Khoảng trống người kế nghiệp ở Kim Cương

Học chưa hết cấp hai đã phải bươn chải phụ gia đình, thế nhưng bà Khổng Thị Minh, chủ thương hiệu nồi cơm điện Kim Cương đã gây dựng doanh nghiệp được nhiều người biết đến, doanh số mỗi năm gần 800 tỷ đồng.

Nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp gia đình khác, bà Minh cũng chưa tìm được lời giải cho bài toán người kế nghiệp. Ở tuổi 60, bà vẫn một mình điều hành mọi hoạt động kinh doanh. Bà là người trực tiếp tham gia vào tất cả các khâu sản xuất cũng như sổ sách kế toán. Điều đặc biệt, bà gần như là người bán hàng và marketing duy nhất trong công ty. Trao đổi với DOANH NHÂN, bà Minh bảo: “Vì việc giao quyền rất khó”!

Hành trình gây dựng thương hiệu Kim Cương ngoài mồ hôi còn có cả máu và nước mắt. Tôi sẽ không bao giờ bán đứa con tinh thần này

Con không theo nghiệp mẹ, tôi rất buồn

- Người chủ doanh nghiệp cần có thời gian để hoạch định chiến lược kinh doanh cũng như điều hành về mặt tổng thể. Tôi lại thấy bà tham gia vào tất cả mọi khâu tại Kim Cương. Tại sao bà không giao bớt việc cho công nhân của mình?

Không phải tôi không giao quyền cho nhân viên, cũng không phải sợ họ không trung thành. Nhưng làm nghề này không đơn giản một chút nào, nếu chỉ là một nhân viên bình thường thì không đủ năng lực để làm. Với cách làm của tôi, riêng khâu marketing chỉ chủ doanh nghiệp mới làm được. Tôi là một người say sưa với công việc và đam mê máy móc. Tìm được một nhân viên có chung niềm đam mê giống như tôi không phải dễ. Ở tuổi của tôi bây giờ không có người kế thừa để làm, nhưng tôi nghĩ mình cứ làm được lúc nào thì hay lúc đó, không suy tính. Tôi năm nay 60 tuổi. Cũng đang cố gắng đào tạo và truyền lại cho những nhân viên nào trung thành với mình, để đến lúc không làm được nữa thì truyền lại cho họ hưởng những thành quả này.

- Tại sao bà lại đào tạo và truyền nghề cho các công nhân của mình mà không phải là các con của bà?

Tôi có 3 đứa con: một con trai, một con gái và một con dâu. Cả 3 đứa đều tốt nghiệp đại học, đều thành đạt. Nhưng các con tôi không đứa nào đam mê nghề này, chúng cũng không chịu nổi áp lực. Vì thế, đến bây giờ tôi vẫn làm một mình. Các con không theo nghề của mẹ, điều đó với tôi là rất buồn. (khóc)
Mình ra xã hội mọi người biết mình, chia sẻ với mình rất nhiều, nhưng vì đam mê mà mình làm thôi chứ nhiều lúc nghĩ rất buồn. Bây giờ tôi nghĩ mình làm không phải là cho mình nữa, con cái mình cũng đầy đủ rồi. Bây giờ, tôi làm vì tất cả 300 công nhân đang gắn bó với mình.
Tôi chỉ mong sao có sức khỏe, làm được cái gì cho công nhân thì làm hết sức mình. Và làm được những gì cho khách hàng, cho người tiêu dùng mình làm hết. Lợi nhuận tôi chỉ mang về một chút thôi để nay mai dưỡng già, không suy tính gì hết, chỉ mong ông trời đừng bắt mình đi sớm. Tôi làm đến lúc nào phải chống gậy không làm được nữa mới thôi. Đến lúc đó tôi sẽ bàn giao cho các cháu, các cháu làm được thì các cháu hưởng cơ ngơi này.

Tôi sẽ không bao giờ bán đứa con tinh thần này

- Nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tìm người kế nghiệp. Bà có nghĩ đến giải pháp khác là bán doanh nghiệp hay không?

