Khóc cười nghề chăm sóc, 'buôn chuyện' với bà đẻ

Chăm sóc, làm đẹp sau sinh đã trở thành một dịch vụ được các sản phụ có điều kiện tài chính chào đón. Người làm công việc chăm sóc, làm đẹp cho sản phụ cũng có nhiều niềm vui và vất vả riêng mà không mấy ai thấu hiểu.

“Run” khi lần đầu tiên matxa cho mẹ sau sinh

Cứ tưởng chăm sóc sau sinh “dễ như ăn cháo”, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nhưng kỳ thực không phải như vậy. Công việc này không chỉ cần kiến thức y tế mà còn cần sự kiên nhẫn tuyệt đối.

Có kinh nghiệm chăm sóc sau sinh tại Hà Nội 6 năm nay, chị Chu Thùy Dung vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên đi làm nghề. “Ngày đầu tiên vào công ty cảm giác rất sợ vì trước mặt công ty…bao nhiêu nhà nghỉ. Có kiến thức y học, được đào tạo rất kỹ vậy mà lần đầu tiên nhận nhiệm vụ tới nhà chăm sóc, matxa cho mẹ sau sinh cảm giác rất run”, chị Thùy Dung nhớ lại.

Thời điểm đó, chị Dung chưa có gia đình nên lại càng bỡ ngỡ với công việc mới mẻ này. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, kiên nhẫn và ham học hỏi, chị đã theo nghề được 6 năm nay và trở thành một nhân viên “cứng” tại công ty. Trong lúc chăm sóc cho khách, chị hiểu được những vấn đề mẹ sau sinh gặp phải. Trong đó, nỗi ám ảnh lớn nhất của sản phụ miền Bắc chính là kiêng cữ quá khủng khiếp và không có sẻ chia từ chồng.

Vượt qua nỗi buồn bực, tủi thân

Chia sẻ với PV Em Đẹp, chị Trần Thanh Ngọc, người đặt nền móng cho dịch vụ chăm sóc và làm đẹp sau sinh đầu tiên tại Việt Nam cũng khẳng định bản thân chị không tránh khỏi cảm giác buồn bực, tủi thân trong suốt hai năm đầu gắn bó với nghiệp chăm sóc “bà đẻ”.

Từ một cô sinh viên đam mê với cỏ cây, hoa lá, nhờ cái duyên gặp được bà mụ có kinh nghiệm hơn 30 năm chăm sóc sản phụ tại Huế, chị quyết định khởi nghiệp nghề chăm sóc– một lĩnh vực còn hết sức lạ lẫm vào thời điểm 2009.

Chị Trần Thanh Ngọc từng nhiều lần cảm thấy tủi thân vì định kiến của các gia đình về công việc chăm sóc sau sinh. Ảnh: NVCC

“Người Huế chăm sóc sản phụ sau sinh với quan điểm người phụ nữ được chăm sóc tốt thì con họ sẽ hạnh phúc. Khi đó, tôi cảm thấy rất kỳ lạ, điều này đối lập hoàn toàn với người miền Bắc, mọi thứ đều tập trung vào em bé. Còn phụ nữ sau sinh chỉ là “con bò sữa”. Cộng với những quan niệm, kiêng cữ cổ hủ, chị em bị ảnh hưởng tiêu cực cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Vì thế, tôi muốn các bà mẹ sau sinh được hồi phục vóc dáng, trị liệu tinh thần dựa trên kiến thức chăm sóc sức khỏe của y học cổ truyền, cụ thể là các bí quyết làm đẹp từ cung đình Huế xưa.

Suốt hai năm đầu tiên tự mình tới các gia đình chăm sóc sản phụ sau sinh, tôi phải đấu tranh khá nhiều với các mẹ, các bà mẹ. Vì mọi người quan niệm không nên đụng tới sản phụ trong thời kỳ kiêng cữ. Bản thân mình lại quá trẻ, chưa có gia đình, trong khi khách hàng đa phần là gia đình giàu có. Để thay đổi quan niệm đã ăn sâu vào các thế hệ người Việt bao đời nay không phải điều dễ dàng. Nhưng nếu sợ khó, sợ thất bại, tôi đã không bắt đầu”, chị Ngọc nói.

Thời gian đầu khi thành lập dịch vụ chăm sóc sau sinh, vấn đề nhân sự cũng khiến chị khá “đau đầu”. Quy trình chăm sóc, làm đẹp, matxa cho mẹ sau sinh hoàn toàn khác so với quy trình matxa, làm đẹp cho người bình thường.

Chính vì thế, chị chỉ tuyển người làm nghề là nữ hộ sinh, y tá, điều dưỡng chứ không thể tuyển lao động phổ thông hoặc từ nhân viên spa chuyển sang.

Dẫu vậy, nhận thức của không ít khách hàng về người làm nghề này chỉ như một nhân viên matxa thông thường. Bản thân chị Ngọc cũng từng cảm thấy rất tủi thân, buồn bực vì bị gia đình sản phụ “nhìn bằng nửa con mắt”, coi là dịch vụ cấp thấp.

Thời gian đầu các chị em điều dưỡng nghỉ việc nhiều vì thấy nghề này không có tương lai. Họ muốn được đi chữa bệnh, thay vì lao động chân tay. Mười năm là khoảng thời gian khá dài để chị thay đổi nhận thức của khách hàng về dịch vụ chăm sóc sau sinh.

“Niềm vui của chị em làm nghề là đem đến niềm vui cho mẹ sau sinh. Bởi làm nghề cũng là lúc chúng tôi được mẹ sau sinh trút bầu tâm sự về chuyện con cái, gia đình. Khi đó, người mẹ cảm giác hạnh phúc hơn vì có thêm người bầu bạn, chăm sóc trong lúc ở cữ”, chị Thanh Ngọc bộc bạch.

Thu Hà

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/nhip-song/khoc-cuoi-nghe-cham-soc-buon-chuyen-voi-ba-de-20180910120753136.htm