Khóc cha - khóc nợ

Mỗi khi có người qua đời, người Mông thường tổ chức lễ tang 5 - 7 ngày, mỗi ngày đều phải mổ bò, trâu hoặc lợn Ma người kéo theo ma trâu, bò, lợn. Không có tiền, gia chủ phải đi vay.

Ở Việt Nam, người Mông cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền núi cao phía Bắc: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng…Với số dân hơn 1.000.000 người, dân tộc Mông đứng thứ 4 trong bảng thống kê quy mô dân số các dân tộc thiểu số và có mặt trong nhóm có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất (tới gần 70%, tức là 2/3 dân số là nghèo và cận nghèo). Nguyên nhân nghèo được chính người Mông lý giải: một phần lớn do hủ tục.

Mỗi khi có người qua đời, người Mông thường tổ chức lễ tang 5 - 7 ngày, mỗi ngày đều phải mổ bò, trâu hoặc lợn Ma người kéo theo ma trâu, bò, lợn. Không có tiền, gia chủ phải đi vay. Sau tang ma, những người ở lại phải bán đất, bán ruộng, bán tất cả những thứ có thể bán nhưng nhiều khi vẫn không đủ trả nợ. Và khoản nợ lớn cứ đeo bám họ, từ từ đời này sang đời khác, như một “món nợ đồng lần”. Trước tình trạng đó, một số người Mông đã dũng cảm cắt đứt với hủ tục, bất chấp những nghi kỵ gièm pha để vươn lên phát triển kinh tế.

Nhóm phóng viên Đài TNVN đã tìm gặp những phận đời đang chịu bao khổ đau, đói nghèo vì hủ tục và cả người đã dám bất chấp những nghi kỵ gièm pha để làm giàu trên mảnh đất của cha ông. Một tấm gương, một lối thoát cho những câu chuyện đầy ám ảnh.

Vợ con khóc thương Tráng A Pủa

Vợ con khóc thương Tráng A Pủa

“Người Mông chúng tôi vừa khóc cha vừa khóc nợ”. Câu nói đầy ám ảnh của một bạn trẻ người Mông ở Sơn La thôi thúc chúng tôi tìm đến những bản làng của người Mông chênh vênh trên những triền núi cao phía Bắc. Đằng sau những đám tang tổ chức linh đình 5 đến 7 ngày là những câu chuyện, những hình ảnh đau lòng: nghèo đói, nợ nần, bất lực và kiệt quệ. Sau tang ma, những người ở lại phải bán đất, bán ruộng, bán tất cả những thứ có thể bán nhưng nhiều khi vẫn không đủ trả nợ. Và khoản nợ lớn cứ đeo bám họ, từ đời này sang đời khác, như một “món nợ đồng lần”.

Đám tang của ông Tráng A Pủa, bản Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Rất đông người nhà và dân làng đến giúp. Thầy khèn Tráng A Lứ làm chủ lễ.

“Người trưởng ma tức là trưởng tang. Ông ấy công bố với người chết “sống là làm người, chết thì làm ma”. Thế là cái sợi lanh ấy căng từ cái mũi con trâu ấy đặt vào bàn tay phải của người chết. Sau đấy người ta mới nói là đã giao cho ông một con trâu. Chặt đứt sợi dây này thì người ta mới mổ con trâu đó”- Thầy khèn Tráng A Lứ giải thích- “Người Mông khi chết đi có quyền có 1 con trâu hoặc 1 con bò đi sang âm phủ. Có con trai con dâu rồi thì đều thêm con thứ 2. Cũng có gia đình đẻ 4, 5 con trai thì người ta đều có 4, 5 con. Trâu là trâu to đấy nhé”.