Nếu tôi bán doanh nghiệp và bán thương hiệu của mình chắc chắn sẽ thu được rất nhiều tiền. Nhưng tôi nói với mọi người rằng, nếu tôi bán Kim Cương ngày hôm nay, ngày mai tôi chết. Và tiền đó tôi sẽ di chúc lại làm từ thiện hết. Bởi vì, trước khi tạo lập Kim Cương, tôi đã bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Hành trình gây dựng thương hiệu Kim Cương này phải nói là nước mắt, mồ hôi cũng nhiều và máu cũng nhiều. Tôi sẽ không bao giờ bán đứa con tinh thần này.
Có thể tôi sẽ chuyển giao cho nhân viên trong công ty. Công nhân nào trung thành, gắn bó với mình, từ xưa đến nay chỉ sống chết với mình thôi thì tôi sẽ để lại cho người đó. Khi đó, những người kế nghiệp sẽ luôn nói rằng, công ty này là linh hồn của họ và là bức tượng đài của người sáng lập mà họ muốn nâng niu.

- Con cái không kế nghiệp. Vậy trong gia đình có ai hỗ trợ và là điểm tựa cho bà mỗi lúc khó khăn?

May mắn tôi được chồng ủng hộ. Tôi muốn làm gì cũng được, ông ấy không bao giờ phàn nàn. Ngay cả khi còn duy nhất cái xe máy Honda 81 tôi đem bán nốt để làm ăn ông ấy cũng ủng hộ. Chồng tôi là người thầm lặng ủng hộ vợ, mặc dù ông ấy không rành về lĩnh vực này.

- Đâu là bí quyết để bà xây dựng thương hiệu Kim Cương lớn mạnh như hôm nay?

Một là mình không đi sai hướng. Mình không lấy tiền lời của mình để đầu tư vào những việc khác mà lấy đồng tiền làm ra đầu tư vào đúng chỗ. Đi sai hướng là gì? Đó là dùng đồng vốn để đầu tư vào bất động sản hoặc làm những việc gì khác… đến lúc đồng vốn bị hao hụt, ngân hàng không cho vay sẽ bị khủng hoảng.
Công ty tôi trong quá trình hoạt động không vay mượn, có bao nhiêu làm bấy nhiêu trong phạm vi đồng tiền của mình thôi. Nên cứ nói khủng hoảng thì mọi người lo lắm, nhưng tôi thì không. Công ty tôi từ 150 công nhân lên 200, giờ lên 300 người. Tiềm năng của công ty có thể phát triển lên 500 công nhân, nhưng tôi sợ ở tuổi của mình bây giờ không quản lý được, bung ra càng nhiều thì sự thất thoát càng cao. Vậy nên tôi không mở rộng thêm nữa mà chỉ dừng ở đây.
Thứ hai là phải tìm hiểu xem thị hiếu của người tiêu dùng là gì để đừng đi sai hướng.
Thứ ba, trong quản lý nhân sự, tôi coi những nhân viên như chính con mình và luôn tin tưởng họ. Những gì có thể truyền đạt được cho họ là truyền hết, không giấu nghề, từ đó nhân viên yêu nghề, yêu công ty và gắn bó với mình.

- Bà truyền nghề hết cho họ mà không sợ họ bỏ bà ra làm riêng hay sao?

Tất cả những nhân viên kỹ thuật, kinh doanh, tôi truyền nghề hết, nhưng không ai bỏ đi ra làm riêng. Ở các công ty thương mại, bỏ ra làm riêng thì dễ. Còn trong lĩnh vực sản xuất như của tôi, để làm ra được một cái nồi có khoảng 50 công đoạn và phải đầu tư ít nhất 40 cái máy, kèm theo đó là biết bao nhiêu bộ khuôn. Một bộ khuôn tốn ít nhất 3 tỷ đồng. Mỗi sản phẩm mới lại yêu cầu phải thay khuôn mẫu mới nên việc đầu tư khá tốn kém. Mỗi năm cho ra 10 sản phẩm mới thì chỉ riêng việc đầu tư cho khuôn mẫu đã tốn khoảng 30 tỷ đồng.
Nhưng điều quan trọng nhất là phải có lòng tin vào công nhân. Những công nhân của tôi rất yêu quý tôi. Họ coi tôi như người mẹ, người thân trong gia đình họ. Vì thế ước mong của tôi là khi về già, tôi không làm được nữa thì tôi sẽ chuyển giao lại tất cả cho những công nhân đang gắn bó với tôi.

