Khoảng trống pháp lý từ 1 bộ luật, có dự án có thể phải chờ 2 năm để được bổ sung vào quy hoạch

Luật Quy hoạch hiện nay và Nghị định 37 mới ban hành chưa quy định điều chỉnh quy hoạch trong giai đoạn chuyển tiếp đến khi các quy hoạch vùng, tỉnh, quốc gia mới được phê duyệt…

Xin gia hạn nhiều quy hoạch cũ

Luật Quy hoạch có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019 trong khi Nghị định 37 hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch có hiệu lực 7/5/2019. Trên cơ sở tổng kết quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ mới đây đã có văn bản báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch và đề xuất các kiến nghị.

Cụ thể, theo văn bản, sau khi có Luật Quy hoạch và trước khi Nghị định 37 được ban hành, có một số quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được lập. Tuy nhiên, một số quy hoạch này lại không được lập đúng theo hướng dẫn chi tiết về nội dung, trình tự, nhiệm vụ lập quy hoạch, việc lấy ý kiến quy hoạch và thẩm định quy hoạch theo như Nghị định 37.

Chính phủ cho rằng nếu phải tổ chức lập lại các quy hoạch nói trên theo quy định của Nghị định 37 sẽ lãng phí nguồn lực và kéo dài thời gian lập quy hoạch.

Đối với việc thực hiện và điều chỉnh các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực, việc quy định trình tự điều chỉnh các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 được lập theo Luật Quy hoạch là phù hợp. Tuy nhiên, việc áp dụng trình tự đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực sẽ mất nhiều thời gian so với trước đây, không đảm bảo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phát triển của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc bổ sung vào quy hoạch các dự án đầu tư cần thiết, cấp bách.

Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 và quy định có liên quan đến các quy hoạch sẽ được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh tại các luật chuyên ngành đồng thời hết hiệu lực từ thời điểm này.

Điều 59 Luật Quy hoạch và Nghị quyết 74 ngày 20/11/2918 của Quốc hội chỉ quy định việc tiếp tục thực hiện các quy hoạch nói trên đến hết thời kỳ quy hoạch và chỉ được điều chỉnh kéo dài thời gian quy hoạch trong trường hợp quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh hết thời hạn trước khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt.

“Tuy nhiên, trong thời hạn quy hoạch và trong thời gian kéo dài, việc không có cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quy hoạch này sẽ gây nhiều khó khăn trong điều hành pháp triển của các ngành nhất là việc điều chỉnh quy hoạch để bổ sung các dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế nếu không phù hợp quy hoạch cũ trong khi quy hoạch mới chưa được ban hành gây trì trệ trong nhiều ngành, lĩnh vực”, văn bản nêu.

Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội gia hạn hiệu lực của các quy định pháp luật có liên quan đến quy hoạch tại 73 luật, pháp lệnh được ban hành trước khi Luật Quy hoạch được thông qua cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được phê duyệt.

Vấn đề này cũng từng được đặt ra thời điểm trước khi Nghị định 37 được ban hành và có hiệu lực. Theo đó, Văn phòng Chính phủ trong một văn bản đã lưu ý với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về xử lý chuyển tiếp đối với công tác điều chỉnh, quản lý quy hoạch, theo đó giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để xử lý khoảng trống pháp lý điều chỉnh quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực (từ ngày 1/1/2019) đến khi quy hoạch mới được ban hành.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, nếu không có cơ chế trong giai đoạn chuyển tiếp thì các dự án đang xin bổ sung vào quy hoạch phải chờ đợi ít nhất 1 đến 2 năm nữa, tức là có thể tới năm 2021 mới được phê duyệt. Các dự án công nghiệp sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ, phát triển công nghiệp đất nước.

Đặc biệt, một trong lĩnh vực thuộc ngành công thương là lĩnh vực điện, nguy cơ thiếu điện trên cả nước đang được đặt ra trong khi việc xin bổ sung vào quy hoạch bị đình trệ khiến các dự án nguồn và lưới điện không thể triển khai các bước tiếp theo.

“Đối với các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, Chính phủ đã có cơ chế khuyến khích với giá điện có hiệu lực đến tháng 11/2021. Nếu chờ 2 năm nữa mới có quy hoạch, các dự án không kịp phát điện sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển, tác động không nhỏ đến chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo”, vị này cho biết.

Còn nhiều vướng mắc, dự án vẫn “nằm” chờ

Theo thống kê trước thời điểm Nghị định 37 được ban hành, Bộ Công Thương cho biết, hơn một năm trở lại đây, Bộ này đã tiếp nhận đề xuất của hàng trăm nhà đầu tư với tổng cộng khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 26.000MW và số còn lại điện gió.

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018, số dự án được điện gió và điện mặt trời được phê duyệt để bổ sung quy hoạch mới chỉ khoảng 7.500MW. Như vậy, vẫn còn trên 20.000MW điện gió, điện mặt trời đang “xếp hàng”.

Bộ Công Thương đã đề nghị, trong giai đoạn chuyển tiếp này Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép Bộ có đủ thẩm quyền để tiếp tục thẩm định bổ sung các dự án nguồn và lưới điện như hiện nay để đáp ứng kịp tiến độ đầu tư công trình điện, đáp ứng nhu cầu cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Sau khi Nghị định 37 được ban hành, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong Luật Quy hoạch và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật không có điều khoản hướng dẫn chi tiết về phạm vi, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trong giai đoạn chuyển tiếp khi chưa có các quy hoạch mới được lập theo Luật Quy hoạch. Do vậy hiện việc điều chỉnh, bổ sung dự án vào quy hoạch đã được phê duyệt trước đây đang vướng mắc về quy định pháp lý.

Tương tự, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, hiện nay có 5 địa vương chưa thể ban hành quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 2016-2020 là TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương. Ngoài ra, hàng loạt địa phương muốn điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng bị mắc kẹt. Ví dụ tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh không thể chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch ti tan trước đây sang để phát triển các dự án điện mặt trời.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/khoang-trong-phap-ly-tu-1-bo-luat-co-du-an-co-the-phai-cho-2-nam-de-duoc-bo-sung-vao-quy-hoach-3506746.html