'Khoảng trống kế nghiệp' phía sau công ty gia đình

Khoảng trống phía sau các công ty theo mô hình gia đình sở hữu – vận hành đã được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, song có vẻ các nhà sáng lập nhóm doanh nghiệp này chưa tìm được...

Khoảng trống phía sau các công ty theo mô hình gia đình sở hữu – vận hành đã được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, song có vẻ các nhà sáng lập nhóm doanh nghiệp này chưa tìm được lời giải.

Tựu trung, các công ty do gia đình sở hữu đang phải đối mặt với vấn đề “khoảng trống kế nghiệp” trong trường hợp người sáng lập rút lui sớm ngoài ý muốn, có thể do bệnh tật (như trường hợp Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty Nhựa Đại Đồng Tiến kế nghiệp cha là ông Trịnh Đồng). Một trường hợp khác là người sáng lập chủ động “nhường ngôi” dần dần theo lộ trình chuyển giao và đào tạo cho con cái của họ, do nguyên nhân tuổi tác (Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long và 3 người em ruột đang dần gánh vác cơ nghiệp của cha – ông Lý Ngọc Minh).

Sự chuyển giao bất đắc dĩ

Nguyên nhân tạo ra khoảng trống thì có nhiều, nhưng chủ yếu nằm ở chỗ thế hệ thứ 2 (F2) chưa đủ năng lực và kinh nghiệm, tài thao lược và mưu mẹo để điều hành nếu không có sự trợ giúp của cha mẹ – người sáng lập, mặc dù các bạn trẻ kế nghiệp được ăn học đàng hoàng ở nước ngoài. Những trường hợp được gánh vác cơ nghiệp gia đình quá sớm như Trịnh Chí Cường thì vẫn cần thêm thời gian để thử thách, mặc dù Cường đã thể hiện được năng lực của mình. Năm 2007, chàng thanh niên Trịnh Chí Cường trở về sau 7 năm du học và làm việc tại Singapore đã được cha là ông Trịnh Đồng – Chủ tịch Công ty Nhựa Đại Đồng Tiến – giao cho một số công việc tại doanh nghiệp gia đình để làm quen. Đây là thời điểm then chốt của công ty này, bởi ông Trịnh Đồng quyết định chuyển Đại Đồng Tiến sang mô hình công ty cổ phần nhằm mở rộng thị trường ra miền Bắc. Tuy nhiên, giữa lúc công ty đang cần mình hơn bao giờ hết thì ông Đồng đột nhiên bị bạo bệnh và buộc phải nghỉ làm việc để điều trị, dù vào lúc đó ông mới hơn 50 tuổi. Người con trai Trịnh Chí Cường không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi vào chiếc ghế “nóng” và chèo lái công ty khi mới tròn 26 tuổi.

Theo chia sẻ của một nhà phân tích chiến lược doanh nghiệp, vào thời điểm 2007 khi vị chủ tịch bị bệnh phải chuyển giao quyền hành cho người trong gia đình, Đại Đồng Tiến có 2 lựa chọn khác cho chiếc ghế tổng giám đốc này. Người thứ nhất chính là bà Trần Thị Huê, vợ của ông Trịnh Đồng và người thứ 2 là 1 trong 3 người em trai của bà Huê (người đã gắn bó với ông bà từ khi Đại Đồng Tiến mới chỉ là một cơ sở sản xuất nhựa nhỏ tại quận 5, TP.HCM). Lý do nào khiến chàng trai chưa tới 30 tuổi, mới chân ướt chân ráo đi du học về lại “đánh bật” các “ứng viên” nhiều kinh nghiệm hơn mình để trở thành người điều hành Đại Đồng Tiến? Theo tiết lộ của chính Cường, anh được chọn vì anh là con trai cả của ông Đồng bà Huê, lại được học hành bài bản tại Singapore và quan trọng là anh có tố chất lãnh đạo.

Sự lựa chọn này dù vậy vẫn nằm ngoài ý muốn của ông chủ Trịnh Đồng, bởi người con trai cả vẫn còn quá trẻ so với những nhà quản trị dày dạn kinh nghiệm của công ty. Họ đều là cô, chú của Cường trong gia đình, đó là chưa kể kinh nghiệm của Cường về ngành nhựa chỉ là con số 0. May mắn cho ông Đồng và Đại Đồng Tiến, bà Huê và người thân đã ủng hộ và giúp đỡ Cường hết lòng. Chỗ dựa gia đình vững chắc đã tiếp thêm sự tự tin cho nhà lãnh đạo trẻ, mở đường cho những quyết định được đánh giá là sáng suốt: mạnh dạn đầu tư vốn để nâng cao năng suất; mở rộng kênh phân phối theo mô hình chuyên nghiệp và bài bản; nâng cao chất lượng sản phẩm và đổi mới mẫu mã sản phẩm nhằm gia tăng thị phần nhựa tiêu dùng…

