Khoảng trống giáo dục mỹ thuật

Khoảng trống quá lớn trong giáo dục các môn nghệ thuật đã là câu chuyện không còn xa lạ, là một mối tâm tư của không chỉ những người trong giới nghệ thuật. Những bất cập trong chương trình giảng dạy từ tiểu học cho đến cao đẳng, đại học, nhất là mỹ thuật tuy đã được đề cập nhiều; một số chương trình có điều chỉnh theo hướng chú trọng đến giáo dục thẩm mỹ, phát huy sự sáng tạo của học sinh, song kết quả thu được chưa đáng kể. Nhận thức về giảng dạy mỹ thuật làm nền tảng cho trẻ từ những bước đầu tiên, tầm quan trọng, vai trò của nó vẫn chưa mấy chuyển biến, chưa được quan tâm. Dường như giáo dục mỹ thuật đang bị bỏ quên!

Các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới không quan niệm sẽ đào tạo các học sinh trở thành những họa sĩ nổi tiếng, mà chỉ mong muốn mang đến cho các em những góc nhìn cơ bản nhất, hiểu thế nào là cái đẹp, từ đó làm nền tảng để phát triển những tố chất nghệ thuật, khả năng sáng tạo và định hướng thẩm mỹ cho các em về sau này. Ngay từ nhỏ, các em đã được học cách sáng tạo, cách trân trọng nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng. Trên nền tảng đó, các em được cải thiện kỹ năng học tập, xây dựng tư duy phản biện, phát triển sự sáng tạo, trí tưởng tượng và tự tin. Từ đó, chính kiến thức mỹ thuật đã tạo cầu nối giữa những sự khác biệt văn hóa, hay nói khác hơn, giáo dục nghệ thuật làm cho người học tôn trọng và hiểu các nền văn hóa khác nhau.

Ở Việt Nam, học sinh đến bảo tàng phần đông là theo phong trào. Từng đoàn học sinh xếp hàng vào bảo tàng chỉ vài chục phút như “cưỡi ngựa xem hoa”, khi về thì quên béng, không đọng lại ấn tượng gì. Tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, thỉnh thoảng cũng có các đoàn học sinh tiểu học đến tham quan, nhưng hầu hết là học sinh của các trường quốc tế! Điều này một phần lý giải về sự chênh lệch giữa nhận thức về vai trò của mỹ thuật trong đời sống giữa ta và các nước.

Nhà giáo nhân dân, họa sĩ Uyên Huy, người từng nhiều năm giảng dạy, gặp gỡ sinh viên các nước cho rằng chương trình đào tạo mỹ thuật và nghệ thuật ở Singapore được làm rất hay. Trong các tín chỉ yêu cầu phải hoàn thành, ngoài các tín chỉ trong nước, sinh viên học ở đây còn phải đạt các tín chỉ của các đơn vị quốc tế. Sinh viên được tự do lựa chọn đi thực tế ở các nước trong khu vực, như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia…

Cũng theo phương pháp giáo dục trực quan, sinh động và chương trình mở, với bậc tiểu học, ở Mỹ, các học sinh được cung cấp kiến thức nền, chung quy là: các yếu tố của mỹ thuật, ngôn ngữ của mỹ thuật, lịch sử mỹ thuật và sản phẩm mỹ thuật. Ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, người ta ngạc nhiên khi biết rằng bất cứ sinh viên nào cũng đều đến hầu hết các bảo tàng nghệ thuật của quốc gia này. Hàng năm, nhà trường tài trợ mỗi sinh viên 300 EUR chỉ để tham quan các bảo tàng nghệ thuật. Họ quan niệm không có gì có thể khám phá, phát triển sáng tạo và trí tưởng tượng tốt hơn giáo dục nghệ thuật.

Cho đến giờ, từ các bậc học tiểu học, THCS, THPT đến cao đẳng, đại học ở nước ta vẫn chưa có được một giáo trình giáo dục mỹ thuật đúng quy chuẩn. Các ngành, các cấp vẫn cứ loay hoay với chuyện khuyến khích, đổi mới phương pháp giáo dục mỹ thuật cho bậc tiểu học. Chúng ta khuyến khích bằng cách nào khi cả vật lực và nhân lực không thể đáp ứng, khi mỗi nơi dạy một kiểu, khi khoảng cách thành thị và nông thôn còn quá xa? Chúng ta đổi mới bằng cách nào khi tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM - một “thánh đường mỹ thuật” của đô thị đặc biệt như TPHCM - lại không có lấy một không gian mỹ thuật “đàng hoàng” cho các em học sinh học tập trải nghiệm.

Những ngày qua, giới nghệ thuật đón nhận nhiều câu chuyện vui buồn lẫn lộn. Vui vì có nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam được tìm kiếm và được trả giá cao trên sàn đấu giá quốc tế, và cũng rất buồn khi thị trường mỹ thuật trong nước ngổn ngang những tranh thật, tranh giả, tranh nhái; bảo vật quốc gia bị đối xử tệ bạc… và thực tế cho thấy, một khi không được đầu tư và giáo dục mỹ thuật, nghệ thuật một cách căn cơ, cả công chúng và nghệ sĩ đều thiệt thòi - nghệ sĩ thiệt thòi vì không có môi trường sáng tạo, còn công chúng thiệt thòi không kém vì chẳng có được bao nhiêu tác phẩm đáng để thưởng lãm.

MINH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khoang-trong-giao-duc-my-thuat-599406.html