Khốc liệt cạnh tranh nhân lực hàng không

Cùng với sự ra đời các hãng hàng không mới, gia tăng đội tàu bay, các hãng đã phải cạnh tranh lôi kéo nhân lực của nhau, đặc biệt với phi công và kỹ thuật viên người Việt. Trong khi khả năng tự đào tạo phi công trong nước vẫn gặp nhiều rào cản.

Mỗi khi có hãng hàng không mới ra đời, hay khi một lô máy bay mới được bàn giao cho phía Việt Nam, câu chuyện lôi kéo phi công giữa các hãng hàng không lại diễn ra khốc liệt. Đặc biệt là với phi công người Việt. Điều này đã ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của các hãng hàng không. Tuy vậy, việc đào tạo phi công trong nước gặp không ít khó khăn, vướng mắc ngay từ luật. Luật Hàng không chủ yếu quy định về khai thác hàng không thương mại, các chính sách, quy định cho đào tạo phi công chưa đầy đủ, rõ ràng…

Như Tiền Phong đã phản ánh qua loạt bài viết “Loay hoay đào tạo phi công trong nước” (khởi đăng ngày 8/7 vừa qua), hiện tại Việt Nam đã có không ít đề án mở trường đào tạo phi công dân dụng, đào tạo huấn luyện bay thực hành trong nước. Đề án đầu tiên được triển khai từ những năm 1995. Tuy nhiên, tới nay dù một số tàu bay huấn luyện đã nhập về nhưng chưa thể cất cánh, do vướng quy định. Chỉ duy nhất Trường Phi công Bay Việt đào tạo được một phần lý thuyết trong nước, còn phần thực hành bay vẫn phải ra nước ngoài.

Mới đây nhất, Tập đoàn Vingroup cũng thông báo đã ký thỏa thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy (Canada) để thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Central) tại Việt Nam. Với mục tiêu mỗi năm sẽ cung cấp 400 phi công và kỹ thuật viên tàu bay. Dự kiến, các trường này sẽ tuyển sinh trong tháng 8 tới.

Cục Hàng không (Bộ GTVT) cũng thừa nhận, hiện các cơ sở đào tạo phi công của Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để đào tạo độc lập (phải hợp tác với cơ sở đào tạo nước ngoài). Điều này do hệ thống chính sách đào tạo nhân lực hàng không vẫn còn những bất cập và chưa tạo được động lực đủ mạnh để người sử dụng lao động, người lao động quan tâm.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu về phi công người Việt, Cục Hàng không đã kiến nghị Bộ GTVT có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức xây dựng trường đào tạo phi công tại Việt Nam. Đặc biệt, phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý vùng trời, tạo điều kiện cho hoạt động bay huấn luyện hàng không dân dụng.

5 hãng hàng không Việt Nam hiện tại có 183 tàu bay, sử dụng 2.230 phi công, trong đó có 1.157 phi công người Việt. Trong đó, Vietnam Airlines có tỷ lệ phi công người Việt cao nhất (chiếm hơn 75%). Các hãng còn lại tỷ lệ phi công người Việt ít hơn. Cục Hàng không tính toán, tới năm 2025, Việt Nam cần trên 3.500 phi công (tăng thêm hơn 1.200 phi công so với hiện nay).

Không chỉ thiếu nhân lực phi công người Việt đáp ứng nhu cầu cho các hãng hàng không, mà nhân lực của Cục Hàng không để giám sát hoạt động này cũng thiếu. Tháng 4 vừa qua, khi một hãng hàng không xin được tăng số lượng tàu bay khai thác từ 10 chiếc lên 40 chiếc trong năm 2019, Cục Hàng không đã phải “kêu khó”, khi nhân lực giám sát an toàn của cơ quan này chỉ đủ giám sát 256 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam.

Phạm Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/khoc-liet-canh-tranh-nhan-luc-hang-khong-1441688.tpo