Khoảng trống để lại…

Từ ngày 4-8 đến 1-9, Nhà hát Tuổi Trẻ tổ chức 'Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ', nhân kỷ niệm 30 năm nhà viết kịch lừng danh này qua đời.

Tối thứ bảy hàng tuần, một kịch mục Lưu Quang Vũ sẽ được phục vụ công chúng thủ đô, như một cách tri ân người đã đem đến những tác phẩm nổi tiếng như “Tin ở hoa hồng”, “Lời thề thứ 9”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Lời nói dối cuối cùng”…

Cuộc đời Lưu Quang Vũ chỉ vỏn vẹn 40 năm (1948-1988). Khởi điểm là một nhà thơ đắm đuối với tiếng Việt, Lưu Quang Vũ viết kịch từ khi về làm phóng viên báo Sân Khấu cuối năm 1978 với tác phẩm đầu tay “Sống mãi tuổi 17”. Và không ai ngờ, kể từ ngày ấy đến lúc vĩnh viễn chia biệt nhân gian, Lưu Quang Vũ hoàn thành gần 50 vở kịch, trong đó có tác phẩm vượt khỏi biên giới nước nhà như “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.

Nhà văn Lưu Quang Vũ và vợ nhà thơ Xuân Quỳnh.

Nhà phê bình nghệ thuật Christian Hoche trên tờ L’Express của Pháp đánh giá: “Moliere ở Việt Nam tên là Lưu Quang Vũ, một Moliere phương Đông với khóe mắt nhiều nếp nhăn, với ngòi bút chua cay, với khuynh hướng sâu sắc chống chủ nghĩa xu thời!”.

Không chỉ tại Nhà hát Tuổi Trẻ hoặc các đơn vị sân khấu khác tại Hà Nội, mà kịch Lưu Quang Vũ còn là nguồn cảm hứng của hầu hết những người làm sân khấu cả nước. Riêng tại TPHCM, mỗi năm tác phẩm của Lưu Quang Vũ đều được dựng lại và thu hút đông đảo công chúng hào hứng theo dõi.

Nhân 30 năm Lưu Quang Vũ đi xa, nhiều người mới thấm thía khoảng trống mà ông để lại trên sân khấu Việt Nam hôm nay. Rất nhiều đạo diễn băn khoăn đặt câu hỏi, liệu các trại sáng tác kịch bản sân khấu có còn hiệu quả không, vì rất ít kịch bản mới được dàn dựng. Sân khấu chờ mãi vẫn chưa thấy Lưu Quang Vũ khác xuất hiện...

Tưởng nhớ ông bằng “Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ” cũng là một hoạt động thú vị. Bởi kịch pháp Lưu Quang Vũ là một thế giới mà những người làm sân khấu thời hội nhập cần suy ngẫm và nghiên cứu nghiêm túc, để tìm ra con đường phát triển cho kịch nghệ nước ta thời hội nhập. Kịch pháp Lưu Quang Vũ không những hấp dẫn ở những chi tiết gay cấn, mà còn ở lời thoại giàu chất văn học, nêu bật được tâm tư của con người trong cuộc sống ngổn ngang.

Tác phẩm Lưu Quang Vũ để lại dư âm nhờ những triết lý nhân sinh. Ví dụ, ở vở kịch “Người trong cõi nhớ”, Lưu Quang Vũ đã cho nhân vật phát biểu: “Chúng tôi là những người đã chết. Nhưng người ta chỉ chết hẳn khi không còn sống trong lòng người khác nữa. Ngoài thế giới của người đang sống và cõi im lặng của người đã chết, còn có một cõi thứ ba: cõi của những người đang sống trong trí nhớ của những người khác, những người không bị lãng quên”.

TUY HÒA

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/khoang-trong-de-lai-60325.html