Khoảnh khắc của U.23 Việt Nam được đưa vào tranh Đông Hồ đương đại

Hình ảnh đẹp nhất của trận chung kết giải Vô địch bóng đá U.23 Châu Á vừa qua, hình ảnh lịch sử của nền bóng đá Việt Nam, của niềm tự hào dân tộc, đã được họa sĩ Phạm Quang Phúc và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chung tay vẽ lại với mong muốn tôn vinh những người anh hùng của bóng đá nước nhà theo phong cách tranh Đông Hồ truyền thống.

Tác phẩm U.23 Việt Nam của họa sĩ Nguyễn Quang Phúc

Ngày 7.2, tại TP.HCM, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - 1 trong 2 nghệ nhân Đông Hồ duy nhất còn lại của Việt Nam đã kết hợp với nhóm 3 họa sĩ trẻ gồm Phạm Quang Phúc, Nguyễn Thị Phương Trinh và Phạm Rồng giới thiệu đến công chúng chùm tranh Đông Hồ đươg đại mới.

Đây là sự kết hợp sáng tạo giữa truyền thống và hiện đại trong cách thể hiện tranh Đông Hồ nhằm truyền cảm hứng cho các họa sĩ trẻ tiếp tục sáng tạo, duy trì, phát triển dòng tranh dân gian nổi tiếng đang có nguy cơ mai một và đứt gãy trong thời đại hiện nay.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng nhóm họa sĩ trẻ trong dự án "Đương đại hóa tranh dân gian Đông Hồ"

Và đặc biệt trong bộ tranh Đông Hồ đương đại lần này, hình ảnh các cầu thủ U.23 Việt Nam ăn mừng bàn thắng trong cầu vồng tuyết tại trận chung kết giải Vô địch bóng đá U.23 châu Á đã được họa sĩ Phạm Quang Phúc và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tái hiện một cách sinh động, mới mẻ nhưng vẫn mang nét truyền thống rất độc đáo của dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng xưa nay. Bức tranh nhằm tôn vinh những chàng trai U.23 Việt Nam quả cảm, đó cũng là hình ảnh của niềm tự hào mang tên Việt Nam.

Tác phẩm U.23 Việt Nam của họa sĩ Nguyễn Quang Phúc

Theo phong tục Tết xưa, ngoài cành mai, cành đào và bánh chưng thì thú chơi và treo tranh dân gian Đông Hồ trong những ngày tết đến xuân về là điều không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Những bức tranh dân gian Đông Hồ mang ý nghĩa chúc phúc chứa đựng bao điều tốt đẹp, mong muốn “Sức khỏe - Thịnh vượng - Hạnh phúc” sẽ đến trong năm mới nay đã trở thành hoài niệm trong mỗi gia đình. Để rồi người Việt trẻ ngày nay mấy ai hiểu được giá trị phong tục của tranh dân gian dân tộc.

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Ngay cả khi thấy được sự lãng quên của xã hội đối với dòng tranh Đông Hồ, nhưng chưa một lần buông tay rũ bỏ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã chia sẻ những nỗi niềm và tâm nguyện của mình đến các bạn họa sĩ trẻ, từ đó đã truyền cảm hứng để các bạn thổi hồn hơi thở người trẻ hiện đại vào nghệ thuật Đông Hồ. Bằng sự kết hợp sáng tạo và sức sống hiện đại của tuổi trẻ vào nét nghệ thuật của truyền thống văn hóa dân gian, chùm tranh Đông Hồ đương đại cũng đã mang ý nghĩa như một lời chúc phúc cho một năm mới tràn đầy “Sức khỏe - Thịnh vượng - Hạnh phúc”.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đang thưc hiện tranh Đông Hồ

Với hơn 500 năm lịch sử, làng tranh Đông Hồ đã trải qua biết bao những thăng trầm để giữ cho “hồn dân tộc” mãi được “sáng bừng trên giấy điệp”. Ngay từ chủ đề, bước vẽ mẫu tranh, cho tới bước chuẩn bị giấy điệp, rồi bước in tranh, hay những lời đề trên tranh, tất cả đều thể hiện sự tinh hoa trong văn hóa dân tộc.

Tác phẩm Bắt trọn vinh hoa của họa sĩ Nguyễn Quang Phúc

Tranh Đông Hồ thể hiện sư gần gũi với đời sống sinh hoạt thường ngày của dân gian. Và đặc biệt vào mỗi dịp Tết xưa, những bức tranh Đông Hồ mang màu sắc tươi sáng được trang trí trong mỗi gia đình làm không khí ngày xuân thêm phần rực rỡ, ấm cúng. Bởi những hình ảnh giàu tính biểu tượng dân dã gần gũi nhưng chứa đựng bao thông điệp ý nghĩa chúc phúc như may mắn, phát tài - phát lộc, vinh hoa phú quý hay tình duyên thuận lợi…

Tác phẩm Bà Nguyệt se duyên của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Phương Trinh (Tomato Nguyễn)

Tác phẩm Nhà nhà đấu vật của họa sĩ Phạm Rồng

Toàn bộ tác phẩm của bộ tranh Đương đại hóa sẽ được trưng bày tại hơn 200 cửa hàng Highlands Coffee trên toàn quốc từ ngày 10.2 nhằm giúp giới trẻ được tiếp cận nền văn hóa Đông Hồ nhiều hơn. Bên cạnh đó còn có chương trình bán bộ tranh “Đương đại hóa Đông Hồ” với số lượng 3.000 bản tranh được sản xuất hoàn toàn theo đúng quy trình, nguyên liệu của tranh Đông Hồ truyền thống do chính gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sản xuất. Toàn bộ số tiền bán được sẽ sử dụng trong việc bảo vệ và phát triển văn hóa dân gian - tranh Đông Hồ.

Bài và ảnh: Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/khoanh-khac-cua-u23-viet-nam-duoc-dua-vao-tranh-dong-ho-duong-dai-81807.html