Khoảng trống trong xử lý xâm hại trẻ em

Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra gần đây gây phẫn nộ và bức xúc trong dư luận… Nhưng luật pháp hiện hành đang có những lỗ hổng rất lớn trong việc xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em... tạo cơ hội cho những kẻ phạm tội lách luật, “nhờn” luật để phạm tội.

Ngày 01/3, một giáo viên chủ nhiệm có hành vi “sờ mông, sờ đùi” nữ học sinh trường tiểu học Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang). Song dư luận vô cùng bức xúc trước kết luận của công an huyện khi cho rằng đó không phải là “ hành vi dâm ô”.

Ngày 25/3, sau hàng loạt phẫn nộ của dư luận xã hội, VKSND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định của Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội về việc thay đổi quyết định khởi tố bị can với Nguyễn Trọng Trình (SN 1988, ở Chương Mỹ, Hà Nội) từ tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” sang “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Gần đây nhất việc đối tượng xâm hại bé gái trong thang máy ở TP Hồ Chí Minh cũng đặt ra những khó khăn trong việc xác định hành vi phạm tội.

Bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: “Hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ thế nhưng vấn đề người thực thi. Cùng một vụ nhưng người làm đánh giá chứng cứ và suy xét không đầy đủ. Ví dụ như vụ ở Chương Mỹ hà Nội, cháu bé xâm hại như vậy mà cơ quan điều tra lại gọi là dâm ô, sau khi lên cơ quan CA TP Hà Nội thì đây là một vụ hiếp dâm không phải dâm ô...”

Sở dĩ có những khó khăn trong xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, theo các chuyên gia, do Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi dâm ô, cũng như chưa quy định rõ bộ phận nào là bộ phận kích thích tình dục nên dẫn đến các quan thực thi vận dụng theo cách hiểu khác nhau.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Văn phòng luật sư Kết nối: “Chúng tôi kiến nghị một là hướng dẫn thế nào là hành vi giao cấu khác, 2 là quan hệ khác. Cần có một văn bản của cơ quan tòa án tối cao để giải thích vấn đề này, cần giải thích cụ thể hơn thế nào là hành vi dâm ô vì bộ luật hình sự 2015 chưa có một văn bản nào hướng dẫn đó là hành vi dâm ô trong khi vẫn vận dụng văn bản cũ đã hết hiệu lực thì rõ ràng nó không giải thích được nhu cầu hiện tại.”

Luật sư Nguyễn Văn Tú – Giám đốc Công ty Luật Fanci: “Những khái niệm cơ bản xây dựng lên chế định pháp luật như hành vi quấy rối tình dục, xâm hại tình dục, thì trong hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có nội hàm và ngoại diên chính xác..”.

Đặc biệt khi cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại thì đây là một điều rất khó khăn bởi đối với các vụ dâm ô không để lại dấu vết hoặc gia đình nạn nhân phát hiện muộn rất khó để thu thập chứng cứ.

Bà Nguyễn Kim Hoa - Chuyên gia Xã hội học: “Thực ra những trường hợp vi phạm như thế này trước nay đều có nhưng vì truyền thông của chúng ta chưa mạnh và những người bị vi phạm và nạn nhân cũng giấu và không lên tiếng.”

Khoảng trống pháp luật khiến nhiều kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, hoặc chỉ bị phạt ở mức chưa đủ sức răn đe đã vô tình khoét sâu thêm nỗi đau của các nạn nhân. Đây là thực tế cần sự vào cuộc các cơ quan chức năng để xem xét, nghiên cứu, xác định lại từng nhóm hành vi và có những chế tài xử lý nghiêm khắc hơn, đảm bảo an toàn và đảm bảo quyền của trẻ em./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/khoang-trong-trong-xu-ly-xam-hai-tre-em