Khốc liệt cuộc cạnh tranh thị phần thép

Tăng trưởng tiêu thụ thép đang chậm lại khi 10 tháng đầu năm 2019 tổng doanh số bán hàng nội địa của các thành viên Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) chỉ tăng 7,88%.

Sản lượng tiêu thụ thép chịu ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng thấp hơn của các hoạt động xây dựng (8,3% trong 9 tháng đầu năm 2019 so với 9,2% vào năm 2018).

Theo VSA, trong 10 tháng đầu năm 2019, toàn ngành thép trong nước đã sản xuất 20,98 triệu tấn thép (tăng 4,6%), bán được 19,17 triệu tấn.

Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu tôn mạ và ống thép đang gặp khó khăn, giảm lần lượt 21% và 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 10,2% của thị trường tôn mạ nội địa giúp tiêu thụ giảm nhẹ 4%.

Trong khi đó, nhu cầu thép xây dựng tăng nhẹ 5%, thấp hơn đáng kể so với 10 tháng đầu năm 2018 (13,8%), do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm đáng kể (6% so với 35%).

Mặt tích cực của ngành thép là sự tăng trưởng nhanh chóng của mảng thép HRC với sự tăng trưởng mạnh trong sản xuất, bán hàng và xuất khẩu (lần lượt là 25%, 27% và 59%).

Nhà sản xuất thép HRC nội địa duy nhất, Formosa Hà Tĩnh (FHS), đã cung cấp 3,44 triệu tấn cho thị trường, trong đó xuất khẩu 18%. Hiện tại, nhu cầu HRC của thị trường trong nước khá lớn, nhưng lượng sản xuất trong nước không đủ nên Việt Nam đã phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn thép loại này trong năm 2018, chiếm gần 60% tổng lượng nhập khẩu. Do chỉ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đà tăng trưởng của FHS được dự đoán sẽ kéo dài cho đến khi Tập đoàn Hòa Phát (HPG) gia nhập phân khúc.

Hòa Phát vẫn đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng.

Hòa Phát vẫn đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng.

Thị phần thép xây dựng không thay đổi nhiều khi HPG nâng cao vị thế dẫn đầu bằng cách tích lũy thêm 1% sản lượng bán của phân khúc, trong khi các đối thủ cạnh tranh chính khác vẫn duy trì mức thị phần tương tự so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, thị trường miền Nam và miền Trung chứng kiến cạnh tranh khốc liệt. Sau khi vận hành lò luyện thép đầu tiên tại khu liên hợp Dung Quất vào tháng 7 năm 2019, HPG đã tăng đáng kể sản lượng thép bán ở thị trường miền Nam và miền Trung Việt Nam, lần lượt là 91% và 50%.

Formosa Hà Tĩnh (FHS) cũng đạt mức tăng trưởng cao ở thị trường phía Nam kể từ khi bắt đầu cung cấp thép cuộn vào năm ngoái. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lợi thế của lò cao so với lò điện về chi phí là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của HPG và FHS. Bên cạnh đó, nhà máy mới của HPG tại miền Trung cũng giúp giảm chi phí vận chuyển vào miền Nam, tăng sức cạnh tranh cho thép Hòa Phát.

Theo số liệu của VSA, thị phần thép xây dựng đang được dẫn đầu bởi thép Hòa Phát với 25% thị phần; bỏ xa Pomina đứng thứ hai với 9%. Các đối thủ còn lại như Tisco, FHS, Posco nắm giữ từ 6-8% thị phần.

Trong khi đó, đã có những thay đổi đáng kể trong phân khúc tôn mạ khi thị phần Tôn Hoa Sen (HSG) đã giảm từ 34% trong cả năm 2018 xuống 30% trong 10 tháng đầu năm nay, trong khi Tôn Đông Á tăng thêm 2% thị phần.

Tuy nhiên, HSG vẫn đang đứng số 1 với 30% thị phần, bỏ xa đối thủ xếp thứ hai là Tông Đông Á (18%), tiếp theo là Thép Nam Kim (15%).

HSG gần đây có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh, ưu tiên duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp khoảng 13%, thay vì giảm giá để giành thị phần.

Còn tại thị trường ống thép, HPG đã tăng trưởng mạnh mẽ để giành thêm 3% thị phần và vẫn đứng đầu với 31% về thị phần, theo sau là HSG (16%) và thép Minh Ngọc (9%).

Hiền Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/khoc-liet-cuoc-canh-tranh-thi-phan-thep-post322065.info