủ loại lưới bẫy chim bằng cước Thái với đủ kích thước và giá khá rẻ.

Theo quảng cáo thì đây cơ sở sản xuất lưới lớn bẫy chim lớn nhất Việt Nam, có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nên sản phẩm chất lượng.

Để chứng minh điều này, họ quay video dùng lưới tàng hình (loại màu đen) bẫy được cả cả trăm hay ngàn con chim rất dễ dàng rồi đăng lên kênh YouTube. Thậm chí, chim đại bàng cũng bị sa lưới.

Người ở cơ sở sản xuất lưới bẫy chim khoe ảnh bắt được đủ loại chim.

Người ở cơ sở sản xuất lưới bẫy chim khoe ảnh bắt được đủ loại chim.

Đăng clip bẫy bắt đàn cả ngàn con chim bằng lưới tàng hình.

Đến đại bàng cũng sa lưới.

Kênh YouTube đăng hơn 100 video bẫy chim từ 2018 đến nay.

Kênh YouTube Lưới Bẫy Chim Lâm Đồng có từ năm 2018 với cả trăm video liên quan đến việc bẫy bắt chim, thu hút hơn 17 triệu lượt xem. Dưới mỗi video là thông tin quảng cáo bán lưới bẫy chim kèm số điện thoại liên lạc cụ thể.

Ở phần bình luận, khá nhiều người vào hỏi mua lưới bẫy chim chứ ít ai lên án hành vi này.

Điều đáng nói là kênh YouTube này hoạt động 2 năm qua và đến nay người bán lưới bẫy bắt chim vẫn không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Vì sao?

Theo tìm hiểu của PV, những người này sống ở thị trấn Đạ Tẻh, thuộc miền núi phía tây nam tỉnh Lâm Đồng và là người dân tộc. Có lẽ vì thế mà cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý họ.

Săn bắt, mua bán đại bàng là phạm pháp

Theo ông Nguyễn Đình Cương - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, đại bàng có hai loại nằm trong phụ lục 1 và phụ lục 2 (sách đỏ) của danh mục các loài động, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Theo nghị định 32, loài chim này nằm trong nhóm 2B thuộc loài động vật quý hiếm.

Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép, không có nguồn gốc, giấy tờ loài chim này (kể cả vô tình nuôi làm cảnh) sẽ bị tịch thu và xử phạt theo nghị định 99-CP. Thực tế tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung chưa có cơ quan thẩm quyền nào cấp phép săn bắt đại bàng để tạo con giống ban đầu. Thế nên, đại bàng chưa có nguồn gốc hợp pháp để gây nuôi theo quy định của Nhà nước.

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã bắt được rất nhiều vụ buôn bán đại bàng. Tuy nhiên, do các đối tượng mua bán hoạt động lén lút, tinh vi nên việc phát hiện, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Cương, người lỡ nuôi nên đến chi cục kiểm lâm để được hướng dẫn theo đúng quy định của pháp luật.

Nhân Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-mang-c-85/khoe-clip-bay-ngan-con-chim-bang-luoi-trong-2-nam-bat-ca-dai-bang-sao-chua-bi-xu-ly-134030.html