Khoảng trống vàng vọt

Khi Thụy bước lên chuyến xe cuối cùng của ngày, Thụy đã khóc nức nở khi biết còn rất lâu mình mới trở về với không gian mật ngọt trong trẻo ấy...

Lúc ấy, Thụy vừa lập gia đình được hai năm bốn tháng mười lăm ngày. Tối qua, khi chở Thụy lên đèo Phù Dung, vào quán cà phê của chị gái Lâm, Lâm bảo, sau này xa nhau, khi nào nhớ vợ quá, anh sẽ ghé quán này gọi cà phê đen không đường uống và sinh tố cà rốt (thức uống Thụy cực yêu thích) để đỡ cảm giác trống vắng. Điều ấy khiến Thụy muốn vứt quách những bằng khen, huy chương và cả suất học bổng qua Nga mà Thụy từng cố gắng. Giá chỉ làm công việc ca hát trong quán cà phê nhà như chị Mai để được gần chồng gần con. Là chị gái Lâm nhưng chị Mai xem em dâu như bạn thân. Thụy có thể rỉ rả tâm sự với chị bất cứ chuyện gì.

Thời gian đầu nơi xứ lạ, nỗi trống trải luôn chực bủa vây lấy Thụy. Sau giờ học, mặc bạn bè đi chơi, Thụy thường về thẳng phòng, mở cuốn album ảnh của chồng và con trai, vừa xem vừa khóc. Hai mươi tám tuổi, lần đầu tiên Thụy mới thấm thía sự chia ly. Tối thứ bảy, Thụy bó gối nhìn những hàng dương lóng lánh nhuốm đèn đường. Cái màu vàng vọt ấy khiến nỗi nhớ chạy ào về. Thi thoảng gặp chị Mai trên mạng, nghe chị kể, cuối tuần Lâm vẫn thường ghé quán một mình, gọi ly cà phê và ly sinh tố cà rốt ít đường. Thụy bật cười nghĩ tới hình ảnh Lâm lúc ấy, bởi anh chẳng bao giờ thích thứ nước uống ngang ngang, nhạt nhẽo ấy cả. Ban đầu, nghe chị kể, Thụy có cảm giác ấm áp khi Lâm luôn nghĩ đến mình trong những đêm cuối tuần lãng mạn. Về sau, Thụy đắng đót trong lòng khi chị Mai nói: “Nói thật, tao xót không chịu nổi, khi nó cứ ngồi bất thần nhìn vào khoảng không trước mặt”.

Có lần, chị Mai nói: “Hôm nay cu Lâm không đi một mình mày ạ!”. Thụy chột dạ. Một lúc, chị bảo: “Có lẽ chỉ đơn thuần là đồng nghiệp, tao thấy điệu bộ không có gì khả nghi”. Khỏi phải nói máu nóng bốc lên đầu Thụy nhanh cỡ nào. Thảo nào dạo này Thụy và Lâm ít lên mạng gặp nhau, chắc anh bận bịu quan tâm đồng nghiệp. Thụy chua chát nghĩ theo một triết lý chụp mũ lượm được đâu đó. Lúc nghĩ ra điều ấy, Thụy như ngồi trên lửa, chẳng còn nhớ ra rằng chính mình đề nghị Lâm ít gặp nhau trên mạng, vì chính Thụy không thể chịu được cảm giác vợ một nơi, chồng và con một nẻo sau khi màn hình điện thoại tắt đi. Lại tối cuối tuần khác, chị Mai gọi giật ngược Thụy trên mạng: “Mày phải nói chuyện với thằng Lâm ngay. Con bé ấy hôm nay cũng đến. Tao đã hỏi nhưng nó bảo chỉ là nhân viên mới, sếp yêu cầu kèm cặp. Chuyện này mày nên thẳng thắn”.

Sức khỏe Thụy bỗng tụt dốc không phanh. Buổi sáng, chỉ thoáng nghĩ tới bài vở trong ngày, Thụy đã thấy đầu ong ong, chân tay rệu rã. Đi khám bác sĩ, ông lắc đầu ngán ngẩm: “Cô quả thực không biết mình có thai? Tim thai đập rành rành thế này cơ mà?”. Rồi ông dặn phải hết sức giữ gìn vì cái thai không được khỏe. Về đến ký túc xá, Thụy vẫn không khỏi ngạc nhiên. Thật khó tin, trong hồ sơ sức khỏe của Thụy khám trước đó chưa bao lâu, không có dấu hiệu gì về chuyện này. Trễ kinh gần hai tháng, Thụy cứ nghĩ do thay đổi không gian, điều kiện sống đột ngột.

Chưa kịp làm theo lời bác sĩ thì đêm ấy, trong giấc mộng mị, Thụy thấy mình đi trên một con thuyền bị bão dập giữa biển khơi. Mà Thụy thì dễ say sóng, say tàu xe, Thụy rơi từ trên giường xuống. Rơi bịch như một trái mít còi. Người đau nhói, quặn thắt, mê man… Khi tỉnh lại, chỉ thấy vị bác sĩ già nhìn Thụy với đôi mắt nhân hậu, hiền lành. Thụy vùi mình nấc lên từng hồi, không còn đủ sức để khóc. Khổ thân đứa bé, đến không ai hay, đi không ai biết, chỉ có mỗi ông bác sĩ già chia sẻ và tiễn biệt…

Gặp Lâm lên mạng, Thụy không chia sẻ tai nạn ấy với chồng. Thụy cũng muốn chôn chặt để đừng ai khuấy động tới. Nỗi đau bằng bảy lần sinh đẻ, để lại một hố sâu trống hoác có lẽ chẳng bao giờ lành lặn. Mặc nhiên, Thụy đổ lỗi cho mình vô tâm và giọt nước thất vọng về Lâm làm tràn ly nên mới xảy ra cơ sự ấy.

