Khốc liệt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ tại Afghanistan

Sau khi cuộc hòa đàm với phiến quân Taliban bị hủy bỏ, Quân đội Mỹ có thể tiếp tục tăng cường các hoạt động tại Afghanistan khiến cuộc chiến kéo dài suốt 18 năm qua của Mỹ tại quốc gia Nam Á này chưa có hồi kết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã hủy bỏ các cuộc hòa đàm vốn đã được lên kế hoạch với thủ lĩnh phiến quân Taliban, sau khi một binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết tại thủ đô Kabul. (Nguồn ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã hủy bỏ các cuộc hòa đàm vốn đã được lên kế hoạch với thủ lĩnh phiến quân Taliban, sau khi một binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết tại thủ đô Kabul. (Nguồn ảnh: Reuters)

Ông Trump từng hy vọng đàm phán giữa Mỹ và phiến quân Taliban với sự tham gia của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Trại David sẽ diễn ra suôn sẻ, bởi nếu như vậy, Washington có thể rút bớt binh lính khỏi cuộc chiến kéo dài đã 18 năm này.

Tuy nhiên, việc đàm phán bị hủy bỏ làm dấy lên những lo ngại về tình trạng bạo lực sẽ gia tăng trên khắp đất nước Afghanistan.

Ngày 8/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố đàm phán về một nền hòa bình cho Afghanistan sẽ bị đình hoãn và Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho binh sĩ Afghanistan cho đến khi phiến quân Taliban đưa ra những cam kết cụ thể.

Trước đó, Mỹ và Taliban đã nhất trí một dự thảo thỏa thuận. Theo dự thảo này, Mỹ có kế hoạch rút 5.000 binh sĩ và đóng cửa 5 căn cứ quân sự tại Afghanistan trong vòng 135 ngày. Đổi lại, Taliban cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố như mạng lưới quốc tế al-Qaeda hoặc phiến quân IS lợi dụng Afghanistan làm "bàn đạp" để tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Mỹ và các nước đồng minh.

Cuộc chiến tranh tại Afghanistan bắt đầu vào tháng 10/2001 với Chiến dịch Tự do Bền vững của Mỹ để đáp trả vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Mục đích của cuộc chiến này là để bắt trùm khủng bố Osama bin Laden, tiêu diệt Al-Qaeda và loại bỏ các thành phần Taliban đã cung cấp hỗ trợ và "bến cảng" an toàn cho Al-Qaeda.

Ngày 7/10/2001, sau khi Taliban nhiều lần từ chối giao nộp Osama bin Laden, Mỹ và các đồng minh bắt đầu oanh kích nhằm vào các cơ sở quân sự và các doanh trại huấn luyện quân khủng bố ở Afghanistan.

Mullah Dadullah, một chỉ huy hàng đầu của Taliban từng tổ chức nhiều vụ ám sát và bắt cóc, đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công ở tỉnh Helmand vào tháng 5/2007 do lực lượng an ninh Afghanistan, quân NATO và quân đội Mỹ phối hợp thực hiện.

Osama Bin Laden sau này bị tiêu diệt tại Abbottabad, Pakistan, năm 2011. Còn tên thủ lĩnh Taliban Mullah Muhammad Omar được xác định thiệt mạng vào ngày 24/4/2013.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại Afghanistan suốt gần 20 năm qua. Cũng trong khoảng thời gian này, phiến quân Taliban liên tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Quân đội Mỹ, lực lượng Afghanistan và cả dân thường.

Ngày 9/9 vừa qua, Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ, Tướng Kenneth McKenzie, cho biết quân đội nước này có thể đẩy nhanh tốc độ của các chiến dịch ở Afghanistan nhằm đối phó với những cuộc tấn công đang gia tăng của Taliban. Và cuộc chiến của Mỹ tại quốc gia Nam Á này vẫn chưa có hồi kết.

Các cố vấn quân sự Mỹ có mặt tại một căn cứ của Afghanistan tại tỉnh Maidan Wardak ngày 6/8/2018.

Mời độc giả xem thêm video: Con trai của trùm khủng bố Osama bin Laden đã chết (Nguồn: Fox News)

Thiên An (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/the-gioi/khoc-liet-cuoc-chien-dai-nhat-trong-lich-su-my-tai-afghanistan-1274678.html