Khoảng trống quyền lực tại Mỹ dấy lên lo ngại ở Biển Đông

'Khoảng trống quyền lực' tại Mỹ khi ông Trump vẫn thách thức kết quả bầu cử dấy lên lo ngại về cán cân quyền lực quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông.

Trang tin Asahi Shimbun (Nhật) ngày 21-12 đăng bài phân tích nêu bật mối quan ngại rằng “khoảng trống quyền lực” kéo dài tại Mỹ trong bối cảnh Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tiếp tục thách thức kết quả bầu cử có thể sẽ ảnh hưởng đến cán cân quyền lực quân sự giữa Washington và Bắc Kinh tại Biển Đông.

Vào thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đang có bài phát biểu mừng chiến thắng tại thành phố Wilmington, bang Delaware ngày 7-11, hai máy bay ném bom chiến lược B-1B đã cất cánh từ căn cứ Không quân Andersen của Mỹ ở đảo Guam và bay đến Biển Đông.

Theo một quan chức thuộc lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật, hai chiếc B-1B đã bay qua kênh Ba Sĩ giữa đảo Y'Ami của Philippines và đảo Lan Tự (Orchid) của Đài Loan, trước khi bay dọc Biển Đông.

“Động thái này của Mỹ nhằm cảnh báo Trung Quốc tránh thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào nhắm vào Mỹ và các đồng minh trong giai đoạn chuyển giao chính trị này” - Asahi Shimbun dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Giới chức Mỹ có lý do để bất an

Theo Asahi Shimbun, giới chức Mỹ có lí do để lo lắng khi bốn tháng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2000, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã va chạm với một máy bay trinh sát của Mỹ trên Biển Đông.

Vào thời điểm đó, cuộc đua giữa ứng viên Cộng hòa George W. Bush và ứng viên Dân chủ Al Gore cũng rất căng thẳng. Tình trạng thắng thua chưa phân định kéo dài 36 ngày sau ngày bầu cử. Tuy nhiên, đến ngày đại cử tri đoàn bỏ phiếu thì ông Gore đã thừa nhận thất bại sau khi ông Bush giành được phiếu đại cử tri ở bang Florida.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ. Ảnh: ASAHI SHIMBUN

Máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ. Ảnh: ASAHI SHIMBUN

Lần này, cả Washington và Lầu Năm Góc đều lo ngại về những bất ổn chính trị khi phía ông Trump không chịu chấp nhận thất bại trong bối cảnh căng thẳng quân sự tại các khu vực xung quanh Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Cụ thể, quân đội Mỹ hồi tháng 7 đã triển khai ba nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông và khu vực xung quanh Đài Loan.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại các vùng biển lân cận. Ngày 26-8, Bắc Kinh đã phóng hai tên lửa đạn đạo DF-21D – sát thủ diệt tàu sân bay - và hai tên lửa đạn đạo DF-26 - được cho là có khả năng vươn tới đảo Guam – ra Biển Đông. Động thái này của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng lên mức chưa từng có.

Ông Katsutoshi Kawano - cựu tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản - nhận định: “Căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức nghiêm trọng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Một cuộc chạm trán quân sự bất ngờ là mối nguy có thật".

Ngoài ra, mối quan hệ chặt chẽ hơn của chính quyền ông Trump với Đài Loan cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã thúc đẩy kế hoạch xây dựng quân đội ngày càng tân tiến. Một trong những điểm nổi bật của kế hoạch này là việc thành lập Lực lượng hỗ trợ chiến lược với khả năng kiểm soát không gian mạng và không gian vũ trụ, cũng như Lực lượng tên lửa.

Trước diễn biến này, trong Báo cáo chiến lược quốc phòng (NDS) được công bố hồi tháng 1-2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”.