Trong ký túc xá, Hùng là bạn học trên Thụy hai năm. Anh lại học chung trường đại học với một người bạn của Thụy nên nghiễm nhiên ngay lập tức trở thành bè bạn. Khi Hùng đề nghị, cứ cuối tuần, anh sẽ rủ Thụy cùng đi dạo bộ để ngắm cảnh nước Nga, Thụy ngầm gật đầu. Những chiều cuối tuần cô đơn đã rút nhanh chóng sức lực, trong khi chồng Thụy lại biết cách lấp đầy khoảng trống trước mặt bằng một cô đồng nghiệp và đã quên món sinh tố cà rốt vợ thích.

Mùa thu trong trẻo và ngắn ngủi vèo qua và tuyết bắt đầu rơi. Chưa bao giờ Thụy thấy trống trải và cô đơn đến thế. Hùng kể Thụy nghe về vùng Kinh Bắc quê anh. Chuyện nhà Hùng cũng chẳng vui hơn chuyện Thụy. “Lần cuối về nhà, con gái lên năm ở cùng ông bà nội, mắt lúc nào cũng ngơ ngác buồn. Mẹ nó buôn bán rồi theo trai lên Hà Nội, mua nhà mua cửa ở hẳn với nhau. Em biết không, thằng ấy là bạn thân của tôi. Khi đi, tôi gửi gắm nó quan tâm vợ con giùm khi khó khăn”. Tiếng khậc, khậc khô khốc bật ra đắng chát từ cổ Hùng. Thụy hiểu anh, chia sẻ với anh bắt đầu từ một nỗi đau chung của sự phản bội.

Chẳng biết từ bao giờ Thụy đã thôi không còn khóc vì nhớ nhà như hồi đầu mới sang Nga nữa. Hùng đưa hơi ấm vào cuộc đời Thụy những ngày đông lạnh. Không hiểu từ bao giờ, Hùng đã thay thế hẳn vị trí của Lâm trong trái tim Thụy. Thụy chẳng còn quan tâm tới Lâm có gọi ly sinh tố cà rốt nữa hay không, có đi với cô gái nào không. Nhưng tìm ra một cái cớ đáng để xô anh ra khỏi cuộc đời mình thì không thể.

“Vứt quách cái quá khứ dở dang đi em ạ. Mình sẽ có những đứa con xuất phát từ tình yêu thương của cả anh và em. Gia đình mình sẽ luôn yêu thương, không bao giờ rời xa nhau”, Hùng nắm tay Thụy…

Vẫn điệu đan những ngón tay vào nhau, trước mắt tôi, Thụy như bối rối, như mệt mỏi, nao núng. Thụy dằn vặt: Chị có tin rằng em từng giật mình nhiều đêm, tỉnh dậy thấy đầm đìa nước mắt vì biết rằng mình đã sai, mà không thể sửa sai. Nhiều năm sau đó, em và Hùng đã sống với nhau đầy dằn vặt mà không thể thấy bóng dáng hạnh phúc. Trong khi đó, ở quê Lâm vẫn nuôi cu Bin một mình, vẫn nhắn những dòng tin yêu thương, mong đợi em quay về. Em không dám cầu mong một sự tha thứ. Cuối cùng, em nhận ra hóa ra mình chỉ yêu mình thôi.

Tôi không thể trách Thụy một lời, bởi sự tổn thương của em, cũng có một chút dự phần của tôi. Ngày ấy, nếu tôi chỉ là bà chị chồng vô tâm, đứng ngoài cuộc, đừng can thiệp gì vào chuyện gia đình em trai mình.

“Thời buổi làm ăn khó khăn, nước Nga không còn là miền đất hứa đối với những người Việt sang kiếm sống, Hùng đã chán cảnh bươn chải mãi cũng chẳng giàu. Mệt mỏi với cuộc sống thiếu ổn định và cũng đến lúc chán nghe Thụy dằn vặt bản thân mình, nghe đâu Hùng quay lại với vợ con ở Việt Nam. Còn em, em không tránh Lâm hoài được. Cảm giác mắc nợ một lời xin lỗi có khi nặng như cực hình”. Nước mắt Thụy lăn dài khi hỏi tôi.

Cuối cùng, Thụy chọn quay về hẳn Việt Nam. Người đàn bà nổi loạn trong Thụy đã sợ những ngày lang bạt, dằn vặt và cô độc trên mảnh đất Bạch Dương tuyết lạnh ấy. Tối qua, khi ngồi bên khung cửa sổ ngòn ngọt màu trăng khuya, của quán cà phê đã cũ mèm, Thụy kể tôi nghe nốt câu chuyện xa xứ của mình. Gần như chỉ một mình Thụy độc thoại. Là chị chồng, tôi chẳng thể trách cũng chẳng biết nói thế nào để sẻ chia.

Ngày mai, Thụy sẽ đối diện với Lâm và cu Bin. Tôi vẫn chưa nói cho Thụy biết rằng, bấy nhiêu năm, Lâm đã thích vị sinh tố cà rốt…

VÕ THU HƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khoang-trong-vang-vot-698984.html