Khoảng trống pháp luật nhìn từ vụ Alibaba

Từ sự việc Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và Tổng giám đốc Công ty này Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt, dư luận đặt ra câu hỏi: 'Tại sao sự việc đã diễn ra từ lâu mà bây giờ mới phanh phui?'

Hình thức huy động vốn nằm ngoài luật?

Công ty Alibaba phân phối các dự án "ma", thu lợi bất chính 2.500 tỷ đồng (Nguồn: Internet)

Sau vụ việc lừa đảo của Công ty CP địa ốc Alibaba bị vỡ lở, hàng nghìn khách hàng thiệt hại tới vài nghìn tỷ đồng và có nguy cơ toàn bộ tài sản họ đầu tư vào dự án của công ty này bị mất trắng.

Theo các chuyên gia, kiểu kinh doanh của Alibaba không làm dự án hay ra sổ chủ quyền đất là gì mà chỉ chiếm dụng vốn của khách. Họ đánh vào tâm lý ham lợi nhuận cao của khách hàng và họ trả 1-2 lần lợi nhuận (lãi suất hàng tháng) sau đó họ không trả nữa”.

Trước việc khởi tố Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh - những lãnh đạo chủ chốt của Công ty Alibaba, nhiều ý kiến đặt ra là tại sao hình thức kinh doanh được cho là “lừa đảo” kiểu này nhưng tồn tại khá lâu? Theo ý kiến luật sư, phương thức hoạt động của Công ty Alibaba gần giống như mô hình Ponzi. Theo hình thức này, người ta vay tiền của người này để trả nợ người khác, người đi vay đưa ra cam kết sẽ trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những người đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay mới. Bằng hình thức này, người đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn.

Công ty Alibaba đã quảng cáo, lừa phỉnh rao bán đất nông nghiệp và các dự án ảo thông qua hình thức hợp đồng “hợp tác đầu tư” với khách hàng, về bản chất đây là một giao dịch huy động vốn trả lãi cao nằm ngoài phạm vi quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Tuy nhiên, nhiều khách hàng của công ty vẫn biết việc ký hình thức hợp đồng nêu trên là không đúng quy định của pháp luật nhưng vì lòng tham và ham lời với lãi suất cao nên vẫn ký hợp đồng và lôi kéo nhiều người thân quen của mình tham gia để từ đó tạo cơ hội cho Công ty Alibaba dễ dàng chiếm đoạt tiền của khách hàng”.

Pháp luật còn nhiều kẽ hở!

Theo luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự, hiện nay, pháp luật quy định khi các dự án có đủ điều kiện huy động vốn thì chủ đầu tư được quyền ký hợp đồng mua bán với khách hàng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư lách luật bằng cách ký các thỏa thuận dân sự nhằm huy động 1 phần vốn hoặc 95% phần vốn dưới dạng hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng góp vốn xây dựng hạ tầng, hợp tác đầu tư…

“Xét về bản chất, các hợp đồng mua bán này đều lách luật dưới những tiêu đề khác nhau. Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét lại vấn đề này và có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, luật sư Hưng nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, luật sư Hưng nói: “Luật nhà ở hình thành sau 1 thời gian khá dài, bộc lộ những khiếm khuyết của nó. Đi qua hàng loạt vụ chiếm đoạt lừa đảo tài sản, chúng ta thấy nhiều chủ đầu tư không có khả năng tài chính nhưng vẫn được nhà nước cấp cho các dự án đất. Hoặc là khi họ chưa hình thành móng họ đã thu tiền rồi, thậm chí có những dự án xây không đúng tiến độ, vượt tầng, người mua nộp hơn 70% vẫn không lấy được nhà, thậm chí không giao hàng năm nay hoặc giao nhà chưa nghiệm thu chất lượng công trình và phòng cháy chữa cháy. Bât cập này xảy ra rất nhiều, người mua là người yêu thế, gánh chịu những thiệt hại, mất tiền mất tài sản”.

Luật sư Hưng thẳng thắn nhìn nhận: “Nguyên nhân đâu đó nằm ở cơ chế pháp luật về văn bản, cơ chế quản lý Nhà nước về địa phương không làm thấu đáo, đầy đủ nên mới dẫn đến sự việc như Alibaba lừa đảo nghìn người. Tôi cho rằng đến bây giờ cơ quan cảnh sát mới khởi tố thì qua muộn, bởi đã để sự việc diễn ra hàng bao lâu nay.

“Đáng lẽ ra chiếu theo quy định pháp luật không có dự án, không có giấy phép thì cơ quan Nhà nước phải có biện pháp ngăn chặn. Để đến khi hàng nghìn tỷ bị chiếm đoạt thì lúc này biện pháp răn đe tôi nghĩ là là không đủ để làm cho kẻ vi phạm khiếp sợ, và nó sẽ còn tạo ra những bất ổn lớn trong xã hội”, luật sư Hưng nói thêm.

Qua sự việc này cho thấy, vẫn còn nhiều kẽ hở trong quản lý bất động sản cũng như trách nhiệm của ngành chức năng chưa rõ ràng. Đa phần các ý kiến đều cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là cơ quan quản lý Nhà nước không làm nghiêm sự việc. Bởi đây l à những dự án rất lớn và rao bán rầm rộ, công khai, vậy mà các cơ quan quản lý nhà nước không ngó ngàng, khi xảy ra sự việc, có hành vi lừa đảo đảo rồi thì cơ quan chức năng mới xử lý.

Luật sư Hưng nhấn mạnh: “Để hạn chế tình trạng này thời gian tới, các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ, phải quy trách nhiệm người đứng đầu các địa phương và cơ quan chức năng liên quan như thanh tra xây dựng, địa chính… khi xảy ra trên địa bàn thì họ phải chịu trách nhiệm”.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khoang-trong-phap-luat-nhin-tu-vu-alibaba-post68736.html