Khoảng trống truyền thông về bảo hiểm xã hội cho lao động nữ

Truyền thông về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội tới lao động nữ, thì yếu tố giới, bình đẳng giới là điểm mấu chốt; tuy nhiên trên các phương tiện thông tin vẫn chưa thực sự coi trọng vấn đề này và còn định kiến giới.

Theo báo cáo Điều tra Lao động việc làm của Tổng cục thống kê công bố quý 3/2017, tỷ lệ nữ giới có việc làm thấp hơn 9,6% so nam giới; lao động nữ thiếu việc làm nhiều hơn so với lao động nam (55% và 45%); lao động gia đình không được trả lương ở nữ giới cao hơn nam tới 12,4%. Ngoài ra, thu nhập của nữ giới cũng thấp hơn nam giới (4,7 triệu đồng so với 5,3 triệu đồng).

Lao động nữ, đặc biệt là những phụ nữ làm việc trong các ngành nghề, lĩnh vực được trả lương thấp và những công việc bán thời gian, họ ít được tiếp cận thông tin và thụ hưởng những chế độ chính sách về an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong truyền thông về BHXH với người lao động, đặc biệt là lao động nữ.

Đây là nội dung được ThS Nguyễn Thị Hằng, giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, đưa ra tại Hội thảo khoa học “Truyền thông về chính sách BHXH và BHYT: Thực trạng và giải giải pháp nâng cao hiệu quả”, diễn ra ngày 17/4, do BHXH Việt Nam và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức.

Theo ThS Nguyễn Thị Hằng, tỷ lệ khoảng cách giới trong việc làm, thu nhập nói trên có thể lý giải là do phụ nữ thường tập trung trong lĩnh vực, ngành nghề được trả lương thấp và làm những công việc bán thời gian. Họ ít được hưởng những chế độ chính sách về an sinh xã hội như BHXH, BHYT.

Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo “Truyền thông về chính sách BHXH và BHYT: Thực trạng và giải giải pháp nâng cao hiệu quả”. Ảnh H. Hòa

Về vấn đề truyền thông BHXH với lao động nữ giới, theo bà Nguyễn Thị Hằng, đưa tin về chủ đề nữ giới trên báo chí khó khăn nhất là làm sao để có thể lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, nhằm định hướng, thay đổi hành vi, thái độ của cả nam giới và nữ giới, dần xóa bỏ khoảng cách giới. Đặc biệt, truyền thông về an sinh xã hội, BHXH tới lao động nữ, thì yếu tố giới, bình đẳng giới cũng là điểm mấu chốt cần được coi trọng và chú ý.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những thông tin được đăng tải thiếu kiểm chứng, vô hình gây hoang mang, bức xúc tới lao động nữ. Ví dụ như “Lao động nữ chạy đua nghỉ hưu trước 2018”, “Đóng BHXH thiệt hơn gửi tiết kiệm”… Thậm chí, một số nhà báo còn vô tình thể hiện định kiến giới ngay trong quá trình tiếp cận, khai thác thông tin về BHXH.

Bà Hằng nêu ví dụ: Có nhà báo đặt câu hỏi dẫn dắt trong phỏng vấn có thông tin mang hàm ý định kiến giới như: “Trên thực tế, với công việc và thiên chức của người phụ nữ, ông có nghĩ phụ nữ nên là đối tượng tiếp tục được ưu tiên không?”

Bà Nguyễn Thị Hằng cũng nêu ra hạn chế trong quá trình báo chí khai thác thông tin viết về đề tài BHXH với lao động nữ giới là: “Việc tăng cường nhận thức của công chúng về các chính sách an sinh xã hội, BHXH đối với lao động nữ chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật”. Đồng thời định hướng truyền thông về BHXH tới lao động nữ chưa thực sự được quan tâm, ưu tiên. Chỉ khi có những vấn đề tạo dư luận xã hội thì báo chí mới tập trung đưa tin. Dẫn chứng rõ nhất là quy định mới về BHXH có từ 2014, nhưng đến cuối năm 2017, vấn đề thiệt thòi của lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 mới được quan tâm, tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau.

Qua đó, theo bà Nguyễn Thị Hằng, cần có chiến lược truyền thông về chính sách BHXH cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Các nhà báo thông tin về lao động nữ giới “cần tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, không nên củng cố khuôn mẫu giới, không giật gân, câu khách với bất kỳ mục đích gì”, bà Hằng nói.

Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Chức, Trung tâm truyền thông, BHXH Việt Nam, cho rằng: Những người lao động, đặc biệt là lao động nữ ở khu vực nông thôn, lao động tự do, lao động trong các hợp tác xã, người lao động trong hộ gia đình nông – lâm – ngư nghiệp chưa tham gia các loại hình bảo hiểm là rất lớn. Cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, để họ hiểu rõ hơn về quyền lợi, mức đóng, mức hưởng, thủ tục tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh hệ thống báo chí, thì mạng xã hội đã rất phổ biến hiện nay cũng là công cụ hữu hiệu để truyền thông tới các nhóm đối tượng nêu trên.

Tại hội thảo này, nhiều ý kiến đồng thuận cần có sự phối hợp chặt chẽ của 3 bên, gồm nhà quản lý, điều hành thực thi chính sách BHXH, BHYT với cơ quan truyền thông, các nhà báo và nhà nghiên cứu, đạo tạo. Qua đó đẩy mạnh các hoạt động phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực này để người dân tham gia một cách tự nguyện, đảm bảo an sinh xã hội cho mỗi gia đình; nhằm đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH và 90% dân số tham gia BHYT.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến 28/2/2018, có 13,79 triệu người tham gia BHXH; 11,69 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 80,55 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 85,9% dân số cả nước.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/khoang-trong-truyen-thong-ve-bao-hiem-xa-hoi-cho-lao-dong-nu-post41250.html