Khoảng trống văn học về đề tài nông thôn

Nước ta là một nước nông nghiệp với gần 80% số dân sinh sống và làm việc ở các vùng nông thôn; đây đồng thời cũng là một 'vỉa quặng' màu mỡ cho văn học nghệ thuật khám phá, khai thác. Tuy nhiên hiện nay, các tác phẩm văn học về đề tài nông thôn ngày càng trở nên thưa vắng, ít được quan tâm để có thể trở thành vùng trung tâm của văn học như vị trí mà nó xứng đáng.

Nước ta là một nước nông nghiệp với gần 80% số dân sinh sống và làm việc ở các vùng nông thôn; đây đồng thời cũng là một "vỉa quặng" màu mỡ cho văn học nghệ thuật khám phá, khai thác. Tuy nhiên hiện nay, các tác phẩm văn học về đề tài nông thôn ngày càng trở nên thưa vắng, ít được quan tâm để có thể trở thành vùng trung tâm của văn học như vị trí mà nó xứng đáng.

Khoảng trống đáng lo ngại

Ngày 26-4 vừa qua, Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập". Ðây là một hoạt động có ý nghĩa trong bối cảnh nền văn học nước ta đang thưa vắng các tác phẩm viết về người nông dân, về nhịp sống ở vùng nông thôn thời kỳ đầu thế kỷ 20 đang diễn ra nhiều đổi thay. Ông Lưu Quang Ðịnh, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, Trưởng ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: Nông thôn Việt Nam hôm nay đang có nhiều biến đổi, không chỉ còn là hình ảnh lão nông lam lũ chân lấm tay bùn mà thay vào đó là hệ thống tưới tiêu, những trang trại chăn nuôi rộng lớn, khu du lịch nông nghiệp, sinh thái. Cùng với những thành tựu đạt được, cuộc sống ở nông thôn còn chứa cả những mặt trái, những góc khuất, bi kịch của quá trình ly nông - ly hương, đô thị hóa nông thôn… Tôi nghĩ đây là những chất liệu giàu có, màu mỡ để các nhà văn sáng tác. Nhà văn Nguyễn Hiếu lại bày tỏ lo âu: nếu văn học không có các tác phẩm viết về đề tài nông thôn thì chắc chắn hình ảnh dân tộc Việt Nam đương đại sẽ bị đánh giá phiến diện và không đúng với bản chất, thực tại.

Nhìn lại quá khứ, văn học nước nhà đã có nhiều tác phẩm hay về đề tài nông thôn. Nhiều người cầm bút đã trở thành tác giả lớn của nền văn học Việt Nam nhờ những tác phẩm viết về nông thôn, đề cập số phận người nông dân như Nam Cao, Kim Lân, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường,... Tác phẩm của họ góp phần kiến tạo gương mặt văn học Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, ngày càng thưa vắng người viết quan tâm đề tài này. Số lượng đầu sách văn học viết về nông thôn hằng năm ngày một ít đi. Trong số các nhà văn tuổi đời còn trẻ, có rất ít nhà văn quan tâm đề tài nông thôn như: Ðỗ Bích Thúy, Ðỗ Tiến Thụy, Nguyễn Ngọc Tư, Tống Ngọc Hân,... So với quá khứ, với các nhà văn thế hệ trước, những tác phẩm mà người cầm bút trẻ tuổi hôm nay cống hiến ở mảng đề tài về nông thôn là rất "khiêm tốn". Thực tại này khiến cho những người quan tâm đời sống văn học không khỏi lo lắng: liệu có phải văn học Việt Nam đang bỏ quên nguồn cội của mình, nhiều nhà văn đang dần lãng quên gốc gác, quê quán, nơi mình sinh ra? Cố nhà văn Ngô Ngọc Bội, người chuyên viết về đề tài nông thôn từng đau đáu: "Không phải ngày xưa mà đến tận bây giờ, nông dân luôn là người đóng góp nhiều, song công lao được ghi nhận thì quá ít. Giờ ít người viết về nông thôn lắm. Dần dần những tác phẩm hay về nông thôn sẽ hiếm và nhà văn sẽ bị hổng, hổng ghê gớm về nguồn cội của mình".