Người đau buồn cứ đau buồn- người mổ heo cứ mổ

Mọi công việc vẫn tấp nập bên phía ngoài nhà Trong ảnh là Nhóm đàn ông chuẩn bị cáng treo người chết

Khi PV hỏi, đây là con lợn thứ mấy mổ trong đám tang, hàng xóm xung quanh đến giúp cho nhà đám đều thừa nhận, hủ tục này nặng nề thực sự, nhưng không thể làm giảm nhẹ đi được. Mí Cho bảo: “1 ngày người ta ăn 3 bữa cơm, mỗi bữa cơm phải mổ 1 con. Ở đây, người chết 5 đến 7 ngày thì phải mổ hai mươi mấy con. Thật sự là quá nặng nề”. Chị Hảng Thị Say lý giải: “Bố mẹ cũng chỉ chết 1 lần thôi, có chết nhiều lần đâu mà phải tiếc. Không có thì góp tiền mà làm, không thì anh em cho vay. Phong tục rồi, không thể thoát rồi”. Còn thầy khèn Tráng A Lứ kể: “Các cụ bảo, bố mẹ chúng mày có công đẻ chúng mày mà chúng mày lại để bố mẹ chúng mày chết mà không được như bố mẹ người khác à. Thế bây giờ chúng tao bắt chúng mày đi buộc ở cái cọc ấy như con trâu, con bò ý”.

Nhà Tráng A Pủa một tuần sau đám tang. Hôm nay chỉ có vợ và các con đang chuẩn bị lo làm lễ ma khô cho A Pủa sẽ diễn ra vào tuần sau. (Ma khô là nghi lễ cuối cùng của người Mông dành cho người đã chết. Sau đám ma khô này thì người Mông không tổ chức giỗ nữa).

Người mổ heo mang vào tận nơi người chết nằm (PV Giàng Seo Pùa (có dấu chỉ đỏ trên đầu) đứng bên đám đông khóc người chết)

Người thân vừa khóc người mất vừa lo đống nợ còn chồng chất

Bà Giàng Thị Mi- vợ A Pủa vừa khóc chồng xong, giờ lại đang khóc nợ: “Tất cả là đi vay đủ trăm triệu, mua trâu, mua lợn, 10 triệu nhà bác giúp không tính lãi. 50 triệu thì tính lãi 2,5% 1 tháng, một tháng lãi 1 triệu rưỡi, chưa kể mấy chục triệu vay ngân hàng nữa, lãi suất 0.8%, mỗi tháng trả lãi 400.000. Cả hai chỗ vay thì mỗi tháng trả lãi 2 triệu đồng một tháng”.

Nhà có 3 đám nương, bán gần hết rồi mà không thể trả hết nợ, Tráng A Khư- con trai cả của Tráng A Pủa chưa biết làm gì để trả nợ, bởi gia đình hiện tại không có nguồn thu nhập nào, mẹ Khư- tức bà Giàng Thị Mi- cặm cụi suốt ngày trồng đậu, trồng đỗ tương, nhưng do dịch bệnh Covid giá bán chỉ được 2 nghìn đồng 1 cân, biết bao giờ mới đủ trả nợ lo đám tang cho bố?

“Con của em mới 8 tháng thôi. Bố mất trong nhà không có gì, em phải đi mua lợn về làm theo phong tục, số tiền mua lợn đã hết 20 triệu rồi, tiền mua con trâu là hết 40 triệu. Còn nhiều thứ linh tinh nữa. Em thì không có công việc làm thuê ổn định. Có ngày đi làm nương, có ngày đi phụ xây. Mẹ thì bây giờ ở nhà trông trông con hộ em thôi”- A Khư thở dài.

Cuộc trò chuyện của PV chương trình với mẹ con chị Mi dường như không tìm ra lối thoát:

- Bố ốm cũng mất nhiều tiền lắm. Người dân tộc của em thì kể cả có đi viện rồi, vẫn phải cúng ở nhà nữa, tốn kém nhiều lắm

- Có phải mổ nhiều lợn, gà gì nhiều không?

- Bò thì không mổ nhưng mà mỗi lễ cúng đấy phải mổ 1 con lợn, trung bình 1 lần cúng khoảng 3 triệu. Trước lúc bố mất là phải hơn 10 lễ cúng.

- 10 lễ cúng?

- Vâng. ....Sau em bây giờ còn 2 em nữa, một em thì vừa học xong lớp 5, một em học xong mẫu giáo lớn nhưng mẹ bảo không cho đi học nữa, mẹ bảo hoàn cảnh khó khăn lắm.

