Khóc giữa rừng keo

Chỉ sau một trận cuồng phong, hơn cả trăm nghìn ha rừng ngã rạp, gãy đổ tơi bời. Trắng tay sau bão, người trồng rừng nuốt nước mắt chặt keo làm củi.

Khóc giữa rừng keo

Chúng tôi về cánh rừng Trũng Đèo, dưới chân đèo Eo Gió, thuộc xã Hành Đức (Nghĩa Hành), cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là rừng keo gãy đổ la liệt. Nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt từng chủ rừng. Sau một trận cuồng phong, họ nuốt nước mắt chặt keo về làm củi.

Gần 4 ngày bão số 9 đi qua, ông Lê Văn Giới, ở thôn Kỳ Thọ Nam 1, xã Hành Đức vẫn chưa hết buồn rầu vì những thiệt hại do bão số 9 gây ra.

Ngôi nhà bị tốc mái đã buồn ông thêm não ruột khi 4 ha rừng keo nguyên liệu 3 năm tuổi của gia đình bị bão quật đổ la liệt. Nếu không gặp bão, 2 năm nữa, ông Giới thu về được 300 triệu đồng.

Ông Giới mất trắng 150 triệu đồng vì 4 ha keo ngã đổ la liệt.

“Nhà bị tốc mái thì từ từ vài hôm nữa có ngói mua về lợp còn keo ngã đổ có nước chặt về làm củi. Keo 3 năm còn quá nhỏ, bán không ai mua, cho không ai lấy. Không vớt vát được đồng nào, mất sạch, tui mất trắng 150 triệu đồng” - ông Giới rầu rĩ nói.

Rừng keo của gia đình ông Lê Văn Khanh, em ruột ông Giới cũng gãy tơi tả, mất trắng 50 triệu đồng. Ông Khanh cho biết, 90% diện tích rừng keo của bà con nơi đây không thể vớt vát được sau bão vì keo mới trồng 2-3 năm.

“Keo trồng 2 năm mới to bằng cổ tay, đốn bỏ làm củi chứ bán không ai mua. Không biết lấy tiền đâu thuê người chặt phá dọn rồi tiền đâu bỏ ra 40-50 triệu đồng trồng lại?” - ông Khanh than thở.

Buổi sáng bão số 9 hoành hoành, nhìn qua ô cửa kính, từng gốc cây keo của gia đình trong vườn nhà bật gốc, rào rào đổ xuống, lòng anh Nguyễn Ngọc Ân, người cùng thôn với ông Giới, anh Khanh như thắt lại. Bởi nó là tài sản rất lớn với một gia đình ở nông thôn như gia đình anh.

Gần 6 ha rừng keo của gia đình anh Ân bị ngã đổ

Anh Ân nay 47 tuổi, bố anh 78 tuổi bảo hồi giờ chứng kiến một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp như vậy. An toàn tính mạng là vô giá, nhưng tài sản cũng rất quý. Với 6 ha keo ấy, nếu không có bão, 2 năm nữa anh Ân có thể thu được hơn 400 đến 500 triệu đồng.

Anh Ân thở dài: “Bão vừa đi, chạy ra tôi khóc giữa rừng keo. Qua nay kêu mấy người buôn để bán gỡ gạc kiếm ít đồng, họ bảo chưa có điện, nhà máy chưa hoạt động. Đắt rẻ gì cũng thu hoạch bán kiếm ít đồng lấy tiền sửa lại cái nhà bị bão bay hết ngói, tôn”.

Nghiêm cấm doanh nghiệp liên kết ép giá nông dân

Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Lê Văn Nhu cho biết, cơn bão số 9 đã gây thiệt hại lớn với diện tích rừng của huyện. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có khoảng 4.500 ha rừng bị thiệt hại do bão số 9, tỷ lệ thiệt hại từ 50-70%, một số diện tích thiệt hại đến 100%.

Hơn 105.900 ha rừng các loại trong tỉnh bị thiệt hại.

Không chỉ ở huyện Nghĩa Hành mà nhiều diện tích rừng ở các địa phương khác đều bị thiệt hại nặng nề do bão số 9. Đến thời điểm này, theo thống kê đã có hơn 105.900 ha rừng trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do bão số 9, trong đó rừng nhà nước đầu tư là 60.000 ha, rừng của dân là trên 45.000 ha và rừng phòng hộ ven biển là 900 ha.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Hân, hiện sở đang yêu cầu các địa phương tiếp tục thống kê lại toàn bộ diện tích rừng bị thiệt hại để tổng hợp gửi UBND tỉnh, đề xuất hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Trước thiệt hại nặng nề do bão gây ra cho người trồng rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã giao cho Sở KH&ĐT kiểm tra ngay việc các doanh nghiệp liên kết ép dân hạ giá gỗ keo.

“Nếu doanh nghiệp nào cố tình lợi dụng keo ngã đổ ép dân hạ giá keo nguyên liệu là không chấp nhận, phải xử lý nghiêm” – Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nói.

Bài, ảnh: A.KIỀU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202011/khoc-giua-rung-keo-3028829/