Khoảnh khắc phi hành gia Trung Quốc lên trạm vũ trụ Thiên Cung

Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đưa phi hành gia lên trạm vụ trụ của riêng họ.

Ba phi hành gia Trung Quốc lên trạm vũ trụ Thiên Cung

Ba phi hành gia Trung Quốc lên trạm vũ trụ Thiên Cung

Tàu Thần Châu 12 ghép nối với mô đun Thiên Hà đưa 3 phi hành gia Trung Quốc lên quỹ đạo thành công.

Ba phi hành gia Trung Quốc gồm chỉ huy Nie Haisheng, 56 tuổi, Liu Boming 54 tuổi và Tang Hongbo 45 tuổi, đã bước vào bên trong Trạm vũ trụ Thiên Cung, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong sứ mệnh khám phá không gian của Trung Quốc.

Đi đầu là chỉ huy Nie Haisheng, theo sau là Liu Boming và Tang Hongbo mở cửa sập và trôi vào mô đun Thiên Hà 1. Hình ảnh gửi về Trái Đất cho thấy họ đang bận rộn với công việc tháo dỡ thiết bị.

Tàu Thần Châu 12 kết nối với mô đun Thiên Hà của Trạm vũ trụ Thiên Cung khoảng 6 giờ sau khi cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở rìa sa mạc Gobi, Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc

Phi hành đoàn sẽ tiến hành thí nghiệm, kiểm tra thiết bị, thực hiện bảo dưỡng và chuẩn bị tiếp nhận hai mô đun thí nghiệm vào năm sau. Nhiệm vụ nâng số phi hành gia Trung Quốc bay vào không gian từ năm 2003 lên 14 người.

Được biết, tên lửa Trường Chinh 2F chở tàu Thần Châu 12 rời khỏi bệ phóng, sau đó khoảng 2 phút động cơ đẩy tách khỏi tên lửa. Sau 10 phút, tàu Thần Châu 12 tách khỏi tầng trên của tên lửa, mở tấm pin Mặt Trời và tiến vào quỹ đạo. Nhiều điều chỉnh diễn ra trong 6 tiếng tiếp theo để tàu vũ trụ ghép nối với mô đun Thiên Hà.

Gao Xu, Phó giám đốc thiết kế sứ mệnh, cho biết thời gian di chuyển rút ngắn từ hai ngày, kết quả có được là do nhiều đột phá và sáng kiến công nghệ. Ông nói: "Các phi hành gian có thể nghỉ ngơi thoải mái trong không gian, điều này giúp họ bớt mệt mỏi hơn rất nhiều".

Ngoài ra còn có nhiều cải tiến khác bao gồm gia tăng số lượng hệ thống tự động và điều khiển từ xa, làm giảm đáng kể áp lực lên các phi hành gia.

Trước đó, tàu thăm dò Thiên Vấn-1 và robot thám hiểm sao Hỏa tự hành đầu tiên của Trung Quốc mang tên Chúc Dung, đã hạ cánh thành công xuống bề mặt hành tinh đỏ

Nhiệm vụ của Thiên Vấn-1 là đáp tàu đổ bộ mang theo robot tự hành xuống bề mặt sao Hỏa để thu thập dữ liệu về nguồn nước ngầm, tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ xưa trên hành tinh đỏ. Robot Chúc Dung hoạt động bằng năng lượng mặt trời sẽ tìm kiếm dữ liệu về đất đá và bầu khí quyển sao Hỏa.

Hoàng Dung (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-la/khoanh-khac-phi-hanh-gia-trung-quoc-len-tram-vu-tru-thien-cung-287700.html