Trách nhiệm tự thân của người cầm bút

Lý do để các nhà văn xa rời đề tài nông thôn thì có nhiều, nhưng lý do cơ bản nhất là hiện nay, không có nhiều nhà văn sống và gắn bó với nông thôn. Một thống kê của Hội Nhà văn cho biết, hội có gần 1.000 hội viên thì có đến 500 hội viên sống ở Hà Nội, 200 ở TP Hồ Chí Minh, số còn lại sống ở các thành phố, thị xã khác, gần như không có nhà văn thật sự sống ở làng. Nhiều năm qua, chỉ có duy nhất một hội viên là nông dân đúng nghĩa, đó là nhà văn Trần Quốc Tiến ở Trực Ninh, Nam Ðịnh. Có thể hiểu, khi nhà văn không còn gắn bó với nông thôn, không sống cùng người nông dân nữa thì hiển nhiên đời sống làng quê không còn chiếm nhiều mối quan tâm của họ. Ngay cả khi có sự quan tâm, thì họ cũng không dễ mà viết về nông thôn cho hay, cho thấu đáo được, bởi không thể tạo ra một tác phẩm văn học hay nếu nhà văn không có vốn sống dày dặn về đề tài mình viết. Phải gắn bó và có tình yêu với một vùng đất, một vùng văn hóa thì mới có thể sáng tạo ra tác phẩm. Trong khi đó, nông thôn ngày nay đang đổi thay từng ngày. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều vấn đề ở nông thôn cũng đang đặt ra như xung đột đất đai, chuyển dịch cơ cấu lao động, quan hệ làng xã, dòng họ, gia đình… Số phận người nông dân hôm nay cũng khác với số phận những người nông dân trong quá khứ. Tất cả những vấn đề đó đang cần đến sự quan tâm, giải mã của những ngòi bút thật sự tâm huyết với nông thôn và người nông dân.

Một trở ngại khác đối với "đầu ra" cho các tác phẩm văn học viết về đề tài nông thôn đó là trên thị trường sách văn học hiện nay, đây không phải là đề tài hấp dẫn. Lực lượng cầm bút trẻ thường hăm hở tiến vào những đề tài thời thượng, ăn khách như đô thị, tình yêu lứa đôi, ngôn tình… vốn là những đề tài dễ viết và dễ được bạn đọc cũng như đơn vị làm sách, phát hành sách đón nhận. Thậm chí có nhà văn ngậm ngùi chia sẻ, đã bị chính đơn vị làm sách từ chối bản thảo tác phẩm viết về nông thôn và khuyên nên chọn đề tài ăn khách hơn. Song, thử hình dung, nền văn học Việt Nam nếu không còn bóng dáng các tác phẩm viết về nông thôn thì khoảng trống tạo ra sẽ lớn như thế nào? Phần lớn các nhà văn đều có gốc gác từ nông thôn, sinh ra và lớn lên với cánh đồng, làng mạc; và nếu họ quay đi viết các vấn đề khác thì họ đang mắc nợ chính nguồn cội gốc, gác của mình. Dĩ nhiên không ai có thể ép buộc nhà văn trong việc lựa chọn đề tài để viết. Nhưng nếu văn học nông thôn tiếp tục mờ nhạt trong dòng chảy chung của văn học nghệ thuật thì 80% số dân Việt Nam sinh sống ở nông thôn sẽ là những người chịu thiệt thòi nhất. Bởi họ sẽ không được thụ hưởng những giá trị văn học nghệ thuật đề cập đến chính cuộc sống của mình. Nền văn học cũng vì thế mà trở thành một bức tranh méo mó, mất cân bằng, thiếu tính hài hòa.

Ðể tìm giải pháp cho vấn đề này, rất cần đến sự quan tâm của hội nghề nghiệp, trước tiên là Hội Nhà văn và nhiều tổ chức xã hội. Việc tổ chức trại sáng tác văn học về đề tài nông thôn, các cuộc thi truyện ngắn, tiểu thuyết về đề tài nông thôn cũng là cách để hướng sự quan tâm nhiều hơn của đội ngũ nhà văn đến đề tài này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi nó có thể là động lực cho nhà văn trong một thời điểm, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn chưa giải quyết được. Ðó là phải làm sao để mỗi nhà văn có được sự tâm huyết, bền bỉ, chuyên tâm gắn bó với mảng đề tài về nông thôn. Nhà văn không thể chỉ chờ đợi vào các cuộc thi mà cần phải chủ động dấn thân, "ba cùng" với nông dân, để hiểu về một nông thôn mới hôm nay trong chằng chịt các vấn đề phức tạp, đòi hỏi họ nhập cuộc. Tác phẩm văn học đỉnh cao về đề tài này chỉ xuất hiện khi chính người cầm bút nhận thấy đây là một trách nhiệm tự thân.

Vũ Quỳnh Trang

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/40378802-khoang-trong-van-hoc-ve-de-tai-nong-thon.html