Sau gần 10 năm gánh vác sứ mệnh kinh doanh của gia tộc trên vai, Trịnh Chí Cường đã khẳng định được năng lực quản trị của mình. Tuy nhiên, anh vẫn khẳng định, Đại Đồng Tiến sẽ tiếp tục trung thành với mô hình doanh nghiệp của gia đình, nhưng theo hướng quản trị hiện đại chứ không mang tính “gia đình trị”. Cường đã từng chia sẻ với DOANH NHÂN cách đây vài năm, trong một cuộc trò chuyện rằng: “Cần phân biệt rạch ròi giữa các công ty gia đình. Đại Đồng Tiến thuộc về gia đình, nhưng chúng tôi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, có hội đồng quản trị như các công ty khác. Mọi vấn đề hệ trọng đều được HĐQT quyết chứ không phải một hay một vài cá nhân”.

Vẫn còn nhiều khoảng trống

Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gốm sứ Minh Long, cũng vẽ ra một lộ trình chuyển giao quyền điều hành công ty gia đình của ông cho 4 người con của mình. Quan điểm của ông là phải làm gương cho con trong việc quản trị công ty, dù ai cũng biết ông có quyền lực tối thượng tại Minh Long. Ông từng khẳng định trên báo điện tử BizLive rằng, “tố chất là do trời sinh, không phải ngọc thì không thể giũa thành ngọc”, hàm ý nếu con ông không có tố chất lãnh đạo thì ông sẽ không khiên cưỡng nâng đỡ con làm lãnh đạo. Tuy vậy, một chuyên gia kinh tế cho rằng, đó chỉ là trên lý thuyết, bởi hầu như không có chuyện ông cũng như các ông/bà chủ doanh nghiệp gia đình khác, ngoảnh mặt với con cái của họ để đưa người ngoài về làm tổng giám đốc.

Những ông/bà chủ công ty gia đình vẫn chưa đủ can đảm gạt bỏ lối tư duy cha truyền con nối để trao quyền hành cho người giỏi ngoài gia tộc

“Nếu có vị (chủ tịch công ty gia đình) nào dũng cảm làm như vậy, tôi cho rằng ông/bà ta xứng đáng được khen ngợi, bởi dám gạt bỏ lối tư duy cha truyền con nối để trao quyền hành cho người giỏi”, chuyên gia cho biết. Hiện nay, con trai trưởng của ông Minh là Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Minh Long, đang đảm trách khâu kinh doanh của công ty. Những người con khác nắm giữ những chức vụ khác. Nhưng có thể thấy, về cơ bản mọi quyết định mang tính chiến lược từ kinh doanh, sản xuất, phân phối đến kỹ thuật của Minh Long đều nằm trong tay ông Lý Ngọc Minh.

Một số công ty gia đình lớn gốc Hoa ở TP.HCM như Biti’s, nệm Vạn Thành, nước mắm Liên Á, thép Hữu Liên Á Châu… vẫn trung thành với truyền thống cha truyền, con cái nối nghiệp. Nhưng không phải chủ doanh nghiệp nào cũng may mắn có được người kế nghiệp như Trịnh Chí Cường của Đại Đồng Tiến. Điển hình là Biti’s – nơi ông Vưu Khải Thành vẫn nắm vai trò Chủ tịch (phụ trách kỹ thuật và sản xuất) và vợ ông là bà Lai Khiêm vẫn giữ chức vụ Tổng giám đốc (quản lý toàn bộ về tài chính), trong khi đó trưởng nữ của hai ông bà là Vưu Lệ Quyên chưa chính thức đảm nhận một ví trí quản lý cấp cao nào tại công ty. Hiện nay, cô Quyên được biết đến là người sáng lập và sở hữu thương hiệu giày dép cao cấp GOSTO – thực chất là một nhánh của Biti’s, nhưng được định vị ở phân khúc tầm cao.

Ở Hà Nội, những doanh nhân quyền lực nổi tiếng “gia đình trị” như ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch Ngân hàng SHB và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T; bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH kiêm Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Bắc Á; ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn BIM; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG và Ngân hàng TMCP SeaBank… đều nắm quyền lực tuyệt đối tại các doanh nghiệp và ngân hàng do họ thành lập và sở hữu.

Câu hỏi đặt ra ở đây là những ông/bà chủ công ty gia đình như vậy bao giờ buông tay và trao “ấn kiếm” vào tay con cái của họ? Quyền lực được trao đi có đồng nghĩa với sự rút lui của họ hay chỉ là một cách để họ “buông rèm nhiếp chính”?

Thanh Hiền

Doanh Nhân

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/khoang-trong-ke-nghiep-phia-sau-cong-ty-gia-dinh/