Khoảng trống pháp lý dịch vụ công sau vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải

Việc tư nhân hóa dịch vụ công đòi hỏi những luật lệ rõ ràng đi kèm với trách nhiệm xử lý của Nhà nước.

Toàn cảnh Nhà máy nước sạch Sông Đà. Ảnh: Mạnh Thắng

Toàn cảnh Nhà máy nước sạch Sông Đà. Ảnh: Mạnh Thắng

Những ngày giữa tháng 9, sự cố cháy nhà máy Rạng Đông khiến người dân hoang mang, lo lắng vì vấn đề ô nhiễm không khí.

Chưa đầy 1 tháng sau, cuộc sống của nhiều người dân khu vực Tây Nam Hà Nội lại bị đảo lộn khi nước sinh hoạt bốc mùi lạ khó chịu. Nguyên nhân sau đó được xác định là do dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của nhà máy nước sạch sông Đà, khiến nước không thể sử dụng ăn uống.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập thuộc Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) trả lời phỏng vấn cho rằng những sự cố vừa qua cho thấy một khoảng trống về pháp lý, về thể chế để bảo vệ không chỉ quyền mà còn sức khỏe, sự an toàn và tính mạng của người dân.

Ông cho biết hiện đã có luật bảo vệ sức khỏe người dân nhưng luật này chỉ có quy phạm như hiến pháp, chưa có giá trị cụ thể. Trong sự cố nước sông Đà, khi xảy ra vụ việc hình sự, có thể trừng phạt một vài người nhưng không thể cứu được hàng triệu người.

Theo đó, điều thiếu vắng ở đây là khuôn khổ pháp lý về cung cấp dịch vụ công nói chung và cung cấp các dịch vụ thiết yếu nói riêng. “Việc tư nhân hóa cung cấp dịch vụ công đang diễn ra ở Hà Nội nói riêng như 1 trào lưu và được khuyến khích là điều tôi thấy lo ngại”.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập thuộc Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS).

Ông cho biết tại các quốc gia khác, việc tư nhân hóa diễn ra trong giới hạn được kiểm soát bằng nhiều biện pháp rất chặt chẽ của Nhà nước.

Dù tư nhân hóa, Nhà nước không bao giờ từ bỏ trách nhiệm về cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thiết yếu và trong trường hợp các sự cố xảy ra, Nhà nước đứng ra chịu trách nhiệm đầu tiên chứ không phải các nhà đầu tư.

Nguyên tắc này xuất phát từ bản chất của dịch vụ công là dịch vụ cần thiết người dân phải được cung cấp, không phụ thuộc vào thị trường còn đầu tư tư nhân có sự phụ thuộc, lấy lợi nhuận làm tiêu chí và hành xử theo quy luật thị trường.

“Dịch vụ công không thể được điều chỉnh bằng quy luật của thị trường. Do đó, Nhà nước phải đứng ra chịu trách nhiệm, nếu tư nhân hóa thì phải có luật lệ rõ ràng, tư nhân hóa trong điều kiện như thế nào, Nhà nước chịu trách nhiệm ra sao”, ông Lập phân tích.

Liên quan đến sự vụ ô nhiễm nước sông Đà, vị luật sư đánh giá cung cấp nước sạch là lĩnh vực siêu lợi nhuận xét theo sự bền vững của lợi nhuận do thiếu vắng sự cạnh tranh. Sự cạnh tranh chỉ diễn ra để có được dự án còn khi nhà đầu tư có quyền cung cấp nước sạch, cạnh tranh bị vô hiệu hóa bởi người tiêu dùng không được lựa chọn.

“E rằng chúng ta đang nhầm lẫn trong chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thông thường với tư nhân hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công. Tôi nghĩ sau các sự cố môi trường vừa rồi, điều này cần được thức tỉnh và điều chỉnh, khắc phục”, ông Lập nhấn mạnh.

Chia sẻ cùng góc nhìn, tại tọa đàm “Thị trường hàng hóa dịch vụ công nhìn từ nước sạch sông Đà” tuần trước, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng thị trường dịch vụ công ở Việt Nam đang trở thành những miếng bánh béo bở cho doanh nghiệp tư nhân tranh giành.

Ông nhận định hoạt động cung cấp dịch vụ công trong trường hợp nước sạch sông Đà có quá nhiều bất cập. Trách nhiệm, đạo đức của người cung cấp dịch vụ công, của các cơ quan quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ công và động lực thúc đẩy dịch vụ công đang có nhiều vấn đề.

Dịch vụ công cho tư nhân cung cấp thì chính quyền luôn có vai trò, trách nhiệm rất lớn. Do đó, chính quyền phải quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ công và phản ứng trước việc cung cấp dịch vụ công của tư nhân.

“Tuy nhiên, ở vụ việc sông Đà, chính quyền phản ứng rất chậm trễ”, ông Dũng đánh giá.

Theo vị chuyên gia, doanh nghiệp tư nhân có nhiều thế mạnh nếu được tạo điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ công nhưng vì tư nhân thường chạy theo lợi nhuận, một số vấn đề khác nhiều khả năng sẽ bị bỏ qua.

Nếu trong thị trường dịch vụ công không có cạnh tranh về chất lượng thì rủi ro của việc chất lượng không đảm bảo sẽ rất lớn. Doanh nghiệp sẽ đặt tiêu chí chất lượng xuống dưới lợi nhuận và vụ việc sông Đà có thể lại xảy ra một lần nữa.

Theo đó, cần có những quy định, thiết chế đảm bảo chất lượng dịch vụ công do doanh nghiệp tư nhân cung cấp.

"Phải có đạo luật về dịch vụ công áp đặt các chuẩn mực về dịch vụ công. Các cơ quan có thẩm quyền quy định về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ mà bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào muốn tham gia cung cấp dịch vụ công cũng phải tuân theo", ông Dũng nhấn mạnh.

Hoàng Hải

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/khoang-trong-phap-ly-dich-vu-cong-sau-vu-nuoc-sach-song-da-nhiem-dau-thai-1572261094299.htm