Khi nợ đồng lần khiến cả gia đình kiệt quệ

Sau tang ma chỉ còn lại nghèo đói và nợ nần. Đó không chỉ là tình cảnh của người Mông ở Vân Hồ, Sơn La mà còn là câu chuyện chung của đồng bào Mông ở một số tỉnh phía bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang... Chính hủ tục này đã góp phần làm cho 2/3 trên tổng số 1 triệu người Mông miền núi phía Bắc Việt Nam phải sống trong nghèo khổ.

Hôm nay, nhà chị Chúa dân tộc Mông ở xóm Khuổi Pụt, thôn Bản Ngàn, xã Kim Linh- Vị Xuyên- Hà Giang có khách đến thăm. Ông Triệu Văn Nhu, Phó Chủ tịch xã, dẫn một nhà hảo tâm đến khảo sát để cùng xã giúp chị Chúa dựng lại căn nhà.

Chỉ vào căn nhà dựng bằng mấy tấm nứa xiêu vẹo, ông Nhu nói: “Sau đám ma cả chồng và con gái nhỏ nhất thì giờ gia đình chị Chúa rất khó khăn. Chị nhìn xem, cái tường với vách này toàn là bưng bằng phên, nứa với ván mục, cũ hết rồi. Bây giờ chị Chúa còn phải nuôi 5 người con nữa.

Góc bếp nhà chị Chúa ít khi đỏ lửa cho 1 bữa cơm tươm tất

Trò chuyện với PV Giàng Pùa bằng tiếng Mông, người mẹ khốn khổ cho biết cả 30 triệu tiền làm đám ma đều phải đi vay, giờ con cái phải cho nghỉ học hết, chẳng biết làm thế nào, chị Chúa phó mặc cho số phận, mưa ướt đến đâu thì rát mặt đến đó.

Ông Triệu Văn Nhu cho hay, chính quyền xã đã vận động, tuyên truyền nhiều, cũng đưa vào hương ước của làng bản, nhưng tập tục lạc hậu này của người Mông khó bỏ: “Khi đi vận động, bảo là mổ nhiều trâu, bò lợn gà như thế thì sẽ thiệt hại về kinh tế gia đình, người dân trả lời: Cái này là quy định của phong tục tập quán rồi, bây giờ không thể bỏ được. Bỏ thì nó bảo là người chết kia ấy, sang bên kia cái tâm linh của nó là không được đầy đủ. Ý là như vậy, thì bắt buộc phải có mổ Trâu và phải có lợn”.

Tang ma kéo theo nợ nần, là một phần nguyên nhân khiến xã Kim Linh vẫn còn 2 thôn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 60-70%. Hộ người Mông như nhà chị Chúa trên địa bàn xã không phải là hiếm.

Ngay cả thầy khèn Tráng A Lứ (nhân vật nhắc tới từ đầu câu chuyện), là cán bộ về hưu, khi bố mẹ mất cũng mạnh dạn cho vào quan tài (người Mông không cho người chết vào quan tài), bị dòng họ từ mặt 3 năm, không cho nhập vào cúng giải hạn. Lý do ông Trưởng dòng họ đưa ra là: “Các ông khác đi một đường mới, ông đi hoang rồi, ông không phải chúng tôi nữa. Tôi nước mắt mới trào ra. Bà vợ tôi khóc nhiều. Tôi phải quỳ đấy. Quỳ các ông trưởng dòng họ, phó trưởng dòng họ. Thế thì họ mới thôi đấy. Cũng đồng ý là “thôi, nếu ông Lứ đã quỳ rồi, đã xin rồi. Còn nếu ông Lứ không nhận họ, chúng tôi không bắt buộc. Mà ông Lứ cứ đi theo cái vừa rồi như đã làm cho bố mẹ thì ông Lứ cứ đi một đường khác đi mà không phải chúng tôi nữa”- Nhắc lại chuyện cũ, ông Lứ đau xót thừa nhận- “Đến tận cùng, quả tình tôi không làm gì được”.

Người Mông quan niệm: Người chết phải được làm ma trâu, ma bò mới không bị người đời khinh thường, con cháu mới không bị ốm đau bệnh tật, mới chứng tỏ được tấm lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ liệu có đúng thực tế? Tráng A Chu - một thanh niên trẻ người Mông ở Vân Hồ, Sơn La đã dũng cảm chứng minh điều ngược lại.