- Bà hầu như không làm bất cứ hoạt động truyền thông nào. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về bí quyết để bán được hàng?

Hầu như 20 năm nay tôi không làm quảng bá truyền thông mà tự mình tiếp thị, tự mình bán hàng đến người tiêu dùng. Cách tiếp thị của tôi rất đơn giản. Các đại lý coi tôi giống như một người chủ mà người ta rất quý mến. Ở miền Nam, tôi chỉ có tổng cộng 12 đại lý cấp 1, nhưng hàng ra đến đâu sẽ được đại lý bán đến đó với doanh số không phải là nhỏ. Thứ nhất, tôi rất chăm chút các đại lý mặc dù ít, tình cảm với họ giống như người trong gia đình, chị em đi du lịch cùng nhau, ăn với nhau, ngủ cùng nhau.

Bình thường một công ty như vậy phải có ít nhất 40 nhân viên tiếp thị. Với mức lương của nhân viên tiếp thị là 15 triệu đồng/tháng thì cũng tốn rất nhiều tiền. Do không tiêu tiền vào tiếp thị nên tôi dùng tiền đó để giảm giá thành thành sản phẩm, dẫn đến giá cả sản phẩm của mình luôn luôn phù hợp với người tiêu dùng.

- Tại sao bà không làm truyền thông marketing?

Thứ nhất, do đầu tư marketing tốn kém sẽ đẩy giá thành lên cao. Thứ hai, trời thương cho tôi cái duyên bán hàng, hàng sản xuất ra không đủ bán thì làm marketing gì nữa. Ông trời thương tôi, cho tôi sự đam mê, trí nhớ, ủng hộ tôi rất nhiều. Hầu như hàng nào ra tôi cũng bán được. Thậm chí khách hàng còn hỏi đùa tôi có bỏ bùa họ không mà hàng cứ ra đến đâu bán đến đấy.

- Ngoài công việc kinh doanh, thời gian rảnh bà thường làm gì?

Khi về già, không làm được nữa thì tôi sẽ chuyển giao lại tất cả cho những công nhân đang gắn bó với tôi

Tôi không có thời gian cho riêng mình. Ở tuổi này mà hàng ngày tôi vẫn thức dậy lúc 4 giờ sáng, đi hết chợ nọ chợ kia, mua những cái rẻ về bán cho công nhân. Tiền thu được tôi dành làm từ thiện. Từ thiện tôi cũng không mang đi đâu cả, cuối năm tôi chia cho công nhân hết. Ai cũng nói tôi sao phải làm công việc cực nhọc vậy. Nhưng khi mình đam mê, mình làm cho họ ăn mà họ ăn ngon thì mình thích lắm. Tôi thường bán cháo cho công nhân tăng ca, bán kem, bán gạo cho họ. Tôi cứ bỏ cái rổ ở đó, công nhân ăn xong tự bỏ tiền vào, vì tiền đó tôi cũng đem làm từ thiện hết.
Tôi sống cũng dân dã nên công nhân coi tôi giống như một người mẹ, họ quý mến tôi lắm. Và tôi quý công nhân còn hơn cả con tôi. Họ là tài sản vô giá, không có gì bằng. Công nhân là người làm ra sản phẩm cho mình, mang lại lợi nhuận cho mình nên tôi rất thương họ. Khi tôi mở công ty, ban đầu có 30 công nhân, mức lương trung bình chỉ 300.000 đồng/tháng. Đến bây giờ, một người công nhân bình thường tăng ca mức lương sẽ trên 10 triệu đồng/tháng.

- Xin cảm ơn bà!

Lê Dung

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/khoang-trong-nguoi-ke-nghiep-o-kim-cuong-121571.html