"Trung Quốc và quân đội nước này hiện là mối đe dọa đáng kể nhất đối với lợi ích của Mỹ, chủ yếu là với các cấu trúc liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ. Chúng tôi xây dựng NDS nhằm ngăn Trung Quốc trở thành cường quốc bá chủ ở châu Á" - ông Elbridge Colby, quan chức chịu trách nhiệm chỉ đạo nội dung văn bản NDS, nói với Asahi Shimbun.

Giới chức quân đội, Quốc hội và các bộ khác trong chính phủ Mỹ cũng có chung quan điểm này và nhận thức rằng khó có khả năng mọi chuyện sẽ thay đổi ngay cả khi chính quyền có sự chuyển giao. Trung Quốc hiểu rõ điều đó.

Giáo sư John Mearsheimer - chuyên gia về chính trị quốc tế tại Đại học Chicago và đã từng gặp một số quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10-2019 - chia sẻ: “Hầu như tất cả những người tôi đã nói chuyện đều tin rằng việc ông Trump thắng hay thua trong cuộc bầu cử năm 2020 đều không ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Trung. Người Trung Quốc biết rằng Mỹ luôn muốn nhắm vào Trung Quốc, và sẽ không có gì thay đổi được điều đó”.

Hàn gắn quan hệ đồng minh

Chính quyền ông Trump được cho là đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh trở nên căng thẳng khi gia tăng áp lực đòi hỏi nước sở tại phải tăng chi phí cho lực lượng Mỹ đồn trú. Ông Biden hy vọng sẽ đảo ngược xu hướng này.

Một quan chức cấp cao của đảng Dân chủ, người từng tham dự cuộc họp trực tuyến do ông Biden cùng các quan chức thân cận tiến hành hôm 31-10, dẫn lời ông Biden cho biết: “Mỹ có thể đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đồng minh như Nhật, Hàn và Úc”.

Ông Mỹ Joe Biden (trái) và ông Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Một động thái phản ánh lập trường này là việc ông Biden từng xác nhận với Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga trong cuộc điện đàm ngày 12-11 rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc phạm vi Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ. Điều khoản này quy định Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trong trường hợp đồng minh bị tấn công vũ trang.

Theo Asahi Shimbun, khẳng định trên của ông Biden được cho là trái ngược hẳn với lập trường ông đã đưa ra hồi tháng 12-2013 khi đến thăm Nhật với tư cách là phó tổng thống trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Khi đó, ông Biden không kêu gọi Trung Quốc thu hồi quyết định thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông. Ông cũng không nói rằng quần đảo Senkaku thuộc phạm vi của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ.

Nhận thức của chính quyền Mỹ và quan điểm cá nhân của ông Biden về Trung Quốc đã thay đổi đáng kể kể từ thời điểm đó.

Tuy nhiên, vẫn chưa có chỉ dấu rõ ràng nào giúp xác định chính sách an ninh mà chính quyền ông Biden sẽ triển khai trong thời gian tới. Tổng thống đắc cử đã liệt kê các vấn đề ưu tiên sẽ triển khai sau khi nhậm chức như đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19, xây dựng lại nền kinh tế và hàn gắn những chia rẽ về chủng tộc và xã hội từng trở nên trầm trọng dưới thời ông Trump.

Mỹ hiện phải đối mặt nhiều thách thức, buộc ông Biden trước mắt phải tập trung vào các vấn đề trong nước.

Những bình luận mang tính tích cực của ông Biden về việc ưu tiên các cam kết đối với đồng minh không đồng nghĩa Washington sẽ quay trở lại chính sách an ninh mà ông Obama và các chính quyền trước đó đã theo đuổi.

Các nguồn tin trong đảng Dân chủ cho biết trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, ông Biden có thể sẽ kêu gọi các đồng minh của Mỹ quyết liệt hơn nhằm đóng một vai trò lớn hơn so với những gì từng diễn ra dưới thời chính quyền ông Trump.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/khoang-trong-quyen-luc-tai-my-day-len-lo-ngai-o-bien-dong-957519.html