“Bố A Chu mất, A Chu không làm theo phong tục buộc lên cáng ky mà cho bố vào áo quan. A Chu cũng không mổ nhiều trâu, bò và lợn. Các ông chú, ông trưởng dòng họ bảo “Mày không phải là người của dòng họ này rồi. Mày muốn đi con đường mới của mày rồi. Họ tẩy chay 3 năm không cho tham gia các nghi lễ của dòng họ như lễ tu su” (PV- Đây là lễ báo hiếu, giải hạn của dòng họ Tráng, một lễ lớn trong năm của cả dòng họ).

Vợ chồng A Chu nhờ mạnh dạn vượt qua hủ tục đã có được 1 cơ ngơi khang trang (Trong ảnh là Nhóm tác giả thực hiện tác phẩm cùng 2 vợ chồng bên homestay nhà A Chu)

Sau khi bị tẩy chay, để được dòng họ công nhận trở lại, A Chu đã cố gắng đi học để có kiến thức, phát triển kinh tế, không để bị đói nghèo, họ nhìn thấy thế họ mới không khinh thường. Bởi từ xưa người Mông quan niệm, bố mẹ chết mà không mổ nhiều trâu, bò thì con cái sẽ bị gặp tai nạn, nghèo đói, hoặc hay bị ốm đau”.

Thế nhưng đến bây giờ A Chu không những khỏe mạnh mà còn có một cơ ngơi là một khu homestay nổi tiếng nhất ở vùng này, có bị người ta khinh nữa không?

Bây giờ thì họ đã công nhận là mình cũng có cái đúng, có cái tiến bộ. Những gì tốt đẹp về phong tục tâp quán thì phải gìn giữ và phát huy, còn cái gì đã cũ, đã lạc hậu mà gây thiệt hại nhiều hơn thì ta bỏ.

Homestay nhà A Chu nằm giữa không gian xanh mướt, vào mùa hoa quả nở rộ, du khách ngồi bên chiếc cối xay mèn mén, cảm giác như được ở trong rừng, nghe tiếng chim và tiếng ve sầu đua nhau hót. Anh Tuấn Anh, một du khách đang ở homestay A Chu, cảm nhận: “Ngay lúc bước chân vào mình đã thấy rất là khác biệt so với những nơi mình từng đến. Nó giữ những nét hoang sơ và nét văn hóa xưa của người Mông. Những cây đào, gốc đào, mái lá nhà sàn. Khi vào thì thấy deco trang trí rất là đẹp, yên tĩnh, không gian yên bình.

Buổi tối ở homestay, A Chu làm MC dẫn chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”, sân khấu chính là mảnh sân trước nhà, khán giả là những vị khách đang nghỉ ở nhà A Chu. Và những người biểu diễn là vợ, con, chị em của A Chu.

A Chu giờ đã quên câu chuyện buồn của mình, bởi anh tâm niệm: “Đồng bào người Mông cho rằng mổ trâu, mổ bò nhiều trong đám tang là để báo hiếu cha mẹ, nhưng mình nghĩ, mình thương bố mẹ thì khi bố mẹ còn sống mình chăm sóc bố mẹ đi, cho bố mẹ ăn ngon đi đấy mới là lòng báo hiếu. A Chu tin vào lứa trẻ. Chỉ có lứa trẻ người Mông thay đổi được chính thân phận của người Mông thôi”.

Giữa trưa nắng chẳng kịp nghỉ ngơi, chị Chúa- người mẹ của 5 đứa con xúc bát mèn mén chan với nước rau cải luộc ăn vội vàng. Quẩy tấu quàng lên vai, chị tất tả bước đi phía cánh rừng xa.....và khi trở về, trên đôi vai gầy guộc mỏng manh ấy lại cõng theo những củ mài, củ sắn, những bó rau rừng để cho 6 mẹ con chống đói qua ngày:

“Ôi, không biết bao giờ mới qua được kiếp khổ này. Cái khổ nhiều quá rồi, không biết làm gì nữa. Thôi thì kiếp nạn kệ nó đến đâu thì đến thôi”- Chị Chúa ngửa mặt lên trời kêu than./.

Nhóm phóng viên/VOV4

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/khoc-cha-khoc-no-863193.vov